Đi học lại, khó khăn bủa vây thầy trò

27/04/2020 - 07:51

PNO - Tính đến hôm nay 27/4, cả nước có hơn 30 địa phương bắt đầu cho học sinh trở lại trường. Dù thời gian qua, nhiều trường đã triển khai học trực tuyến nhưng việc dạy và học chưa hiệu quả.

Nhiều trẻ lớp Một quên chữ

Đó là viễn cảnh không khó hình dung vào cuối năm học này. Bởi ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, học sinh (HS) lớp Một chưa quay trở lại trường ngày nào. Chị Nguyễn Thị Chung, phụ huynh HS Trường tiểu học thị trấn Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), cảm thán: “Học kỳ I, con tôi chỉ mới làm quen nền nếp mới khi chuyển từ mẫu giáo lên. Con có khiếu môn toán nên không gặp khó khăn khi học, nhưng tập đọc là cả một vấn đề bởi con còn nói ngọng, phát âm chưa rõ; phải ngồi tập viết từng chữ. Nghỉ học hai tháng rưỡi nay, con tôi gần như quên hết”.

Học sinh tỉnh Thái Bình đi học lại từ ngày 20/4, cả thầy và trò đều phải cố gắng để hoàn tất chương trình - Ảnh: Đại Minh
Học sinh tỉnh Thái Bình đi học lại từ ngày 20/4, cả thầy và trò đều phải cố gắng để hoàn tất chương trình - Ảnh: Đại Minh

Chị Huỳnh Thị Thùy Linh, phụ huynh lớp Một ở Q.8, TP.HCM cũng phải nhiều tuần liền mệt nhoài làm cô giáo. Chị kể: “Tôi dạy đánh vần kiểu “o - a - n = hoan”, nhưng con không chịu, bảo tôi dạy sai. Dạy tới toán thì mẹ con cũng cãi nhau chí chóe rồi con không chịu học nữa. Vậy là coi như… thả cửa. Nói thật, HS lớp Một chỉ mới làm quen chữ, số chưa lâu mà nghỉ dài như vậy, vào học lại coi như làm lại từ đầu”. 

Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận, khối tiểu học là cấp học bị ảnh hưởng nặng nề khi phải nghỉ học tránh dịch. Dù ngành giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến nhưng do độ tuổi này còn nhỏ, chưa thật sự phù hợp với việc học trực tuyến, đặc biệt là HS lớp Một, Hai, Ba. Việc duy trì nền nếp, kỷ cương khi học tập ở nhà đối với trẻ nhỏ cũng gặp những khó khăn nhất định. Dự kiến sẽ có một bộ phận HS lớp Một không đọc thông, viết thạo vào cuối năm học này.

Theo thống kê của sở, có khoảng 15-20% HS không có điều kiện tham gia học trực tuyến do không có mặt ở TP.HCM, di chuyển theo cha mẹ đến các tỉnh lân cận. Do đó, dự kiến sẽ có một bộ phận nhỏ HS không trở lại trường do cha mẹ mất việc ở TP.HCM. 

Có khối lớp chỉ 50% học sinh học trực tuyến 

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, dịch bệnh đã khiến cho cán bộ quản lý và giáo viên phải dạy trực tuyến, truyền hình trong tình trạng chưa sẵn sàng, thiếu chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, dù đây không phải hình thức mới lạ.

Cái khó với TP.HCM còn có “đặc thù” sĩ số lớp cao, gây nên tình trạng quá tải hệ thống mạng, việc học kém hiệu quả, nhất là khi giáo viên kết nối theo giao thức meeting hoặc sử dụng tư liệu dạy học dạng video. Dù nội dung chương trình đã được tinh giản, nhưng khó khăn không ít vì thời lượng học trực tuyến có giới hạn so với học trực tiếp, số lượng HS tham gia chưa đầy đủ, hình thức kiểm soát kết quả học tập của HS gặp nhiều khó khăn. 

Về phía người học, nhiều HS không có điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet để tiếp cận bài học. Tính đến ngày 5/4, tại TP.HCM, tỷ lệ HS học trực tuyến không cao. Lớp 12 phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng nên có hơn 88% HS học trực tuyến. Đối với học viên hệ giáo dục thường xuyên, do vừa học vừa làm nên không tham gia được tất cả bài học trên truyền hình. Ở hệ này, tỷ lệ học viên cấp THCS tham gia học trực tuyến chỉ 65% và cấp THPT 83%.  
Từ những khó khăn trên, cộng với một số HS khi nghỉ học đã không cư trú tại TP.HCM nên khó liên lạc với nhà trường, thiếu các điều kiện học tập… Vì thế, việc tiếp thu kiến thức của HS không đồng đều. 

Đây cũng là tình trạng chung của HS các địa phương trong cả nước. Là tỉnh cho HS đi học lại từ ngày 21/4, thầy Hoàng Công Thịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 2 (tỉnh Thanh Hóa), cho hay: “Việc triển khai dạy học trực tuyến thời gian qua nay lại là “cái khó” của nhà trường, bởi chỉ có một nửa HS tham gia học trực tuyến đầy đủ”. 

Cùng tình trạng trên, tại tỉnh Cà Mau, nơi HS lớp 12 đã đi học lại từ ngày 20/4, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT của tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, các trường dạy trực tuyến, bây giờ HS quay trở lại trường sẽ được ôn tập lại bài cũ kết hợp dạy kiến thức mới theo chương trình tinh giản. Tuy nhiên, có một số HS học lực trung bình thì ban giám hiệu phải có kế hoạch hướng dẫn cho tổ bộ môn bồi dưỡng thêm...”.

Có thể thấy, khi HS đi học trở lại, ngành giáo dục sẽ đối diện với nhiều khó khăn phải giải quyết. 

Việc chuẩn bị cho chương trình lớp Một mới bị gián đoạn

Do các trường thực hiện giãn cách xã hội, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp Một mới không tập trung được để bỏ phiếu kín. Chính vì thế, ngoài tiến độ lựa chọn sách giáo khoa bị chậm, thời gian thực hiện áp dụng chương trình phổ thông mới đối với lớp Một cũng bị ảnh hưởng. Việc chuẩn bị trường lớp, thiết bị dạy học cũng chậm tiến độ; tập huấn cho giáo viên cũng bị gián đoạn. Sở GD-ĐT TP.HCM đã kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh tiến độ thực hiện chương trình dạy học, khung thời gian kết thúc năm học và việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa lớp Một cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, việc thi chuyển cấp, huy động trẻ đến trường cũng bị động không kém. Bộ GD-ĐT quy định hoàn thành chương trình vào ngày 15/7, tuyển sinh năm học mới trước ngày 15/8 khiến việc huy động HS cho năm học mới rất khó khăn… Mọi năm, công tác này có thời gian chuẩn bị gần hai tháng hè nhưng giờ thì không đủ thời gian. 

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thanhhungts 27-04-2020 14:08:39

    Chấp nhận cho con khoẻ mạnh, còn có cơ hội học hành hay bị dịch bệnh (rồi bị ảnh hưởng sức khoẻ, thậm chí ra đi ra đi) hay không biết chữ (mù chữ). Các phụ huynh lựa chọn đi...Tôi chọn con cái được khoẻ mạnh, cơ hội học hành còn nhiều.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI