Đi để cứu cảm xúc

10/05/2021 - 06:04

PNO - Như vậy, phải nói lời cảm ơn những cuộc ra đi, vì đã giúp hôn nhân tươi mới, sống lại. Cuộc ra đi nào cũng có lý do của nó…

Nghe tin vợ chồng Lan Anh và Tín dọn về sống ở Cầu Đất (Lâm Đồng), ai cũng ngạc nhiên. Hỏi thì Lan Anh nửa đùa nửa thật bảo: “Đi để cứu vãn cảm xúc”. 

Đi, cũng có năm bảy đường…

Lan Anh đang là trưởng phòng PR của một công ty sách. Cô làm việc không giờ giấc, không biết đâu là ranh giới của công việc và chuyện nhà. Cô ít khi có mặt đúng giờ cơm, luôn phải đau đầu sắp xếp thời gian đón con. Cô là hình ảnh chung của hầu hết các bà mẹ vừa dạy con, chăm con, vừa phải lo kinh tế ở các thành phố lớn.

Tín, chồng cô, cũng bận. Anh mải theo những dự án xây dựng của mình. Vợ chồng tối về tới nhà đều thấm mệt, chỉ trao đổi vài ba câu, thông báo vắn tắt những gì liên quan đến con. Thế là xong cuộc nói chuyện của hai con người từng yêu nhau đến… lên bờ xuống ruộng.

Lan Anh kể, hôm cô tiếp khách ngà ngà say, về nhà, cô thấy chồng loay hoay mở cửa mà đứng không vững, Tín cũng say. Anh quay sang vẫy tay “chào vợ”… Lan Anh tự nhiên bật khóc ngon lành.

Cô nhớ vợ chồng từng có biết bao dự định, từng hào hứng thế nào khi vạch ra những ngày mai. Giờ đây, chưa ai phản bội ai, chưa ai có suy nghĩ tìm cho mình niềm vui mới. Nhưng họ đang sống như một cỗ máy biết đi. Sáng dậy đi ra khỏi nhà và tối đi về nhà, cần gì thì gửi tin nhắn.

Lan Anh bận quá, có khi chỉ bấm nút ghi âm lời nhắn và gửi cho chồng để nhắc chuyện gì. Lâu rồi họ không có thời gian ngồi riêng nói chuyện vu vơ. Ở chung một nhà, nhưng có khi cả hai đều lo bấm điện thoại, lướt đọc tin tức, khi người này nói gì người kia cũng không nghe. 

“Làm gì đây?”, Lan Anh và Tín tự hỏi. May là Lan Anh có cách. Họ vay mượn thêm một ít tiền vì muốn giữ căn nhà ở Sài Gòn, họ đưa nhau về vùng hoang vu ở Lâm Đồng để sống.

Dựng cái vườn nhỏ, vài phòng homestay, họ về rừng sống thử trước đã. Sống để còn “đụng chạm nhau” mà tìm lại cảm giác sống. Gác lại mọi quay cuồng phố thị.

Thi thoảng chúng ta vẫn nghe những cuộc bỏ phố về rừng, người trong cuộc chia sẻ họ đi để cho mình cảm giác được sống đúng nghĩa.

Như trường hợp vợ chồng Thùy Anh (hiện ở một vùng núi thuộc Đơn Dương, Lâm Đồng). Đang là nhân viên tín dụng của một ngân hàng giống như chồng cô, nhưng tự nhiên cả hai thấy chán nhau, chán những cũ mèm cả trong công việc lẫn ở nhà, họ rủ nhau về quê làm vườn. 

Cuộc đời nông dân đã cứu hôn nhân của họ bàn thua trông thấy. Nhịp điệu sống lặp lại mỗi ngày đến mệt mỏi được thay bằng sự háo hức mỗi sáng khi thức dậy.

Nhìn trang cá nhân của Thùy Anh bây giờ, bạn bè sẽ thấy cô yêu đời ra sao. Cây cà ra trái cũng đủ vui. Bí trổ nụ cũng đủ vui. “Tóc em mượt hơn trước, da dẻ căng hơn bóng hơn…”, Thùy Anh khoe. Vợ chồng cô đều nói không mưu cầu điều gì quá vĩ đại, chỉ mong an vui và hôn nhân được tưới tắm trong những cảm xúc tích cực. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đi, cũng chính là để trở về

Nhiều người nói hôn nhân cũng giống như sức khỏe. Nếu có bệnh nan y, nhưng được phát hiện sớm, điều trị sớm và đúng cách, sẽ có hy vọng cứu vãn. Lắng nghe, rà soát, đoán bệnh… trong hôn nhân, nghe buồn cười, nhưng chính là những kỹ năng thiết yếu chúng ta cần trang bị, để vững vàng cho một đời sống dài thăm thẳm.

Khi hôn nhân trục trặc, nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly thân. Đây cũng được xem là một cuộc ra đi để có cơ hội nhìn lại. Đồng nghiệp xì xầm khi nghe tin Bích dọn nhà đi “bụi”, để lại hai đứa con nhỏ cho chồng. Bích đi thuê một phòng trọ nhỏ để sống.

Bạn bè ngạc nhiên vì vợ chồng Bích có vẻ êm ấm thế kia, bình thường đến thế kia, sao có thể rạn nứt. Bích chỉ đùa: “Mình đi để làm mới thôi…”. Nhưng cái công cuộc làm mới này quan trọng làm sao! Bước ra ngoài để xem thử:

Nếu không ở chung nhà, mình sẽ thế nào; nếu không có mình, con cái ra sao. Không ăn chung mâm, ngủ chung giường, vợ chồng có còn tiếc nhớ phút quyến luyến nhau không?

Và bước ra để cân đo đong đếm lòng mình. Đi ra khỏi nhà, theo Bích “còn có đường để trở về”, chứ luẩn quẩn hoài trong không gian ngột ngạt cũ, đôi khi chẳng biết đường nào mà về. 

Cũng đang yên đang lành với chức danh trưởng phòng kỹ thuật của một công ty cơ khí, con đang học lớp Bốn, vợ là giảng viên một trường trung cấp, với mọi người thì Trung quá ổn. Nhưng đùng cái Trung nghỉ việc vào Sài Gòn, để vợ con ở nhà. 

Trung viết trên trang cá nhân: “Phải cho mình một cái gì đó để vui mà tiếp tục sống, chứ qua lại thế này mỗi ngày, đời mòn mất”.

Trung nói với vợ, anh phải đi thôi, mọi câu trả lời nằm ở phía trước. Gia đình trách móc Trung vô trách nhiệm với vợ con.

Vợ Trung không nói gì, cô để chồng làm theo ý anh, bởi chỉ Trung biết anh cần gì. Có thể với người này, lương đủ sống, nhà cửa và công việc ổn định là đủ.

Bản thân Trung cũng không mưu cầu gì quá xa vời, nhưng anh sợ cảnh mỗi ngày trở về, thấy vợ đứng trong gian bếp chật chội, nói tới nói lui những câu chuyện cũ mèm. Anh mệt cái cảnh đêm nào cũng phải vật lộn chữ nghĩa dạy con. Mệt khi cuộc sống lặp đi lặp lại như một cái khuôn định sẵn mỗi ngày.

Anh từng nghĩ đến cái chết vì bế tắc, chản nản. Thôi thì anh chọn cách đi đâu cỡ một tháng rồi tính tiếp. Ai nghĩ gì mặc kệ người ta. Mình vì mình và vì chính cuộc hôn nhân của mình đã.

Thế đó, thi thoảng chúng ta hoang mang không biết đi lối nào cho đúng, thấy đời vợ chồng chán ngán đến đỉnh điểm.

Có người chấp nhận và chịu đựng, có người chọn cách rời đi. Vợ chồng con cái cùng đi để làm mới cảm xúc, hoặc chỉ một người rời đi với ý nghĩ sẽ tìm đường để trở về. Cũng có đôi khi, đi chỉ để là bước ra xa những điều cũ kỹ, nhàm chán.

Như vậy, phải nói lời cảm ơn những cuộc ra đi, vì đã giúp hôn nhân tươi mới, sống lại. Cuộc ra đi nào cũng có lý do của nó…

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI