Đi đứng ngay ngắn thì sợ gì phạt nặng

15/01/2025 - 17:39

PNO - Không phải tự nhiên mà Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản… có trật tự giao thông tốt. Họ từng trải qua thời kỳ lộn xộn như chúng ta hiện nay và họ cũng phải dùng luật pháp mạnh tay chấn chỉnh.

Vừa qua, em tôi bị cảnh sát giao thông tạm giữ xe vì có nồng độ cồn vượt ngưỡng, cộng thêm các lỗi như xe chưa sang tên, không có bảo hiểm, không có bằng lái xe.

Đáng trách, chuyện này đã kéo dài thời gian qua mà em chưa bị cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý. Gia đình cũng đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng em cho rằng "xe bèo" cảnh sát sẽ không chú ý.

Một đứa cháu khác của tôi lâu nay vẫn đi xe máy từ nhà đến cơ quan, vừa qua bổng nhiên chuyển sang đi xe buýt kết hợp với Metro. Hỏi cháu có tiện lợi không? Cháu nói tiện nhưng tốn thời gian hơn, nhưng sợ cảnh sát giao thông thổi nên không dám chạy xe ra đường. Tôi hỏi có vấn đề gì mà sợ? Cháu nói: "Con thấy không tự tin vào thói quen chạy xe của mình, nên nghĩ sẽ dễ bị phạt theo quy định mới".

Nhiều người đi xe gắn máy leo lên lề khi giao thông ùn tắc. Ảnh: HOÀNG HÙNG - SGGP
Hình ảnh người tham gia giao thông trước khi Nghị định 168 ban hành. Ảnh: HOÀNG HÙNG - SGGP

Hình ảnh người tham gia giao thông sau khi Nghị định 168 ban hành
Hình ảnh người tham gia giao thông sau khi Nghị định 168 ban hành. Ảnh: Anh Ngọc

Từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP ban hành với mức phạt rất nặng khiến tôi cũng phải nhìn lại thói quen chạy xe của mình. Tôi hay rẽ trái ở ngã ba có bảng cấm rẽ trái chỉ vì muốn né đèn đỏ ở ngã tư phía trước, và đặc biệt thấy người ta rẽ được chắc mình cũng rẽ được. Tôi cũng hay theo đuôi những người khác rẽ phải ở những ngã tư khi đèn đỏ, và bám theo xe trước khi có đèn vàng. Bây giờ thì tôi không còn dám duy trì những thói quen đó.

Tại điểm giao giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng (quận 3) luôn đông nghẹt xe cộ vào đầu tuần. Nhiều người thường chọn cách luồn lách vào làn ô tô, bấm kèn inh ỏi để được nhường đường. Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay hầu như không còn. Nhiều xe máy đi đúng làn, chờ đợi tín hiệu đèn giao thông theo quy định.

Rõ ràng, những ngày qua, tình hình giao thông nhiều nơi đã chuyển biến tích cực. Nhiều người bắt đầu điều chỉnh hành vi, thói quen. Thậm chí khi xảy ra kẹt xe thì cũng không còn tình trạng xe vượt đèn đỏ, leo vỉa hè như trước. Có người cho hay đã từ bỏ thói quen đi ngược chiều khoảng 50m để rẽ vào một cung đường gần cơ quan. Hoặc có người chú ý quan sát kỹ đồng hồ đếm vận tốc trước khi di chuyển, đảm bảo đi đúng tốc độ cho phép. Thậm chí, có người nhận thấy việc di chuyển nay có thể mất nhiều thời gian hơn nên tranh thủ đi làm sớm, tránh việc phải lạng lách, leo lề như trước.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 168 quá hà khắc nhưng nếu nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì tại sao phải lo sự hà khắc đó? Nghị định 168 bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc thiết lập lại văn hóa giao thông. Sẽ cần thêm thời gian để người dân thích nghi với nề nếp mới, nhưng hiệu quả mà Nghị định 168 mang lại trong thời gian ngắn vừa qua là rất to lớn.

Thực ra, ngoài các nội dung mới cần đủ thời gian để thay đổi (quy định ở khoản 2, Điều 53), thì các nội dung vi phạm còn lại trong Nghị định 168 không mới. Vấn đề là người tham gia giao thông có quan tâm đầy đủ để nghiêm túc thi hành hay không. Đến nay, khi ai cũng thấy rõ quy định không phải "trên giấy" nữa và lực lượng chức năng đang "làm thật" thì mới thay đổi thái độ.

Tước đây, khi Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn ban hành nhiều người cũng nêu ý kiến mức phạt quá cao, phạt thì chỉ có bỏ xe. Nhưng chỉ đến khi Chính phủ kiên quyết xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thì thói quen lái xe sau khi ăn nhậu mới thay đổi triệt để và nay gần như đã trở thành cái "nếp" cho người tham gia giao thông.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện "Gương mẫu tôn trọng luật lệ" của Bác Hồ. Trong một lần xe Bác di chuyển đến ngã tư, gặp đèn đỏ, đồng chí cảnh vệ có ý định yêu cầu bật đèn xanh cho xe đi qua. Hiểu được ý định này, Bác lập tức ngăn lại, cho rằng phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác ưu tiên cho mình.

Câu chuyện vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Mỗi người nghiêm túc tôn trọng luật giao thông thì đường sá sẽ trật tự hơn, những cái chết đau lòng do tai nạn giao thông sẽ không còn xảy ra, xã hội sẽ văn minh hơn. Ngay lúc này mỗi người lớn chúng ta đều gương mẫu chấp hành luật giao thông thì trong tương lai Việt Nam sẽ là 1 xã hội văn minh khi tham gia giao thông trên đường, Nghị định 168 cũng chỉ còn tồn tại "trên giấy".

Nguyễn Huỳnh Đạt - Trung Sơn

 
TIN MỚI