edf40wrjww2tblPage:Content
“45 năm di chúc Bác Hồ chỉ là một sự kiện mang tính lễ hội tinh thần. Còn học Bác, làm theo Bác phải trở thành một nhu cầu văn hóa, một ý thức thường trực, việc làm thường xuyên ở mọi nơi - mọi lúc - mọi cấp - mọi ngành. Đặc biệt là cán bộ quản lý và đảng viên, học Bác phải đi đôi với làm, chuyển động ấy mới mang trở lại niềm tin cho nhân dân vào Đảng”. Giáo sư Hoàng Chí Bảo - cố vấn cấp cao, Hội đồng Lý Luận Trung ương nhận định.
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III tháng 3/1961 - Ảnh: Tư liệu
Tăng trưởng niềm tin của dân với Đảng là điều hệ trọng
* Thưa GS Hoàng Chí Bảo, ông đánh giá thế nào về phẩm chất nhân văn và tầm vóc lãnh tụ được thể hiện qua bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Thật ra, Bác viết di chúc từ năm 1965, toàn bộ bản di chúc này có thể coi là một “hiện tượng văn hóa kỳ diệu”, bởi trong hàng ngũ lãnh tụ của thế kỷ XX, không có ai dành đến bốn năm để suy nghĩ, nghiền ngẫm, để lại cho đời một bản di chúc chắt lọc chỉ 1.000 từ. Di chúc nhân văn ở chỗ, Bác đặt quan tâm đầu tiên là Con Người. Nên người ta cho rằng, bản di chúc của Bác Hồ là di chúc về con người, vì con người. Trong 1.000 chữ ấy, Bác điểm không sót đối tượng nào. Từ cụ già đến em nhỏ, từ cán bộ đảng viên đến bộ đội, công an, chiến sĩ, thanh thiếu niên, phụ nữ, bạn bè quốc tế... Cảm động biết bao khi Bác không quên đồng bào đang sống trong chế độ cũ, “nên mở rộng lòng bao dung nhân ái, đoàn kết, hòa hợp để đồng thuận”. Tư tưởng đại đoàn kết, cảm hóa con người và lòng người - thấm đẫm trong di chúc.
Người đặc biệt lưu ý Đảng và Chính phủ phải có chính sách cụ thể và thật tốt, đúng đắn và kịp thời để chăm sóc cho cuộc sống nhân dân. Bác căn dặn, “không được để rơi vào bị động, thiếu sót và sai lầm khi cách mạng chuyển giai đoạn, tình hình sẽ nhiều phức tạp” - tức là Bác lường trước mọi chuyện. Bác dặn chi tiết: phải lo công ăn việc làm cho mọi người, nhất là những người đã có công với nước, để thân nhân gia đình của họ không rơi vào cảnh đói kém, nghèo khổ. Bác dặn đặc biệt bồi dưỡng chăm sóc cho thế hệ trẻ, phải cho lớp trẻ đi học văn hóa, kỹ thuật, nghệ thuật - để sau này trở thành những chủ nhân xứng đáng của đất nước.
Điều Bác dạy về chăm sóc thế hệ trẻ, chính sách với con người có giá trị thời sự và mãi mãi. Người dường như dâng hiến toàn vẹn cuộc đời mình cho nhân dân. Riêng chữ “Dân” đã là một triết lý sâu thẳm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mà bản di chúc là một sự kết tinh. Chất nhân văn biểu hiện không chỉ trong chuyện đại sự của đất nước, mà ngay cả trong những lời dặn của Bác về việc riêng. Bác thương dân nên không muốn tang lễ phúng điếu linh đình, tốn thì giờ và tiền bạc của dân, còn chúng ta giữ Bác lại vĩnh hằng là thể theo nguyện vọng của Đảng, của dân. Bác muốn hỏa táng thi hài, dặn chia đều tro cốt cho đồng bào ba miền. Bác khiêm nhường, thanh cao đến mức đã dặn không cần bia đá tượng đồng, chỉ cần một ngôi nhà thoáng đãng ai muốn đến thăm Bác thì có chỗ nghỉ ngơi...
* Bác có viết trong di chúc, chỉnh đốn Đảng để Đảng toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, Đảng phải là nền tảng vững mạnh để phát triển đất nước. Tinh thần này có ý nghĩa thế nào với hiện nay, thưa GS?
- Khi đặt di chúc như một văn kiện chính trị, thì điều trước hết Bác căn dặn chính là về công tác Đảng. Trong đó, lời dặn về giữ gìn đoàn kết, thống nhất từ trung ương đến chi bộ được Bác coi là hệ trọng, “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Xin nhớ, từ 1965 đến 1969, năm nào Bác cũng sửa lại di chúc. Sửa chữa nhiều và công phu nhất là bản sửa năm 1968, năm gắn liền với sự kiện tổng tiến công Mậu Thân. Bác đã dùng đến từ “chỉnh đốn Đảng”. Bác nói, sau giải phóng Miền Nam, cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới, việc trước hết cần làm là chỉnh đốn Đảng, gắn với công việc hệ trọng là tự phê bình và phê bình. Bác coi đây là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, phát triển Đảng, làm cho Đảng trong sạch và vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ của nhân dân.
Những lời dạy về Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Thực hiện di huấn của Hồ Chí Minh, chúng ta phải coi chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt hàng đầu. Bởi sự nghiệp Đổi mới có thành công hay không, phụ thuộc vào chất lượng của Đảng, sức sống, sự gương mẫu và ảnh hưởng của Đảng trong xã hội. Bác dùng khái niệm “Đảng chân chính cách mạng”. Đảng tồn tại vì dân, nên Đảng phải tốt, trong sáng, thì dân mới tin theo. Làm sao trong Đảng phải có dũng khí để vượt qua chủ nghĩa cá nhân, cám dỗ của danh lợi trong điều kiện đồng tiền lên ngôi - thì cán bộ Đảng viên mới có thể toàn tâm toàn ý vì dân vì nước được. Việc thực hiện di chúc và Nghị quyết TƯ 4 có thể nói là điều then chốt, để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng.
Niềm tin ấy vốn đã bị suy giảm gần đây do tham nhũng, quan liêu, nhóm lợi ích bất minh, bất chính. Trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế hết sức quan trọng, nhưng tăng trưởng niềm tin của nhân dân với Đảng còn quan trọng hơn, vì nó sẽ dẫn đến động lực để phát triển, thống nhất toàn dân toàn Đảng thành một khối, từ đó sẽ có năng suất hiệu quả trong kinh tế và sản xuất. Nhưng muốn tăng trưởng niềm tin, thì phải đề cao trách nhiệm của đảng viên, và phải bằng hành động thực tế để dân nhìn thấy rõ cán bộ đảng viên thực sự vì dân vì nước. Dân biết đến Đảng không qua ý niệm trừu tượng, mà qua tấm gương, nhân cách của cán bộ đảng viên nên Bác đã căn dặn cán bộ đảng viên, “phải ít lòng tham muốn vật chất, quang minh chính đại, dĩ công vi thượng”…
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, H.Đại Từ (Thái Nguyên) năm 1954 - Ảnh: Tư liệu
Chạy chức chạy quyền, tham nhũng… đang làm tổn thất thanh danh của Đảng
* Trong bản di chúc, Người có phác họa cả một chương trình hoạt động để kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Với độ lùi xa gần nửa thế kỷ, cái nhìn mang tính tiên tri đó có đúng không?
- Thời gian lùi xa 45 năm ta mới thấy tâm nguyện ấy chính là lý tưởng cao quý của Người về CNXH, mà bây giờ Đảng ta đưa vào văn kiện: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong di chúc Bác viết, “Mong muốn cuối cùng của tôi là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Tất cả những điều Bác nói trong tâm nguyện này chính là giá trị của CNXH, giá trị của công cuộc đổi mới mà đất nước ta đang thực hiện. Xét về phương diện lý luận, di chúc để lại cả một định nghĩa về đổi mới. Bác còn ký thác một điều, “phải đem sức dân, tài dân để làm lợi cho dân”. Bác dặn, độc lập chủ quyền lãnh thổ là tối thượng, lợi ích quốc gia dân tộc là cốt lõi, Tổ quốc và dân tộc là trên hết. Điều đó hết sức sống động, phù hợp và cần thiết trong điều kiện hiện nay.
* Việc học tập và làm theo di chúc Hồ Chí Minh, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để trao truyền niềm tin như một sự thực về xã hội lý tưởng, thì người dân hôm nay chưa cảm nhận được rõ. GS nói gì về điều này?
- Bác dặn, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, còn để nhân dân hoài nghi, thì Đảng phải chấn chỉnh về động cơ, mục đích, lẽ sống. Đảng phải tăng cường công tác giáo dục, để điều tốt đẹp thành sự thực, chứ không bị biến dạng về động cơ. Bác nói, phải trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, dù chúng là ai. Những hiện tượng sai trái, không xứng đáng với danh hiệu của Đảng, với bản chất của Đảng thì phải thanh lọc để làm trong sạch Đảng.
Phải thay đổi căn bản cơ chế chính sách, vì khi cơ chế chính sách khuyến khích người ta thấy thành đạt chỉ bằng con đường quan chức, thì không ai cố gắng trở thành chuyên gia hay nhà nghiên cứu. Chạy chức chạy quyền, tham nhũng… hiện nay có liên quan đến đảng viên, là điều rất đau lòng, làm tổn thất thanh danh của Đảng. Chỉ có đề cao pháp quyền mới có thể loại bỏ những kẻ sâu mọt. Chỉ khi nào Đảng chuyển biến tích cực về mặt này, mới lấy lại được niềm tin của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành Ủy TP.HCM thăm một hộ nghèo ở Q.10 - Ảnh: P.Huy
* Dù hoàn cảnh hay thể chế xã hội đặc thù nào, thì giá trị cơ bản nhất vẫn là con người. Khi đọc những nhắn gửi của Bác về con người, chúng ta rất xúc động. Thực hiện việc tôn vinh nhân dân như lời dặn trong di chúc của Bác, có ý nghĩa thế nào trong quan điểm lãnh đạo của Đảng cầm quyền?
- Tổng kết về đổi mới, thông qua cương lĩnh mới 2011, Đảng đưa vào phần đặc trưng của XHCN là xã hội do nhân dân làm chủ (bỏ đi từ “lao động” - nhân dân là tất cả dân tộc, cộng đồng người Việt trong nước và nước ngoài, ai cũng có cơ hội làm việc, phát triển và cống hiến). Cương lĩnh chỉ ra: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Gần đây, ta tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 và ban bố Hiến pháp mới, thì vấn đề nhân dân càng đậm nét.
Trong Hiến pháp, chữ Nhân Dân được viết hoa 41 lần. Phải hiểu là việc nhắc lại 41 lần chữ Nhân Dân trong đạo luật cao nhất của một đất nước chính là lời cam kết có tính chất pháp lý, thể hiện đạo đức của Nhà nước trong đối xử với nhân dân. Trong thực tiễn, tư tưởng dân chủ hóa, công khai minh bạch ngày càng rõ hơn. Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm công khai, để dân tỏ thái độ. Việc xử lý những đại án tham nhũng ngày một nghiêm minh hơn.
Gần đây nhất, Đảng ra Nghị quyết 9 về văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh xây dựng con người theo một hệ giá trị của con người Việt Nam, nền văn hóa đó hướng vào thuộc tính dân tộc, dân chủ, văn minh và nhân văn. Tất cả đều gắn với giá trị con người. Chúng ta phải chú trọng những giải pháp xã hội để nâng cao mức sống.
Bác không nói chữ nghĩa lý luận gì, Bác chỉ quy về mấy chữ: “Chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, được tự do đi lại, được hưởng quyền dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng”. Nếu chúng ta làm được trọn vẹn như vậy, xã hội sẽ thực sự tốt đẹp và lý tưởng. Có điều ta chưa làm đầy đủ và không thường xuyên, không đồng đều giữa các vùng miền địa phương; chưa kể tệ nạn lãng phí, tham nhũng đã cản trở những nỗ lực này.
* Gần đây Đảng nhấn mạnh yếu tố an dân, an sinh theo di huấn của Bác. Vì an dân là những yếu tố không thể thiếu trong phát triển bền vững nhưng dường như mong muốn này chuyển động rất chậm chạp trên thực tế. Phải chăng giấc mơ an dân an sinh còn khá vất vả để có thể chạm tới?
- Không thể phủ nhận những cố gắng của Đảng, mà công trình Đổi mới là một giá trị. Có điều, thành tựu chưa tương xứng với tiềm năng, công sức đã bỏ ra, chưa xứng với mong đợi của nhân dân. Còn nhiều việc chúng ta có thể làm tốt hơn, thì vẫn bị những lực cản do quan liêu, do cơ chế chính sách, thiếu trách nhiệm, và nhất là do ta chưa đẩy lùi được tham nhũng. Nếu thực sự xuất phát từ con người, thì những việc cụ thể đơn giản là chăm sóc con người, ở đâu cũng phải làm và làm được. Vấn đề là cán bộ và bộ máy của chúng ta có toàn tâm toàn ý vì dân hay không? Chỉ có chăm lo cho dân, để dân được hưởng lợi ích một cách công bằng chính đáng, để họ được hưởng quyền tự do dân chủ của chính mình, thì niềm tin của nhân dân mới được củng cố, mới tạo thành chuyển biến tích cực cho xã hội.
*Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!
"Bác nghĩ đến mọi tầng lớp, mọi đối tượng, trong đó giới nữ được quan tâm đặc biệt. Trong di chúc, Bác dặn phải làm cho chị em phụ nữ có điều kiện để phát triển, từ cơ sở đến trung ương phải tạo điều kiện cho chị em được tiến bộ về chính trị, nghĩa là được quyền tham chính. Bác mong phụ nữ phải chủ động vươn lên, khắc phục tự ti mặc cảm để giành lấy quyền bình đẳng. Bác dặn chăm lo đời sống, tôn trọng phụ nữ, bình đẳng nam nữ. Ta nhớ lúc sinh thời Bác nói “Không bình đẳng nam nữ, không thực hiện được tiến bộ cho phụ nữ thì mới chỉ là một nửa CNXH”. 45 năm qua, thực hiện di chúc của Bác, phụ nữ Việt Nam đã có những trưởng thành đặc biệt, có vai trò trong đời sống chính trị xã hội, mọi lĩnh vực đều có hiện diện của phụ nữ không kém gì nam giới. Thực hiện di chúc của Bác trong lời dặn về giới nữ, chúng ta phải làm sao để kiên quyết chống bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, nạn tảo hôn, tệ nạn xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ. Bảo vệ giá trị địa vị của người phụ nữ trong xã hội dân chủ pháp quyền, không vì riêng giới nữ, mà vì sự phát triển chung của cả cộng đồng”. Giáo sư Hoàng Chí Bảo |
Quỳnh Lam (thực hiện)