PNO - Việc phải trình bản gốc đăng ký thành lập, đăng ký kinh doanh kể cả trong những chuyến lưu diễn xa gây phiền hà cho nghệ sĩ biểu diễn.
edf40wrjww2tblPage:Content
Quản lý văn hóa không nên dồn cái khó cho nghệ sĩ biểu diễn, đơn vị tổ chức biểu diễn. Trong ảnh: Mỹ Linh trong live show của cô cùng khách mời Tuấn Ngọc - Ảnh: Mỹ Thanh
Giám đốc Công ty biểu diễn Đông Đô, bà Hoài Oanh cảm thấy run run khi trao “bản mệnh” của mình cho người khác. Theo đó, bà sẽ phải giao cho đồng nghiệp bản gốc đăng ký kinh doanh của mình để đối chiếu tại điểm đến của chương trình. Theo Thông tư 03/2013/TT-Bộ VH-TT-DL, các nhà hát, đơn vị tổ chức biểu diễn khi đi các tỉnh phải mang bản gốc quyết định thành lập, đăng ký kinh doanh để đối chiếu. “Lại một sơ hở của Thông tư 03. Đỡ được không các cán bộ tổ chức biểu diễn ơi. Cuộc sống của cả cơ quan nằm trong tay các bạn. Mang đi 64 tỉnh thành giữ gìn cẩn thận nhé", bà Oanh trao lời trên trang cá nhân.
Cụ thể, điều 2 của thông tư này yêu cầu phía tổ chức biểu diễn phải “gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện một bộ hồ sơ thông báo đến Sở VH-TT-DL nơi tổ chức. Trong hồ sơ phải có bản sao có chứng thực giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Hồ sơ cũng phải có bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Đặc biệt, những bản sao có chứng thực này đều phải kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Thủ tục làm bản sao hiện khá đơn giản, có thể được thực hiện ở phường. Tuy nhiên, việc mang bản gốc đăng ký thành lập hoặc đăng ký kinh doanh lại gây phiền nhiễu. Đầu tiên, việc mang đi mang lại một giấy tờ quan trọng như vậy đi nhiều nơi, đi thường xuyên rất dễ gây thất lạc. Trong khi đó, bản thân các bản sao cũng có giá trị pháp lý thì vô tác dụng. Thêm vào đó, một đơn vị biểu diễn hoàn toàn có thể nhận được hai đề nghị biểu diễn tại hai địa phương khác nhau vào cùng một thời điểm. Khi đó, cho dù năng lực tổ chức có thừa, họ cũng không thể biểu diễn được, do không thể có tới 2 bản gốc đăng ký kinh doanh hay đăng ký thành lập như trên.
Với trường hợp của Công ty Đông Đô, việc soát hồ sơ “tăm tắp” theo luật đến mức, khi công ty đã trình bản sao y bản chính đăng ký kinh doanh cũng không được chấp nhận. “Không chấp nhận sao y bản chính. Mang bản gốc giấy phép cùng sao y đăng ký kinh doanh cũng không nhận hồ sơ”, bà Oanh cho biết. Về điều này, ông Linh, cán bộ phòng một cửa của Sở VH-TT-DL Nghệ An, cho biết ông chỉ nhận hồ sơ theo đúng luật. Sau đó, hồ sơ sẽ được chuyển cho phòng chuyên môn, tại đó nó sẽ được xử lý. Theo đúng nhiệm vụ, ông phải nhận hồ sơ với đầy đủ giấy tờ luật quy định.
“Việc siết như thế vẫn đúng luật. Nhưng nếu nhà hát có mấy đoàn đi cùng lúc cũng rất dở. Cái lý của quy định là quản lý sợ đội mác đi diễn. Thỉnh thoảng lại có tình trạng treo đầu dê bán thịt chó linh tinh beng cả”, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nói.
Luật bất cập, doanh nghiệp khổ, dân thiệt
NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết đơn vị của ông cũng đi phục vụ người dân ở nhiều lúc nhiều nơi. Khi đó đoàn vẫn mang bản sao quyết định thành lập đi. Liên đoàn cũng không bị hỏi về bản gốc bao giờ. “Công ty thành lập để tổ chức biểu diễn thì phải hỏi, chứ còn đơn vị sự nghiệp của nhà nước mà hỏi không có lý lắm. Nhưng nếu thế (vẫn đòi xuất trình bản gốc - NV) thì làm khó doanh nghiệp tổ chức biểu diễn”, ông Hợp nói.
Cũng theo ông Hợp, để tránh giả mạo thì việc hậu kiểm phải được tổ chức chặt chẽ hơn chứ không phải chuyện siết giấy tờ như thế này. Bởi có nhiều địa phương vẫn dễ dãi, muốn diễn gì thì diễn. Chất lượng là vậy. Còn số lượng, nếu thủ tục gây khó các đơn vị tổ chức biểu diễn, thì trong điều kiện kinh tế khó khăn này ai còn muốn tổ chức biểu diễn nữa. “Thiệt hại cuối cùng vẫn thuộc về người dân”, ông Hợp nói.
Theo ông Trương Nhuận, từ góc độ pháp luật, quy định bắt trình bản gốc đăng ký kinh doanh hoàn toàn không có lý. Bởi pháp luật về biểu diễn cần tạo hành lang để nghệ thuật biểu diễn phát triển, trong đó có cả về số lượng nếu đã bảo đảm chất lượng. Chưa kể, với các chuỗi hoạt động văn hóa lớn, việc một đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức có đồng thời hai chương trình cùng ngày ở hai nơi khác nhau hoàn toàn có thể xảy ra. Quy định cứng nhắc về bản gốc như trên đã hạn chế số buổi diễn của các đơn vị nghệ thuật, bất chấp khả năng của họ.
“Bắt doanh nghiệp tổ chức biểu diễn xách kè kè bản gốc đăng ký kinh doanh đi mọi tỉnh là vô lý. Hai chỗ biểu diễn cùng ngày thì sẽ không thể có 2 bản gốc để đi hai nơi được. Điều này quá bất cập. Nó thắt chặt nhưng lại gây cản trở. Phải bỏ quy định trình bản sao có chứng thực phải đi theo bản chính đi. Nếu có vấn đề gì với chương trình, người sao phải chịu, bản thân hậu kiểm văn hóa cũng phải chịu. Không thể trút gánh nặng quản lý lên vai nghệ sĩ được”, TS Nguyễn Minh Hằng, Khoa Luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội nói.