Đi đâu cũng mong về ăn canh thụt chồng nấu

04/08/2022 - 06:11

PNO - Trong hằng hà vô số món đặc sản của đồng bào M’Nông, thứ tôi mê nhất là canh thụt.

Ông xã tôi là người dân tộc M’Nông, nên khi lấy chồng, tôi được thưởng thức rất nhiều món ăn lạ. Món canh thụt tự tay chồng nấu, tôi có thể ăn từ ngày này qua tháng nọ mà không ngán. Tôi không hiểu tại sao, cũng chừng đó nguyên vật liệu, công thức nấu như nhau, mà sao mười lần ăn canh thụt là mười lần mùi vị khác nhau. Món canh tưởng dễ, nhưng nấu ngon thật khó vô cùng.

Có lẽ nhiều người đang thắc mắc không biết món canh thụt này được nấu bằng nguyên liệu gì. Xin thưa nguyên liệu chế biến canh thụt rất đơn giản. Tất cả đều có sẵn trong tự nhiên, là quà của rừng của núi: Cà đắng mọc hoang ngoài rừng hái về, cắt cuống rửa sạch, xắt nhỏ. Một vài ngọn mây non, tước ra, cắt khúc ngắn. Một nắm lá bép xắt nhỏ, vài quả ớt chỉ thiên cay xé lưỡi. Thịt heo cắt nhỏ, nếu không có thịt heo có thể thay bằng da heo, cá suối, hoặc thịt trâu khô xé sợi cũng ngon tuyệt đỉnh nếu vào tay chồng tôi.

Canh thụt có thể coi như canh tập tàng của người Kinh, có nghĩa là bất cứ thứ rau gì ăn được của rừng cũng có thể nấu được, nhưng nhớ đừng quên mấy loại nguyên liệu chính là lá bép, đọt mây, cà đắng, ớt chỉ thiên và một thứ thịt cá nào đó. Tất cả được trộn lẫn vào nhau, sau đó đổ vào một ống lồ ô bịt kín hai đầu lại và đặt lên bếp lửa than để nướng. 
Cái khó để nấu ngon món canh thụt không phải nằm ở nguyên liệu, mà bí quyết nằm ở nơi canh lửa. Người nấu phải biết cách lăn qua lăn lại để cho nguyên liệu bên trong ống nứa chín đều mà không bị cháy. Lửa để làm chín món ăn này không quá to, không quá nhỏ mà phải vừa đủ thì nó mới ngon và thơm. Khi lớp xanh của vỏ ống đã cháy vàng đều thì đó cũng là lúc canh đã chín. 
Lúc này mới bỏ lá bịt ống lồ ô ra lấy chiếc krai (giống như chiếc đũa cả xới cơm) thụt vào trong ống lồ ô, thụt mãi đến khi nào ống lồ ô rỗng ruột thì cũng vừa tràn đầy tô canh. Cái mùi hăng hắc đắng ngắt của cà hòa cùng cái cay nồng của ớt, cộng với cái ngọt của thịt thêm vị nhân nhẩn của lá bép, đọt mây, không biết phải diễn tả nó như thế nào. Gọi là canh nhưng không quá nhiều nước, mà nó sền sệt quyện hòa tất cả vào nhau, không còn nhận ra bất cứ loại nguyên liệu nào trong tô canh thụt. Chất đạm, chất béo, chất xơ trong một tô canh đủ đầy cả chất và lượng, thấm vào đầu lưỡi, tan ngay trong cổ mà không cần 
phải nhai. 
Khi say rượu hay bị cảm nắng, chẳng cần nhiều, chỉ một tô canh thụt cũng đủ tỉnh táo, đánh bay cơn cảm nắng vừa say. Mùi vị của món canh thụt nấu trong ống nứa cũng rất đặc trưng, nó khác hẳn khi được nấu bằng nồi, chảo. Nó khiến ta chỉ dám múc một muỗng vừa đủ ăn, không dám phí cả một giọt nước canh, sợ làm mất đi cái tinh túy của đất trời 
Tây Nguyên.
Cái hay của món canh thụt là ăn vào mùa hè thì mát, ăn vào mùa mưa lạnh thì ấm. Có lẽ chính vì thế mà trong bất kỳ ngày lễ hay trên mâm cơm ngày thường của người M’Nông, thứ không bao giờ thiếu là món canh thụt. 
Canh thụt bây giờ cũng trở thành món đặc sản trong các nhà hàng. Những người ở nơi khác đến công tác hay du lịch Tây Nguyên mà chưa ăn canh thụt thì coi như chưa thưởng thức ẩm thực của núi rừng Tây Nguyên.
Cũng cà đắng, cũng thịt cũng lá bép, đọt mây và ống lồ ô, mà sao tôi ăn ở bất cứ nhà hàng đặc sản nào cũng không thấy ngon được như canh chồng nấu. Hỏi bí quyết, chồng tôi cười bảo, nấu canh thụt là phải kiên trì, kiên nhẫn, không được nóng vội, nhẩn nha canh cái “nết ăn” của lửa sao cho chín vừa, chín tới mới có được một tô canh thụt không chê được vào đâu, ngon tuyệt. Nếu lửa thấp thì canh sống, canh khê. Còn quá lửa, canh chín kỹ và các chất dinh dưỡng đã mất đi rất nhiều. Tôi thì nghĩ, tình yêu thương vợ mới cho anh ấy nấu món canh ngon tuyệt như thế, để mỗi khi đi đâu, dù có sơn hào hải vị thì tôi cũng muốn mau mau về nhà ăn tô canh chồng nấu mà thôi. 

Thủy Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI