Mới đây, các nhà nghiên cứu Mỹ từ trung tâm y tế Đại học Rochester đã chỉ ra rằng, giờ học trước 8h30 sáng tạo ra áp lực với giấc ngủ của các em học sinh, làm trẻ có nhiều nguy cơ mắc phải những bệnh tâm thần. Ngược lại, giờ học ở các trường bắt đầu từ sau 8h30 sẽ giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng ở học sinh.
Tại Việt Nam, giờ học của các học sinh tiểu học từ 7h45 sáng, còn học sinh THCS, THPT thường từ 7h15 đến 7h30. Ảnh minh hoạ
|
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ công bố về thời gian đi học của trẻ trên báo chí. Ngược lại, trước đó, nhiều quốc gia cũng đã áp dụng thay đổi giờ vào học buổi sáng ở các trường trễ hơn trước.
Được biết, giờ học hiện tại của học sinh Anh thường bắt đầu vào 8g30 sáng và kết thúc vào 3g30 chiều.
Woodlands cũng được xem là một trường tiểu học điển hình ở Vương quốc Anh. Học sinh tại đây bắt đầu ngày học vào 8g45 và tan lớp vào 3g15 chiều với lịch học khá thoải mái.
Tại Đức, Colombia, Costa Rica, Hungary, Balan, giờ học của các quốc gia này cũng thường bắt đầu từ 8h30, thậm chí là 9h sáng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, giờ học của các học sinh tiểu học từ 6g45 đến 7h45 sáng, còn học sinh THCS, THPT thường từ 6g30 đến 7h30.
Thời gian học quá sớm như trên biến các học sinh thành những “cỗ máy” học. Thông thường để kịp đến trường, các học sinh phải dậy từ 6h sáng đến trường. Có hôm dậy muộn hơn, học sinh còn không kịp ăn sáng ở nhà mà ăn sáng trên đường đi.
Buổi chiều, các trường học ở Việt Nam thường kết thúc vào 5h chiều. Sau đó, nhiều em học sinh đi học thêm đến tận 9h tối mới về đến nhà. Thời gian học quá sớm, quá dài như trên khiến cho các học sinh ở Việt Nam không còn thời gian ngủ, không còn thời gian chơi.
Chị Minh, 38 tuổi, phụ huynh có con đang học lớp 5 than thở: “Vì trường con toàn học lúc 7h15 sáng nên sáng nào con cũng phải dậy từ 6h sáng để chuẩn bị. Nếu sáng nào con dậy muộn thì con sẽ rất vội vàng, không cả kịp ăn sáng. Cứ thế con mặc quần áo và quáng quàng đạp xe đi học”.
Chị cho biết thêm, ngoài học ở trên lớp từ 7h sáng đến 5h chiều, tối về con chị còn phải đi học thêm 2 môn Văn hoặc Toán.
Thời gian học quá sớm như trên biến các học sinh thành những “cỗ máy” học, ăn sáng trên đường đi học. Ảnh minh hoạ.
|
“Tuần 3 buổi con đi học thêm văn hoặc toán. Khi đến đón con về nhà đã là 9h tối. Về nhà con lại học bài cũng đến khuya. Thật sự thương các con lắm, con không có thời gian để ngủ, để chơi thoải mái nữa. Chưa kể chương trình học nặng nề ở trường, môi trường ganh đua quyết liệt vì điểm số, cả con và phụ huynh ngày càng nặng nề vì áp lực đè nặng. Nhìn con mà tôi cảm thấy con đang bị làm việc quá sức bởi thời gian học và lịch học quá nặng, quá chặt”, chị Minh chia sẻ.
Có con đang học lớp 7 một trường ở quận Đống Đa, Hà Nội, anh Nguyễn Duy Tuấn, 43 tuổi cho biết rằng, kể từ khi con anh học cấp 2, tuy chỉ học 1 buổi ở trường nhưng thời gian đi học thêm và phụ đạo nhiều vô kể.
“Suốt cả tuần con đi học chính rồi học thêm. Duy chỉ có 1 ngày chủ nhật là con được nghỉ trọn vẹn. Hầu hết các ngày, con chỉ về nhà ăn trưa, ăn tối rồi lại nhanh chóng đi học hay làm bài tập. Tối nào con cũng làm bài tập đến 23h đêm và thức dậy vào lúc 6h sáng hôm sau để kịp đến trường”, anh Tuấn kể.
Theo vị phụ huynh này, giờ học ở trường con của anh là 7h15 như vậy vẫn còn khá muộn hơn so với một số trường học khác: “Bạn mình còn cho biết, trường học của bạn mình làm việc theo ca và các lớp bắt đầu rất sớm. Có khi 6h30 đã vào lớp rồi. Vì thế, các học sinh trường này phải thức dậy lúc 5-5h30 sáng để đến trường đúng giờ. Nghe bạn mình kể vậy, mình thấy tội cho các em quá vì có quá ít thời gian để nghỉ ngơi", anh Tuấn than thở.
Trả lại thời gian ngủ và giờ chơi thoải mái cho trẻ
Trên Facebook, rất nhiều phụ huynh kêu ca, than thở về giờ học quá sớm ở trường, cộng với chương trình học quá nặng mà trẻ bị tước mất thời gian ngủ và vui chơi,
Trước khi các trường học ở Việt Nam có động thái thay đổi giờ học muộn hơn, nhiều phụ huynh Việt cho biết đã không ép buộc con học nữa. Họ không quan trọng điểm số của con như trước nữa để giảm tải việc con phải học thêm ngoài giờ sau thời gian học chính ở trường đã kéo quá dài.
Trả lại thời gian ngủ và giờ chơi thoải mái cho trẻ là điều 100% các phụ huynh mong muốn. Ảnh minh hoạ.
|
Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn các trường học Việt Nam nên bắt đầu giờ học muộn hơn như nhiều nước châu Âu.
Phụ huynh Trần Văn Hải, 33 tuổi, nói: “Tôi mong muốn, giờ học của các con muộn hơn. Các trường nên vào học tầm 8h đến 8h30. Khi đó, các con đều được ngủ một giấc đẫy giấc và sẽ bắt đầu ngày học mới tốt hơn. Con sẽ không phải ngủ chưa đẫy giấc, hay vừa đi vừa ăn tạm ổ bánh mỳ nữa.
Như vậy sẽ phù hợp với nhịp sinh học của lứa tuổi con. Nếu cứ học nhiều và đi học sớm quá thì con không đủ thì giờ để ngủ. Mà theo tôi được biết, nếu trẻ sẽ không đủ sẽ không thể cân bằng đời sống tinh thần. Các con sẽ dễ dẫn đến các cháu sẽ bị quá tải trong việc học”.
Theo anh Hải, do trẻ phải đi học sớm và học quá nhiều nên con không có tuổi thơ trọn vẹn, ít có cảm xúc với thế giới xung quanh mà từ đó có thể dẫn đến nghèo nàn về tình cảm, không dễ dàng thích nghi với những thay đổi của cuộc sống và dễ khép mình. Những điều này, khi trẻ lớn lên sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ có thể nhìn thấy ngay trước mắt. Đó chính là việc lớn lên sẽ như những chú gà chọi, chỉ biết học mà không có kỹ năng sống, kỹ năng xã hội.
Nhiều phụ huynh kêu gọi nhau trước khi chờ đợi phía Bộ Giáo dục hay nhà trường thay đổi lại giờ học, chương trình học, cha mẹ Việt nên cố gắng tự bỏ bớt các áp lực cho con trẻ: “Đừng đổ lỗi cho chương trình quá nặng hay quá nhiều thời gian học, vào học sớm, quan trọng là không tạo ra áp lực cho các con. Phải điểm cao, phải bằng cấp giỏi, học trường điểm lớp chọn... Chính những điều này khiến con không có thời gian ngủ, thời gian vui chơi. Vì thế phụ huynh cần thay đổi trước hết”.
Thanh Hà