Đi chùa đầu năm thời COVID-19

07/02/2022 - 06:04

PNO - Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng người dân vẫn đi chùa, thậm chí có nơi đông hơn mọi năm.

Ùn tắc vì chùa không mở cửa

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, từ mùng Hai đến mùng Năm tết, hàng ngàn người đổ về đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Các tuyến đường dẫn vào Khu di tích lịch sử đền Hùng những ngày tết luôn nườm nượp dòng người đến từ khắp mọi miền đất nước.

Nhiều người “lăm lăm” trong tay vài xấp tiền lẻ để đặt lên tất cả những nơi được cho là linh thiêng - ẢNH: NGỌC LINH
Nhiều người “lăm lăm” trong tay vài xấp tiền lẻ để đặt lên tất cả những nơi được cho là linh thiêng - Ảnh: Ngọc Linh

Ông Nguyễn Thế Hùng - đại diện Ban Quản lý (BQL) Khu di tích lịch sử đền Hùng - cho biết BQL đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách về dâng hương. Lực lượng BQL cùng các đơn vị chức năng chú trọng tuyên truyền du khách thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Tại các khu vực đền và cổng chính, BQL cũng đã dán mã QR để người đi hành lễ khai báo y tế, đồng thời bố trí lực lượng đảm bảo thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch. Mặc dù người dân luôn đeo khẩu trang nhưng do số lượng quá đông nên việc giữ khoảng cách là không thể. Tại các sân hành lễ, các bàn thờ đều chật cứng người dâng hương.

Giao thừa năm nay, TP.Hà Nội không có hoạt động văn hóa, lễ hội, bắn pháo hoa nên người dân đi chùa nhiều hơn mọi năm. Các chùa lớn ở TP.Hà Nội như Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà… đều có rất đông người tới thắp hương. Từ giao thừa tới hết ngày mùng Một, hầu hết các chùa đều không mở cửa hoặc hạn chế người vào khiến người dân phải làm lễ từ bên ngoài. 

Chùa Quán Sứ thuộc “vùng xanh” nên được mở cửa. Việc đảm bảo thực hiện quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại chùa Quán Sứ được thực hiện nghiêm. Ngoài yêu cầu người dân quét mã QR và khử khuẩn tay, chùa Quán Sứ còn đặt nhiều bảng nhắc nhở người dân đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm lễ.

Biết trước sẽ đông nên nhiều người chọn đi chùa vào trưa hoặc chiều mùng Một nhưng hầu hết các chùa đều luôn đông người trong mấy ngày tết. Chị Bùi Thu Hằng (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho biết, do nhà gần chùa Hà nên chị định đợi lúc nào vắng thì sẽ tới thắp hương làm lễ, nhưng đợi đến cuối giờ chiều mùng Một, chùa vẫn rất đông người. Theo chị Hằng, mặc dù chùa Hà đã bố trí người hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm lễ, hóa vàng nhưng do không được vào bên trong nên đã xảy ra tình trạng ùn tắc phía ngoài đường. Lo ngại dịch bệnh nên một số người còn đứng từ xa để vái vọng vào chùa.

Tăng cường hành lễ online

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các chùa, tự viện trong cả nước tổ chức nghi lễ cầu an tết Nhâm Dần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không tập trung đông người, thời gian tổ chức ngắn gọn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng yêu cầu tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, các buổi lễ cầu an online.

Cảnh báo về việc đi lễ chùa đầu năm có nguy cơ gây bùng phát đợt dịch mới, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng trong bối cảnh có dịch COVID-19, việc đi lễ năm nay không thể như thường lệ mà phải thực hiện theo “bình thường mới”, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Người dân khi đi lễ cần nâng cao cảnh giác hơn. Ở chỗ càng đông người, càng cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Khi mở cửa tiếp khách BQL lễ hội, khu du lịch tâm linh cần cam kết với chính quyền địa phương về việc tổ chức, thực hiện đúng theo các quy định phòng, chống dịch như yêu cầu đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách an toàn, phân luồng tiếp nhận du khách theo số lượng nhất định, hoặc tổ chức cầu nguyện online. 

Người dân vẫn rải tiền cầu tài tại khu di tích

 

Mặc dù ban quản lý đã thiết lập một tấm lưới sắt và để biển yêu cầu không đặt tiền nhưng một số người vẫn ném tiền lẻ xuống giếng cổ, gây ra hình ảnh phản văn hóa ẢNH: NGỌC LINH
Mặc dù ban quản lý đã thiết lập một tấm lưới sắt và để biển yêu cầu không đặt tiền nhưng một số người vẫn ném tiền lẻ xuống giếng cổ, gây ra hình ảnh phản văn hóa - Ảnh: Ngọc Linh

Theo chân du khách đến đền Hùng đầu năm, chúng tôi nhận thấy, ngoài đồ lễ, hương, hoa quả, người dân còn mang theo rất nhiều tiền lẻ với các mệnh giá từ 1.000, 2.000 và 5.000 đồng. Nhiều người hành lễ cài cắm tiền lẻ từ các bệ thờ đến ao, giếng cổ. Tại khu vực đền Giếng, bất chấp biển cấm của ban tổ chức, một số người vẫn thả tiền vào giếng cổ. 

BQL Khu di tích đền Hùng đã thiết lập một tấm lưới sắt ở giếng Ngọc để ngăn chặn tình trạng người dân vứt tiền lẻ xuống giếng cầu may. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, tình trạng để tiền lẻ bừa bãi vẫn tiếp diễn. Đại diện BQL Khu di tích đền Hùng cho hay: “Bà con khi hành lễ, nếu muốn đóng góp thì hãy bỏ tiền vào hòm công đức hoặc gửi lại BQL ghi sổ công đức. Đây vừa là hành động có văn hóa, vừa tránh được tình trạng lộn xộn, phản cảm ở nơi thờ tự, vừa tránh nguy cơ cháy”. 

Ngọc Linh - Bảo Khang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI