Đi đánh ghen mà... hiền quá

26/08/2023 - 11:59

PNO - Tôi thấy chị khác người, cũng bày đặt "bắt ghen" mà lại... hiền khô. Chị giảy bày rằng chị không tranh giành không phải vì hết thương chồng, mà vì chị muốn để anh tự chọn lựa.

Hôm trước, xem clip người phụ nữ bồng con nhỏ đi từ Đồng Tháp lên Bình Dương để bắt ghen chồng, rồi ôm con ngồi trên nắp capo cười, tôi cứ nhớ mãi dòng bình luận của dân mạng: "Bắt ghen gì mà hiền quá trời hiền".

Nụ cười của một người vợ đi đánh ghen tại Bình Dương vào tháng 8/2023 khiến người qua đường khó hiểu (ảnh cắt từ clip)
Nụ cười của một người vợ đi đánh ghen tại Bình Dương vào tháng 8/2023 khiến người qua đường khó hiểu (Ảnh cắt từ clip)

Tôi xưa nay không đồng tình với hành động đánh ghen, "bắt ghen", càng không hiểu nội tình mối quan hệ của các nhân vật trong clip, nên cũng chẳng tin ngay những dòng viết của người đưa chuyện này lên mạng xã hội. Tuy vậy, hình ảnh người mẹ ôm con cười trên đầu xe cứ ám ảnh tôi. Đó thật sự là hình ảnh thảm thương, hơn bất cứ hình ảnh "giật tóc, xé áo" thường thấy nào của các vụ đánh ghen, "bắt quả tang".

Tôi nhớ chuyện "bắt ghen" của chị chủ tiệm hủ tíu ở đầu ngõ nhà tôi. Chị rủ thêm 2 người làm công đi cùng. Khi tôi ghé ăn hủ tíu, họ thuật lại vụ "bắt ghen" rồi than trời với tôi: “Đi đánh ghen gì mà chỉ có khóc với năn nỉ tiểu tam "tha cho chồng chị". "Tiểu tam" còn cười vào mặt chị, bảo chị xem lại mình đi, chị không xứng với chồng".

Chị chủ tiệm nghe vậy thì rầu rầu: “Con nhỏ đó đẹp lắm em, đẹp từ bàn tay tới ngón chân. Chồng chị mê cô đó cũng phải. Giờ thì… tùy ảnh thôi”.

Tôi thấy chị khác người, cũng bày đặt "bắt ghen" mà lại... hiền khô. Chị giãy bày rằng chị không tranh giành không phải vì hết thương chồng, mà vì chị muốn để anh tự chọn lựa. Lòng người đã nhạt, có níu kéo cũng vô ích.

Mấy năm trước tôi chứng kiến chị cũng váy áo văn phòng, giày cao gót điệu đà. Mẹ chị có quán hủ tíu đông khách. Bà cao tuổi nên muốn nghỉ ngơi. Chị khéo tay nhất nhà, có thể kế nghiệp của mẹ, tiền lời bán hủ tiếu lại nhiều gấp 3 lần lương kế toán của chị. Vậy là chị xếp váy áo, trở thành bà chủ quán, cả ngày trùm khẩu trang kín mít, luôn tay dao thớt và nồi nước lèo bốc khói.

Từ ngày làm bà chủ quán, chị không cầm lương của chồng, còn đổi xe bốn bánh cho anh, góp tiền sửa nhà cho cha mẹ chồng. Chồng chị sáng ra đóng bộ, thắt cà vạt bảnh bao, lái xe đi làm. Khách hàng ghé quán cứ tưởng anh là ông chủ của chị. Mấy lần tôi tới ăn ở quán chị, thấy chồng chị đ làm về quát nạt, nói năng với chị cộc lốc mà... lo giùm. Tôi nhắc chị thuê thêm người làm cho đỡ cực, dành nhiều thời gian cho bản thân kẻo tụt hậu so với anh.

Chị hồn nhiên cười xòa: “Những gì chồng chị có phần lớn đều do chị sắm cho. Ảnh không nỡ phụ chị đâu”.

Ngày chị đi "bắt ghen" chồng, là khi chị mới biết tiền riêng anh dành dụm bấy lâu đã mua trả góp cho "tiểu tam" căn hộ chung cư. "Tiểu tam" lại xinh đẹp, tới bàn tay cũng xinh, đâu như bàn tay chị thô nhám vì chén dĩa, dao thớt…

Mấy người giữ được bình tĩnh khi đối mặt với tiểu tam của chồng (ảnh minh họa)
Mấy người giữ được bình tĩnh khi đối mặt với "tiểu tam" của chồng (Ảnh minh họa)

Tôi nhớ trong phiên tòa xử ly hôn của một đôi vợ chồng. Nguyên nhân ly hôn vì người chồng có nhân tình. Trước mặt người đại diện tòa án quận, người chồng nói rằng anh ta cực khổ đủ rồi nên muốn bù đắp cho bản thân, anh ta cặp bồ cho vui chứ không có ý định bỏ vợ.

Người vợ bàng hoàng: “Vậy ai sẽ bù đắp cho em? Em cực khổ ít hơn anh à?”. Câu hỏi của chị không có lời đáp. Người chồng cúi đầu không dám ngẩng lên. 

Người ta hay nói “sông biển dễ dò, lòng người khó đoán”. Tôi lại nhớ lời 2 người làm công quán hủ tíu đúc kết: "Chị em, đừng bao giờ tin chắc đàn ông luôn một lòng một dạ. Khi có tiền của trong tay, đàn ông dễ lung lay trước cám dỗ bên ngoài. Khi có tiền, đàn bà cũng cần đối đãi tốt với bản thân, đừng mải tằn tiện, ky cóp. Phải luôn đồng hành, đừng để mình tụt lại sau chồng...".

 Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI