Đi hay ở khi con riêng của chồng bị trầm cảm?

02/01/2025 - 08:36

PNO - Nếu chị cảm thấy không đủ sức, không đủ tình, không đủ bao dung và muốn dừng lại thì có lẽ chẳng ai nỡ trách móc chị.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi và anh ấy kết hôn khi tuổi đã về chiều. Anh có một con trai riêng đã đi làm và có nhà, sống riêng. Tôi cũng có con gái lớn. cháu lập gia đình và cuộc sống tạm ổn.

Bạn bè hai bên đều nói rằng về sống với nhau ở tuổi này là sướng nhất bởi vợ chồng đều có kinh tế ổn định, con cái đã trưởng thành, không còn gì vướng bận và có thời gian chăm sóc, đi du lịch, nghỉ ngơi cùng nhau như vợ chồng son.

Thời gian đầu chung sống của chúng tôi là như thế nhưng mọi việc chỉ êm đẹp được khoảng 3 năm, trước dịch COVID-19.

Sau dịch, con trai anh mất việc. Từ đó đến nay, cháu bị sa sút tinh thần, trầm cảm và có tư tưởng buông bỏ cuộc sống. Anh vô cùng lo lắng vì vợ đã đi nước ngoài, lập gia đình, con cái chưa đủ lớn để bỏ tất cả về giúp con trai ở Việt Nam.

Cuộc sống vui vẻ của chúng tôi bị cắt ngang một cách đột ngột không chỉ về tinh thần mà cả vật chất vì bây giờ chồng tôi phài gánh phần chăm sóc ăn uống chữa bệnh cho con. Anh phải đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý, dành thời gian ở bên con nhiều hơn, không dám rời con ra chút nào. Đến tối, thỉnh thoảng anh mới chạy về nhưng nằm ngủ mà cũng thấp thỏm, lo sợ con làm điều dại dột.

Nửa năm nay, tôi như người đứng giữa ngã ba đường, không biết nên tiếp tục chung sống với anh hay chia tay. Cuộc sống lúc này không còn vui vẻ vì anh quá lo lắng cho con, luôn căng thẳng và mệt mỏi.

Tôi không giúp được gì cho chồng trong việc chăm lo con anh, mà rồi cuộc sống của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều, căng thẳng và mệt mỏi theo. Nhưng, chia tay với anh thì tôi tiếc bởi anh rất hiền, luôn lo lắng, quan tâm chăm chút cho tôi.

Tính chuyện chia tay lúc này, tôi cảm thấy tội anh nhưng nếu tiếp tục thì tôi thấy tội chính mình - có chồng cũng như không. Chữa bệnh trầm cảm cần nhiều thời gian và công sức. Anh đâu còn thời gian cho tôi, mà tôi kết hôn lần nữa không phải để nhận thêm nỗi lo. Dù biết suy nghĩ của mình là ích kỷ nhưng tôi không thể cố gắng.

Tôi nên làm thế nào, thưa chị Hạnh Dung?

Thanh Mai (Đồng Nai)

Chị Thanh Mai thân mến,

Bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng vậy, dù với người trẻ hay người già, với người lần đầu kết hôn hay lần thứ hai..., khi bắt đầu cuộc sống chung, ai cũng hy vọng nó sẽ luôn hạnh phúc, nhẹ nhàng và tràn đầy niềm vui. Trong những lúc tâm trạng tràn đầy hạnh phúc, hân hoan và hy vọng đó, ít người cảm nhận được rằng thật ra hôn nhân không bao giờ chỉ toàn màu hồng.

Vì thế mới có lời cam kết hôn nhân rất trang trọng mà có lẽ chính chị cũng biết, rằng người ta sẽ yêu thương nhau ngay cả khi khỏe mạnh cũng như khi đau yếu, khi thịnh vượng cũng như khi gian nan...

Hạnh phúc hôn nhân không phải là một cuộc vui theo kiểu "Khi vui thì vỗ tay vào..." mà là sự chia sẻ những khó khăn, gian nan, mệt mỏi cùng nhau. Trải qua những thăng trầm khó nhọc vun đắp đó, hạnh phúc mới thực sự đáng giá.

Có lẽ chính vì những điều như thế mà người ta mới đặt ra từng nấc gọi tên của những năm tháng hôn nhân là đám cưới gỗ, sắt, pha lê, bạc, vàng... cho tới kim cương là sự đánh giá cao nhất, quý nhất vì đi qua 60 năm cùng nhau thì không thể đếm hết những thăng trầm, vất vả...

Hạnh Dung không biết rằng anh chị đã đến với nhau được bao nhiêu năm nhưng có lẽ dù là bao nhiêu và "chất liệu" thế nào cũng đã là những gắn bó, yêu thương vừa đủ với mong muốn của chị.

Giờ đây, anh gặp khó khăn, nếu chị cảm thấy những gắn bó yêu thương ấy không chỉ "vừa đủ" để vui mà còn "vừa đủ" để sát cánh cùng anh, chia sẻ, nâng đỡ, động viên anh thì chắc chắn anh chị sẽ còn nhiều cơ hội để có những ngày kỷ niệm đám cưới với những giá trị cao hơn, quý hơn.

Còn nếu chị cảm thấy không đủ sức, không đủ tình, không đủ bao dung và muốn dừng lại thì có lẽ cũng chẳng ai nỡ trách móc chị. Khi sự kết nối, vun đắp mới chỉ dừng ở mức giá trị đó, làm sao có thể đòi hỏi ở chị sự cố gắng mà chị không thể. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc và bình an cho bản thân. Chỉ cần đừng làm cho người khác bị tổn thương bởi bất kỳ lời trách móc, đổ lỗi, lên án nào mà thôi.

Không phải chỉ có kết nối và duy trì kết nối mới là đẹp đẽ. Một cuộc rời đi, nếu trung thực, thẳng thắn, rõ ràng cũng vẫn có thể là một kết thúc ổn thỏa.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI