Sau hơn một tháng nghỉ việc, gần như hoàn toàn ở trong nhà, tôi tự hỏi mình đã thích nghi được đến đâu, có cái gì trong cuộc đời mình sẽ thay đổi hẳn?
Mạng xã hội ngày ngày đập vào mắt những nụ cười vô tư tươi tắn, những khung hình trồng rau, dọn nhà, những tuyên bố “ở nhà không buồn chán”, “thích nghi để thay đổi”. Song thực sự bao nhiêu phần trăm trong đó là sự thật? Rồi người ta sẽ mãi mãi cười tươi khi tập thể dục ở nhà? Sẽ trồng và ăn hết tất cả chỗ rau củ ấy? Nghe cũng ngờ ngợ làm sao.
|
Ảnh minh họa |
Mỗi buổi tối, tôi đi bộ. Hầu như vào đúng một giờ cố định, tôi sẽ gặp một ông bố trẻ đẩy xe nôi đi dạo. Hình ảnh ban đầu thật lạ. Ở đây đã lâu, ông bố trẻ kia hằng ngày tôi đều thấy, trong bộ đồ sơ-vin đi làm, tôi chỉ không nhận ra vì nay anh ta mặc quần lửng và áo thun, đúng là một người đàn ông ở nhà. Chiếc xe đẩy đã cũ, và cậu bé nằm trong xe không còn được bao bọc bởi những lụa là khăn áo và gấu bông.
Cậu chỉ đơn giản mặc tã giấy và áo thun, đưa ngón tay lên miệng mút và thỉnh thoảng khóc lóc cằn nhằn. Ông bố đang mải mê với chiếc điện thoại, đẩy cậu đi mà không nhìn mặt con, cũng không ngó đến con đường - vốn là một đường hẻm nội bộ trong khu dân cư, với những ngôi nhà hắt ánh sáng ra vỉa hè. Cuộc đi bộ của cha con họ kéo dài khoảng hơn nửa tiếng. Tôi tự hỏi mẹ cậu bé đang làm gì?
Có khi nào cô đăng hình chồng đẩy xe đưa con đi dạo, chắc hình phải đẹp, phải nhiều người thích, chỉ không giống sự thật mà tôi nhìn thấy.
Tôi không phải đẩy xe đưa con đi dạo. Con trai tôi đã học lớp Bảy. Những ngày cách ly xã hội, tôi và chồng cố gắng trở thành bạn của con. Cả nhà cùng coi phim, đọc sách, làm món ăn, dọn kho, thậm chí chồng tôi còn lôi chiếc xe đạp cũ ra để đạp xe với con quanh xóm. Nhưng bạn bố hay bạn mẹ chẳng thể nào giống bạn thật của con được, dù đã cố gắng hết sức.
Một hôm chồng ngủ trưa muộn, tôi gọi bằng được bảo anh dậy xuống coi phim với con. Nhưng hóa ra thằng con lại không muốn coi phim, nó đang nói chuyện với bạn. Chuyện kết thúc bằng quát nạt, kiểu “bố mẹ đã cố gắng làm bao nhiêu thứ cho con, vậy mà…”, rất dở, và dở suốt nhiều ngày sau đó.
Giờ thì con sắp đi học lại rồi. Mọi chuyện đang dần trở lại bình thường. Hai cha con đã dẫn nhau đi cắt tóc. Niềm vui được sống, được tự do hòa mình vào sự sôi động của đường phố, của trường học, của tiệm cà phê, của những gặp gỡ chuyện trò đồng nghiệp bạn bè… là có thật, và lớn hơn tất cả những tuyên bố đã phải đưa ra khi bị hạn chế trong nhà.
Cô giáo gửi tin nhắn dặn phụ huynh phải trang bị nước rửa tay cho con, khẩu trang, dặn dò các con điều này điều khác. Nhìn con hớn hở gọi điện nói chuyện với bạn, chuẩn bị sách vở quần áo đi học, bỗng nhiên tôi thấy lo.
Làm sao tin được rằng những đứa bé lớp Bảy, lớp Tám sẽ giữ khoảng cách xã hội và mang khẩu trang suốt ngày. Làm sao đảm bảo rằng chúng sẽ rửa tay thường xuyên, sẽ ngồi xa nhau khi ăn uống. Làm sao trong giờ ra chơi chúng không ào đến căng-tin nhà trường với hàng trăm món quà vặt nước uống của trẻ con.
Các bà mẹ trong nhóm phụ huynh còn lo hơn thế, chia sẻ với nhau bao nhiêu chuyện “lỡ mà” xảy ra, rồi bàn nhau hay mình đến trường làm cái này cái kia cho các con, làm “tình nguyện viên” trong mùa dịch…
Chồng tôi hình như không có những mối lo ấy. Anh trở lại công sở, sáng đi làm bình thường, chiều về muộn bình thường. Hai ba bữa nay tôi cũng không thấy ông bố trẻ đẩy xe đưa con đi dạo ngoài xóm nữa. Mọi người đều đang quay lại với cuộc sống trước COVID-19, và hình như đều đang cố gắng bình thường hóa một cách nhanh nhất có thể.
Tôi dặn dò con từng việc nhỏ khi đến trường, bắt con làm lại cho mình coi, bắt con nhắc lại từng quy tắc. Thằng bé rất ngoan, làm theo mọi yêu cầu. Rồi nó hỏi: “Nếu con làm sai thì sao mẹ? Nếu các bạn con không làm vậy, con chơi với bạn được không?”.
Câu hỏi của con không dễ trả lời. Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi đành phải nói: “Không sao đâu con”. Tôi không thể theo dõi con suốt ngày để mà nhắc nhở, cũng không thể che chắn tất cả, ngăn chặn tất cả, vậy chỉ có cách chấp nhận, lường trước những khó khăn để bình tĩnh đón nhận và xử trí.
Tôi mong muốn kiểm soát mọi rủi ro, nhưng không thể kiểm soát toàn bộ cuộc sống của con, dù nó mới là một đứa trẻ 13 tuổi. Con người là một sinh vật xã hội, con không thể sống thiếu bạn bè, trường lớp. Con cần có mọi người xung quanh. Con cũng cần những thử thách, cả những thất bại như bài học để trưởng thành.
Có lẽ, rửa tay hay không, giữ khoảng cách xã hội thế nào khi trở lại trường, không chỉ là nỗi lo của các bà mẹ như tôi nữa. Đó còn là những dấu mốc trên con đường lớn lên của con tôi, những dấu mốc rất khác biệt so với những thế hệ trước và sau đại dịch.
Thôi thì cứ nghĩ, một ngày nào đó về sau, khi nhìn lại khoảng thời gian giãn cách này, con tôi sẽ thấy giá trị của những bài học từ trong những ngày tháng đó. Thích nghi là chuyện đã diễn ra rồi, còn thay đổi hay không đang là chuyện sắp tới. Tôi sẽ chuẩn bị cho con, chuẩn bị cho mình nữa, để bình tĩnh đón nhận những thử thách có thể xảy ra.
Hoàng Mai