Đi để chọn nơi... được rời khỏi thế giới

26/08/2024 - 18:18

PNO - 18 tháng sau khi Francine Milano (người Mỹ) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng tái phát - căn bệnh đã mắc từ 20 năm trước - bà đã đi từ nhà mình ở Pennsylvania đến Vermont 2 lần. Bà không đi trượt tuyết, đi bộ đường dài hay ngắm cảnh mà là để chuẩn bị cho cái chết. “Tôi thực sự muốn kiểm soát cách tôi rời khỏi thế giới này. Tôi quyết định rằng đây là một lựa chọn dành cho tôi” - người phụ nữ 61 tuổi nói.

Ra đi với sự hỗ trợ y tế là lựa chọn ban đầu của bà Milano vào năm 2023 khi biết bệnh của mình không thể chữa khỏi. Vào thời điểm đó, nếu muốn trợ tử, bà sẽ phải đến Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ... hoặc đến sống ở 1 trong 10 tiểu bang được phép trợ tử của Mỹ. Vào tháng 5/2023, Vermont đã bỏ yêu cầu về nơi cư trú nên bà Milano đã lựa chọn lại nơi này, hướng đến chuyến đi xa mãi mãi của mình.

Đến những nơi được pháp luật đồng ý cho trợ tử đang là hình thức du lịch y tế mới mà nhiều bệnh nhân nan y, người già lựa chọn - ẢNH: KEYSTONE/MARTIN RUETSCHI
Đến những nơi được pháp luật đồng ý cho trợ tử đang là hình thức du lịch y tế mới mà nhiều bệnh nhân nan y, người già lựa chọn - Ảnh: Keystone/Martin Ruetschi

Bất chấp những lựa chọn hạn chế và khó khăn, hàng chục người Mỹ đã đến các tiểu bang mở cửa cho những người không phải là cư dân, mắc bệnh nan y tìm kiếm sự trợ tử. Theo Sở Y tế Vermont, ít nhất 26 người đã đến Vermont để ngừng cuộc hành trình của đời mình từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2024. Bác sĩ Charles Blanke - người có phòng khám tại Portland chuyên chăm sóc cuối đời - cho biết: trong năm qua, ông đã khám cho 2-4 bệnh nhân từ các tiểu bang khác mỗi tuần và đã tiếp nhận các cuộc gọi từ khắp nước Mỹ với mục đích là đến Portland du lịch và sau đó là kết thúc cuộc sống.

Những nơi được pháp luật cho phép trợ tử thường yêu cầu bệnh nhân phải được 2 bác sĩ đánh giá. Bệnh nhân phải là người được kết luận chỉ còn sống được không quá 6 tháng, còn tinh thần và nhận thức lành mạnh...

Theo số liệu của các quốc gia cho phép trợ tử, tỉ lệ người đăng ký tham gia và lựa chọn trợ tử liên tục tăng trong những năm gần đây. Trong đó, hầu hết là người già, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, người mất khả năng tự chăm sóc hoặc những người khuyết tật nặng... Tại Thụy Sĩ - quốc gia có luật trợ tử được xem là mở rộng nhất - tỉ lệ tự tử có sự hỗ trợ năm 2023 tăng thêm 11%. Cuối năm ngoái, Hiệp hội Exit German Switzerland - tổ chức hỗ trợ thực hiện quyền được chết lớn nhất tại Thụy Sĩ - cho biết họ đã có 167.631 thành viên. Con số này nhiều hơn 19.679 người so với năm trước. Hơn 1.200 người đã ra đi, trong đó có 759 nữ và 493 nam.

Theo Exit German Switzerland, lý do cho sự gia tăng này là xã hội ngày càng già đi với hậu quả là bệnh tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng. Độ tuổi trung bình của những người này là 80,7 tuổi đối với phụ nữ và 79 tuổi đối với nam giới. Tỉ lệ nữ chọn cái chết nhiều hơn nam. Khoảng 31% số người chết mắc ung thư giai đoạn cuối. Ngày càng có nhiều người cao tuổi mắc nhiều bệnh cũng lựa chọn cái chết tự quyết. Cũng theo tổ chức này, 3/4 các vụ trợ tử diễn ra ở phòng riêng và gần 1/5 diễn ra ở viện dưỡng lão và viện hưu trí.

Vấn đề trợ tử đã và đang gây tranh cãi ở hầu hết các nước. Những người phản đối cho rằng việc tước đoạt mạng sống là vô đạo đức, nghề y phải giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn vào cuối đời chứ không phải là hỗ trợ để kết thúc cuộc sống. Daniel Zekveld của nhóm vận động chống trợ tử ở Canada nói sở dĩ số người chọn cái chết tăng quá cao là do Canada đã tạo ra những chế độ trợ tử dễ dãi nhất trên thế giới; thay vì cung cấp dịch vụ chăm sóc đảm bảo sự sống cho người dân thì họ đưa ra giải pháp dễ dàng để kết thúc sự đau khổ.

Trong khi đó, nhóm ủng hộ cái chết nhân đạo Dying With Dignity lập luận rằng, trợ tử được thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn, chấm dứt đau khổ và phân biệt đối xử cũng như sự tôn trọng quyền tự chủ cá nhân. Đó chính là lý do ngày càng nhiều quốc gia thông qua hình thức này, ngày càng nhiều người lựa chọn để kết thúc cuộc đời mình.

Thu Thanh (theo CNN, Daily Mail, Swissinfo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI