Đi học dưới nắng hè 37-40 độ C

28/06/2020 - 13:30

PNO - Những ngày qua, thời tiết tại các tỉnh miền Trung nắng nóng gay gắt, luôn ở mức 37-40 độ C khiến việc dạy và học của giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng. Đối với học sinh không bán trú, phải ra về vào thời gian khi nắng lên đỉnh điểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thay đổi lịch học, tăng cường chống nóng trong lớp học 

Khoác vội chiếc áo chống nắng cho con gái bảy tuổi vừa tan trường, chị Trần Thị Hạnh (ở thị trấn Nghi Xuân, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, dù nhà chỉ cách trường vài trăm mét, song thời tiết quá khắc nghiệt nên chị phải thu xếp thời gian đưa đón hai con. “Trời này mà xoay đi hai nơi đón hai đứa giữa trưa cũng cực lắm, nhưng để chúng tự đi về thì thương. Để tránh bị say nắng, tôi cũng dặn các con khi ra khỏi trường phải đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng kín mít từ đầu đến chân”, chị Hạnh nói. 

Hệ thống cửa sổ phòng học ở Trường THCS Kim Liên (H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được che chắn bằng rèm chống nóng - Ảnh: Phan Ngọc
Hệ thống cửa sổ phòng học ở Trường THCS Kim Liên (H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được che chắn bằng rèm chống nóng - Ảnh: Phan Ngọc

Để thích ứng với tình hình nắng nóng, các trường tại Hà Tĩnh đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp chống nóng ngay tại lớp học. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) H.Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, các trường học trên địa bàn đã huy động hơn 1,2 tỷ đồng để trang bị quạt hơi nước, rèm cửa chống nóng, máy điều hòa... 

Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng chỉ đạo các trường điều chỉnh kế hoạch dạy-học. Theo đó, những trường có đủ điều kiện (có quạt mát, điều hòa nhiệt độ) có thể tổ chức bán trú, học hai buổi/ngày nhưng phải sắp xếp để hoàn thành chương trình trước ngày 26/6. Những trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất tổ chức học buổi sáng, hoàn thành chương trình trước ngày 10/7. Các trường điều chỉnh lịch sinh hoạt hợp lý theo thời tiết, không tổ chức các hoạt động ngoài trời, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong điều kiện thời tiết nắng nóng để đảm bảo sức khỏe học sinh (HS).

Ngoài thay đổi lịch đón HS, một số trường còn điều chỉnh lịch học. Trong đó, nhiều trường đã chủ động rút từ 5 tiết xuống còn 4 tiết/buổi để tránh khung giờ nắng nóng khi HS ra về. Môn thể dục tránh bố trí vào những khoảng thời gian nền nhiệt cao trong ngày. Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên (H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), cho biết: “Trường đã gắn thêm hệ thống quạt để đảm bảo gió phủ hết các góc trong lớp, lắp hệ thống rèm chống nóng tất cả các cửa lớp học. Thời gian học cũng được điều chỉnh sớm hơn, 15 phút sinh hoạt đầu giờ cũng lược bỏ”.

Là một trường ở miền Tây Nghệ An, thầy Nguyễn Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Quang (H.Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), cho hay, HS ở đây ít được phụ huynh đưa đón dù nhà xa nên các giáo viên đã sắp xếp cho những HS có xe đạp điện chở những HS không có xe. HS cũng được căn dặn luôn mang theo nước để uống trên đường đi.

Thầy cô trích tiền lương nấu ăn cho học sinh ở xa

Bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng khoa Khám đa khoa - Cấp cứu Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, khuyến cáo: thời tiết nắng nóng như những ngày qua rất nguy hiểm, kết hợp với việc thay đổi các thói quen sinh hoạt khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh liên quan. Tuyệt đối không được chủ quan đối với các biện pháp chăm sóc, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, trong đó, bảo đảm lượng nước uống đầy đủ mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng phù hợp, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên thay đổi môi trường sinh hoạt đột ngột vì có thể khiến trẻ bị sốc nhiệt.

Nội dung tiếp theo

Ở các xã miền núi của tỉnh Quảng Bình, các trường học phải che thêm rèm, lắp thêm quạt và cung cấp đủ nước uống cho HS. Thầy Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ÐT H.Tuyên Hóa, cho biết, phòng chỉ đạo các trường lùi thời gian học buổi chiều vào lúc 14g45 và kết thúc sau 17g hằng ngày để HS tránh được nắng nóng cao điểm. Sở GD-ÐT tỉnh cho biết, từ ngày 10/6, HS tiểu học nghỉ học buổi chiều đối với các trường không đủ điều hòa. Các trường THCS và THPT chỉ tổ chức học buổi chiều cho HS lớp Chín ôn thi tuyển sinh vào lớp Mười và các HS lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT. Các khối lớp còn lại không tổ chức học buổi chiều. 

Trong lúc đó, tại một số điểm trường bán trú vùng xa của huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, HS được các cô giáo ở những điểm trường lẻ sắp xếp nấu ăn tại trường để tránh nắng.  

Tại tỉnh Quảng Ngãi, một số trường có tổ chức bán trú cho trẻ ăn trưa và giải lao trong phòng trước khi ngủ trưa, thay vì cho các cháu thoải mái vui chơi ngoài sân như trước đây. Một số trường giảm số buổi học/tuần. Tại Trường tiểu học Sơn Thượng 1 (H.Sơn Hà), các thầy cô đã trích tiền lương để nấu ăn cho những HS ở xa. Cô Đinh Thị Bích Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: do thời tiết nắng nóng nên trường vận động phụ huynh cho HS ở lại trường buổi trưa. Đến nay, toàn trường có gần 100 HS được hỗ trợ bữa ăn trưa. Đối với điểm trường chính, HS được hỗ trợ từ 1-2 bữa ăn trưa/tuần. Riêng các điểm lẻ, 100% HS ở lại trường cả tuần. “Việc HS ở lại trường vừa đảm bảo sức khỏe vừa giúp đảm bảo sĩ số để nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Nhàn cho hay. 

Chuẩn bị ứng phó nếu học sinh bị sốc nhiệt

Xác định việc HS học trong các tháng 5-7 sẽ rất nóng, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các trường tăng cường thêm quạt, hạn chế cho HS vận động ngoài trời, bảo đảm an toàn cháy nổ cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trường học. Ghi nhận tại Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Cẩm Lệ), mỗi phòng học đều được tăng cường hai quạt treo tường, quạt phun sương. 

“Để chống sốc nhiệt, đối với các tiết thể dục vào tiết cuối buổi sáng, tiết đầu buổi chiều, trường cho HS học ở khu vực có bóng mát và chỉ học các bài nhẹ nhàng”, thầy Nguyễn Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.Hải Châu), cho hay. Trường tiểu học Điện Biên Phủ (Q.Thanh Khê) cũng nhắc nhở HS hạn chế chạy nhảy vào giờ ra chơi. Bên cạnh đó, phòng y tế của trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xử lý trường hợp HS chảy máu cam, ngất xỉu do thời tiết quá khắc nghiệt. 

 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI