Đã từng đến Vân Nam, Trung Quốc rất nhiều lần nhưng Đại Lý chưa bao giờ có mặt trong những điểm đến mơ ước của tôi cho đến ngày tôi mê mẩn với bộ phim dài 40 tập do Lý Hiện và Lưu Diệc Phi thủ vai.
Không chỉ khiến người xem xúc động bởi tình cảm gia đình, bạn bè, Đi đến nơi có gió còn khắc họa cả một “chốn thần tiên” bình yên, lãng mạn, làm nền một chuyện tình đẹp mà bao người thổn thức. Tôi cũng không ngoại lệ, cũng mê đắm tinh thần lập nghiệp của Tạ Chi Dao (nhân vật do Lý Hiện thủ vai), sự dũng cảm quyết tâm bỏ phố về làng để chữa lành vết thương lòng của Hứa Hồng Đậu (nhân vật do Lưu Diệc Phi thủ vai) và cả những khung cảnh làng quê quá đỗi yên bình xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Vì thế, tôi đã đưa cả gia đình tới vùng Vân Nam xinh đẹp, ghé thăm Đại Lý ngàn năm tuổi, sống cùng từng thước phim thật đẹp.
Cổ trấn Đại Lý
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Đại Lý được mệnh danh là “thành phố ngàn năm tuổi”, phong cảnh hữu tình, sở hữu nhiều công trình lịch sử. Trước đây, thành Đại Lý vốn là vương quốc của người Bạch, có vị trí vô cùng đắc địa, lưng tựa núi Thương Sơn, mặt hướng ra hồ Nhĩ Hải, kề bên là công trình kiến trúc Phật giáo Tam tháp Đại Lý. Vương triều này ra đời và tồn tại từ năm 937 cho đến khoảng năm 1253. Ngày nay, Đại Lý đã thành thủ phủ châu tự trị của dân tộc Bạch.
Do chính phủ không cấp phép xây dựng cho các công trình hiện đại, nhà cao tầng trong khu thành, Đại Lý vẫn giữ được chất cổ kính, mang đậm nét truyền thống với khung cảnh đường phố yên bình, các ngôi nhà cổ nằm xen lẫn những ngôi chùa, cung điện nhuốm màu thời gian.
Chúng tôi rất thích thú với cách bài trí đan xen hiện đại lẫn cổ điển, cách người dân nơi đây buôn bán tấp nập nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống độc đáo.
Những dãy phố dài đông đúc người qua lại níu chân du khách với vô vàn món ăn hấp dẫn đậm chất Trung Hoa: đậu hũ thúi, xiên thịt nướng, kem ống tre… Hòa trong tiếng nhạc của dân tộc Bạch và những ca khúc cổ phong mới nổi, mỗi nhịp bước ở thành cổ như đưa tôi “xuyên không” về lại Đại Lý của ngàn năm trước.
Ấp Phượng Dương
|
Non nước Vân Nam |
Ai từng mê đắm chuyện tình của Hứa Hồng Đậu và Tạ Chi Dao có lẽ sẽ hiểu tâm trạng phấn khích của tôi lúc được đặt chân đến một trong những bối cảnh quay nổi bật: ấp Phượng Dương.
Tiểu viện Hữu Phong được đoàn phim tạo nên nằm ở ấp Phượng Dương. Đó chính là nơi sau khi trốn chạy khỏi thế giới ồn ã, Hứa Hồng Đậu đã ở, gặp được định mệnh của đời mình và thấu hiểu hơn về nhân sinh.
Cũng như tôi, đa phần những cô gái nhiều mộng mơ cũng đứng lặng trước bối cảnh này, phấn khích nắm tay nhau, lẩm nhẩm hát theo giai điệu bản nhạc phim, mường tượng lại những thước phim lãng mạn của 2 nhân vật chính.
Trên những con đường cổ kính lát gạch, chúng tôi vừa ngắm cảnh vừa “ôn” lại chuyện tình ấy: Hứa Hồng Đậu đã bước qua chốn này, A Dao đã hôn người yêu ở cái cửa sổ kia, họ cùng uống trà ở đây, họ nắm tay nhau ngọt ngào ở góc đó...
Phải nói bộ phim trên đã thành công trong việc “chữa lành” và quảng bá du lịch. Nhờ sự nổi tiếng của bộ phim, các địa điểm quay phim chính ở thành phố Đại Lý, đường Thái Hòa, thôn Lưu Quan Hán, ấp Phượng Dương... ngày càng thu hút du khách. Từ 50-100 lượt khách/ngày, giờ đây, ấp Phượng Dương đón tới gần 3.000 lượt khách mỗi ngày. Không chỉ chúng tôi, rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc từ những tỉnh, thành xa xôi khác cũng đều háo hức đặt chân tới chốn này, kiên nhẫn đứng chờ rất lâu ở từng bối cảnh phim.
Hồ Nhĩ Hải
Tiếp đến, chúng tôi ghé thăm hồ Nhĩ Hải - hồ lớn thứ hai trên cao nguyên của Trung Quốc. Hồ Nhĩ Hải nằm ở độ cao 1.972m, dài 40km, diện tích khoảng 250km².
Với chúng tôi, đây không đơn thuần là một hồ nước lớn và đẹp mà còn là nơi diễn ra màn tỏ tình “trong mơ” mà nam chính dành cho nữ chính. Trước khi tiễn Hồng Đậu về lại thành phố, bên mặt hồ lộng gió, Chi Dao đã thổ lộ: “Tôi muốn tặng em một đoạn hồi ức. Ở bên bờ biển, một nơi có gió thổi qua, dưới sự chứng kiến của ráng chiều và hoàng hôn, có một người thật lòng thích em”.
Có lẽ mỗi chúng ta đều ao ước có một tình yêu đẹp trong đời. Tìm được đúng người thương mình, vào đúng thời điểm mình cần nhất, vì nhau mà nỗ lực, trưởng thành, bước qua mọi khó khăn để thưởng thức hương vị của sự ngọt ngào… là một “giấc mộng thanh xuân” đẹp đẽ sẽ theo ta trọn cuộc đời này.
Chúng tôi dạo bước quanh hồ, người đi bộ, người đi xe đạp... thưởng thức cảnh sắc bình yên nước xanh, trời trong, gió mát.
Những người chưa từng xem bộ phim trên, như ông ngoại và cha mẹ tôi, lại có một niềm yêu thích rất khác đối với hồ Nhĩ Hải: thưởng thức 1 phần câu thành ngữ nổi tiếng “phong hoa tuyết nguyệt” vốn chỉ 4 cảnh đẹp ở Đại Lý, Vân Nam mà hồ Nhĩ Hải chính là một trong bộ tứ tuyệt phẩm đó.
Sau khi bộ phim phát sóng và trở nên nổi tiếng, Đại Lý có nhiều cách để làm hài lòng khách du lịch muôn phương. Những người lớn tuổi sẽ được mời chụp ảnh cùng xe jeep hoặc chụp cùng chim bồ câu và cho chúng ăn. Cảnh đàn chim tung cánh bay lên bầu trời, một bên là núi non hùng vĩ, một bên là mặt hồ tĩnh lặng mênh mông đẹp đến nao lòng.
Mảnh đất của trà và hoa
|
Tác giả chụp ảnh lưu niệm tại cổ trấn |
Thật thiếu sót nếu ghé Đại Lý mà chưa thưởng thức trà Phổ Nhĩ và bánh hoa hồng.
Cũng xuất phát từ những phân cảnh bình dị mà không kém sự tinh tế của Đi đến nơi có gió, dân mạng Trung Quốc đã tạo ra trào lưu “theo Hứa Hồng Đậu ăn bánh hoa Đại Lý”. Chiếc bánh đơn giản và đặc trưng của địa phương được bày bán trên nhiều con phố sầm uất. Hương thơm ngọt nhẹ của cánh hoa hồng tươi quyện với mùi bột mì khiến nhiều du khách phải dừng bước.
Chúng tôi ghé thăm một trấn cổ khác ở Đại Lý, được tận mắt chứng kiến cách người ta kỳ công làm một chiếc bánh hoa hồng. Bánh hoa hồng Vân Nam được làm từ những cánh hoa hồng tươi uống sương mai giàu dưỡng chất. Vỏ bánh mềm, mỏng, xốp khiến nhân là cánh hoa hồng sên với đường dần dần hiện ra, vị hoa hồng thật thơm vẫn đọng lại nơi đầu lưỡi sau khi ăn.
Trong phim, có một phân cảnh làm bánh hoa hồng được nhân vật thím A Quế dạy lại cho nữ chính với công thức rất chi tiết. Dẫu chẳng thể tự làm một chiếc bánh cầu kỳ đến vậy nhưng khi đến Đại Lý, được cầm trên tay chiếc bánh đặc sản của vùng đất này, cảm giác thật thú vị.
Tôi sẽ nhớ mãi khoảnh khắc cả gia đình cùng ngồi nhàn tản trong một quán trà nhỏ, nâng ly trà Phổ Nhĩ nức tiếng trong vùng, thưởng thức cùng chiếc bánh hoa hồng mới ra lò còn nóng hổi. Đời người đi qua rất nhiều khổ đau, gian khó và giờ phút này, được đi đến nơi có gió để sống chậm lại, chợt cảm thấy cuộc sống đẹp đẽ vô cùng.
(*): Tên một bộ phim truyền hình nhiều tập của Trung Quốc
Nguyễn Thùy Trang