Đi đâu loanh quanh...

10/05/2015 - 08:36

PNO - PN - Có những ngày lu bù, đua với xe buýt, giành đường với xe tải, tránh né khói bụi ngày thường, chơi cút bắt với những giấc mơ, tôi hay nghĩ thầm: Sao mình cứ đi loanh quanh cho đời mỏi mệt như vầy? Nhưng rồi tôi lại tiếp tục...

Ở thành phố, còn ai nhiều tủi hờn hơn những lao động nhập cư, bấp bênh từ trong ra ngoài. Đời sống, tinh thần, không biết cái nào thiếu thốn hơn.

Di dau loanh quanh...

Có tiếp xúc mới biết mỗi người là cả một kho tư liệu, ngồn ngộn những mảnh đời. Người từ miền Tây lên, từ Trung vô, người từ Bắc vào. Ai ra đi cũng bỏ lại quê nhà một niềm riêng nào đó. Vào xứ người làm việc, phải nói nói, cười cười vồn vã. Ai biết được có bao nhiêu điều không thể nói ra. Không biết có ngẫu nhiên, mà mười cô như một, gái già gái trẻ, người nào đường chồng con cũng lận đận.

Người thì chồng bỏ khi biết vợ lên Sài Gòn làm nghề massage. Người thì bỏ chồng, bỏ con gánh hàng rong cả ngày trời đi bán. Tối chịu cảnh chen nhau như cá mòi để dành chút tiền nuôi con… Đến khi biết tiền mình gửi về chồng mang đi nhậu, mang đi nuôi đàn bà khác, nước mắt lên, nước mắt xuống ròng ròng. Khóc rồi lại cắn răng bán mặt cho nắng, cho mưa, cắn răng tiếp tục cuộc mưu sinh mòn mỏi.

Có những bà mẹ trẻ gửi con cho ông bà ngoại. Một năm mới về một lần. Đắng lòng nhìn con mình không cho mẹ bế, hốt hoảng kêu bà ngoại: “Mẹ ơi!”. Ngày con vừa quen quen cho bế, cũng vừa đến lúc ra đi.

Nghe thì thương cảm, nhưng đó vẫn là những trường hợp may mắn. Có không ít trường hợp nghe mà nước mắt chỉ chực trào ra. Đó là một cô gái rất trẻ, không thể tin cô ấy đã có chồng.

Cô ấy cũng nằm trong danh sách bị chồng bỏ mà tôi biết. Rời quê, lên thành phố, gửi con cho ông bà nuôi. Đứa bé ngày cô đi lanh lẹ, hiểu hết mọi điều, bắt đầu bập bẹ mẹ ơi. Ngày về, đứa bé lem luốc đen đủi, thấy người lạ là trốn vào xó bếp. Ai lại gần hơn, bé đập đầu vào cột nhà đến rướm máu. Có bao nhiêu tiền mẹ gom hết cho con mình đi bác sĩ.

Đó là lần đầu tiên cô biết về khái niệm tự kỷ. Hỏi ra mới biết, ông bà ngoại đôi khi đi ghe từ sáng đến chiều. Đứa bé ở nhà một mình. Đói có cơm. Khát có sẵn nước. Ông bà chỉ biết đến nhu cầu tối thiểu của trẻ: đói và khát. Ông bà đâu giải quyết được nhu cầu có ba, mẹ, bọn trẻ hàng xóm… Ông bà cũng phải mưu sinh. Trách làm sao được với ông bà.

Tôi cũng là người tha hương. Nhưng tôi may mắn hơn, thời tha hương của tôi chỉ là cảm giác được bay ra khỏi chiếc lồng. Nếu có chỉ là thi thoảng nhớ về ba mẹ. Không phải đau đáu vì chồng con. Giờ khi đã có gia đình, đã quen thuộc với thành phố này, máu nông dân vẫn nằm đâu đó. Những ngày công việc lu bù, về nhà không kịp thay đồ ôm máy làm tiếp. Bữa ăn, húp đại tô mì cho trôi, tôi hay nhớ về câu chuyện người tỷ phú trò chuyện với một ngư dân trong kỳ nghỉ mát của mình.

Người tỷ phú vốn quen thì giờ đẻ ra tiền, rất ngạc nhiên khi thấy anh ngư dân chỉ cần đánh cá đủ ăn là về nhà nghỉ ngơi chơi đùa với vợ con. Thương cảm cho anh ngư dân chân chất, bác tỷ phú dạy cho anh ta cách làm ăn: Anh nên đánh nhiều cá hơn. Nhưng tôi làm gì với số cá đó? Anh bán đi, lấy tiền, dành dụm, chẳng bao lâu anh sẽ đổi được cái tàu? Rồi sao? Nếu làm việc chăm chỉ từ một chiếc tàu anh có thể mua cả một đội tàu. Rồi sao? Anh có thể mở rộng quy mô, xây dựng một nhà máy cung cấp cá…

Đến lúc này anh ngư dân bối rối. Nhưng để làm gì? Người tỷ phú ngạc nhiên. Anh sẽ trở thành một tỷ phú, sẽ có rất nhiều tiền. Tôi làm gì với số tiền đó. Làm gì ư? Anh có thể đưa vợ con đi nghỉ mát ở một vùng biển, ăn hải sản, ngắm trời xanh… tận hưởng cuộc sống…

Đó chẳng phải là cách mà anh ngư dân minh triết vẫn đang sống mỗi ngày sao?!

Chỉ là một câu chuyện với nghịch lý hài hước. Tại sao ta cứ phải làm việc quần quật, phải phấn đấu, phải căng thẳng, phải toan tính. Trong khi bầu trời thì cứ xanh chờ đôi mắt ngắm. Cây trong vườn chờ hái. Cá ngoài khơi chờ đánh bắt. Hoa cứ tỏa hương. Người ta yêu thương mòn mỏi. Ta thì cứ loanh quanh ngày chất ngày mỏi mệt. Chỉ mong ngày về già, con thơ khôn lớn, được đặt hết mọi thứ phía sau thong dong trở về mảnh vườn nho nhỏ ở quê nhà ngày ngày nón cời nuôi ngựa, trồng dâu…

Ôi hạnh phúc. Nếu không quay về ngay khi có thể, ai biết ngày có thể về kịp không, hay ta lại đi tìm lý do trì hoãn: Ở phố cho gần bệnh viện. Bệnh viện có gì mà vui?

TRẦN LÊ SƠN Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI