"Đi chợ thuê" đang rơi vào tay các "ông lớn"

11/12/2016 - 06:30

PNO - Cách đây vài năm, dịch vụ đi chợ thuê nở rộ, nhiều công ty và cá nhân tham gia cung ứng. Tuy nhiên, giờ đây, dịch vụ này đang teo tóp, kinh doanh cầm cự khi các ông lớn nhảy vào tham gia.

Dịch vụ tiện ích

Mô hình đi chợ thuê, đi chợ giúp có quy trình khá đơn giản. Chỉ cần một cuộc điện thoại, email hoặc cú click chuột đưa ra yêu cầu, các bà nội trợ sẽ được cung cấp nguyên liệu để chế biến bữa ăn. Khách hàng cũng có thể gọi điện thoại hoặc đặt hàng trực tuyến theo thực đơn đăng trên website đơn vị làm dịch vụ này để nhận món đã sơ chế.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến - quản lý công ty Đi Chợ Thuê (dichothue.com.vn) cho biết: “Khi thành lập cuối năm 2014, tôi tiếp thị, quảng cáo, mời dùng thử dịch vụ… nên nhiều khách hàng biết đến, trung bình mỗi tuần có khoảng 10 đơn hàng. Hiện giờ tôi nhận từ hai-ba đơn hàng/ngày, mỗi đơn hàng từ 50.000 - 100.000đ”. Chị Yến cho biết, trước đây thuê nhân viên, giờ chị và người nhà xắn tay vào bếp kiêm luôn khâu giao hàng do khách ít, đơn hàng nhỏ lẻ.

Dù được đầu tư bài bản nhưng website dichothue.com.vn đang cầm cự từng ngày để nâng cấp và tìm giải pháp mới để thu hút khách hàng

Chị Lương Đường - quản lý cửa hàng Đi chợ trực tuyến (P.An Lạc, Q.Bình Tân) chia sẻ: “Lúc trước chúng tôi chỉ bán hàng tại chỗ, nhưng do không cạnh tranh được với các siêu thị tiện ích lân cận nên mới thay đổi cách thức. Chúng tôi cập nhật sản phẩm có tại cửa hàng lên website, khách hàng chỉ cần chọn món đặt hàng rồi hẹn giờ để nhận hàng tận nơi”.

Không chỉ công ty, cửa hàng kinh doanh dịch vụ đi chợ thuê mà nhiều cá nhân riêng lẻ cũng tham gia loại hình mới mẻ này. Họ chỉ cần đăng tin trên mạng, giới thiệu một chút về bản thân và để lại số điện thoại. Sau đó, khi có khách yêu cầu, họ sẽ đi chợ đem đến nhà cho khách và thanh toán tiền.

Chị Lê Thị Mai (đường Lương Định Của, Q.2, TP.HCM) gần một năm nay nhận đi chợ thuê cho các gia đình trong khu vực, cho biết: “Trong lúc chờ xin việc, tôi được một chị trong xóm nhờ đi chợ giúp. Thấy nhiều người có nhu cầu nhờ đi chợ nên tôi cung cấp số điện thoại của mình. Tôi tính tiền công bằng cách cộng thêm vào giá món hàng mình mua, ví dụ, bó rau 5.000đ tôi lấy 7.000đ, thịt 80.000đ tôi lấy 90.000đ... Có biên lai mua hàng hẳn hoi nên khách tin tưởng. Nếu khách yêu cầu, tôi sẽ nhặt rau, xắt thịt không tính tiền công”.

Cạnh tranh quyết liệt

Dù cung cấp dịch vụ rất tiện lợi, nhưng không phải đơn vị nào trong lĩnh vực này cũng sống được. Anh Nguyễn Văn Thành - chủ website choonline vừa mới tạm ngưng hoạt động, nói: “Sau gần hai năm hoạt động, chúng tôi không thể cầm cự được nữa bởi khách hàng không thường xuyên, đơn hàng có khi chỉ một bó rau, vài ba con cá... nên rất nản”. Anh Thành cho biết, lúc đầu có nhiều khách do họ tò mò, muốn dùng thử dịch vụ, sau đó rơi rụng dần, dù anh cung cấp địa chỉ mua hàng, giá cả bằng với siêu thị…

Trong khi đó, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã bắt đầu tham gia cung cấp thực phẩm tươi sống trực tuyến, giao hàng tận nơi bài bản. Co.opmart bán hàng trên truyền hình, người xem gọi điện thoại vào hotline để nhận hàng tận nơi. Tại website adayroi.com của VinEcom, người mua chỉ cần đăng ký thành viên, nhấp chuột chọn sản phẩm rồi bỏ vào giỏ hàng. Đơn vị này sắp tới đưa thực phẩm tươi sống vào phục vụ với cam kết giao hàng trong vòng 90 phút. Sàn giao dịch thương mại điện tử sendo.vn cũng dự kiến mở thêm ngành hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống và tính đến giải pháp giao hàng tức thời.

Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đang quan tâm mạnh mẽ đến thị trường tiêu dùng hơn 90 triệu người của Việt Nam. Chuỗi siêu thị Big C, Aeon đang đầu tư dịch vụ giao hàng tận nơi nhằm phục vụ đối tượng văn phòng và các bà nội trợ bận rộn.

Nhân viên hệ thống siêu thị Big C đang chuẩn bị hàng giao cho khách- Ảnh: Phùng Huy

Các chủ trang web đi chợ trực tuyến thừa nhận, nếu chỉ dừng lại ở mức giao hàng, sơ chế thực phẩm, họ không thể tồn tại lâu dài. Bởi hiện nay, hầu như tất cả các hệ thống siêu thị tại TP.HCM có hình thức hoạt động như đi chợ thuê. Nhiều cửa hàng tiện lợi của tư nhân chuyển sang dùng giải pháp chế biến sẵn món ăn, chờ khách đặt hàng để giao lúc còn nóng. Nhiều cá nhân chọn cách bán đặc sản quê hương chất lượng qua mạng xã hội. Tuy chỉ ở mức “bán cái mình có” nhưng các phiên chợ online này vẫn có lượng khách hàng ổn định.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, dù bị cạnh tranh quyết liệt nhưng các đơn vị nhỏ cũng có lợi thế do đặc thù của hình thức đi chợ thuê là cung cấp thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, bên cạnh việc chú ý đến nguồn gốc và an toàn thực phẩm, các đơn vị nhỏ cần đa dạng hóa sản phẩm, sáng tạo các gói dịch vụ khác biệt, đem lại sự tiện dụng cho người dùng.

Tỷ lệ giao dịch trực tuyến ở Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt là khu vực đô thị nhờ dân số trẻ, sử dụng internet và điện thoại thông minh ngày càng nhiều. Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết: “Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, đạt 350 USD/người và thương mại điện tử trên nền tảng di động sẽ là xu thế tất yếu. Vì thế, không bất ngờ khi nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này”.

Lê Thành

Theo một đại diện dự án Green Bag của Cungmua. com, hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc mua thực phẩm trực tuyến đã là một phần của cuộc sống của người dân và được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả, như Tesco (Malaysia), Redmart (Singapore), CP Fresh Mart (Thái Lan), Sukamart (Indonesia)… Tại Việt Nam thị trường này hiện đang dần “nóng” lên, với nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng, góp phần cải thiện được chất lượng cuộc sống người dân.

Công ty thương mại điện tử Lazada vừa thông báo đã chấp thuận mua lại dịch vụ đi chợ thuê Redmart (Singapore). Các bên liên quan không tiết lộ giá trị thương vụ này nhưng theo một nguồn tin cho biết, Lazada bỏ ra có thể vào khoảng 30 - 40 triệu USD.

Lazada được quản lý bởi tập đoàn (Trung Quốc) do Jack Ma sáng lập và điều hành. Trong tháng Tư vừa rồi, Alibaba đã mua lại Lazada với giá khoảng 1 tỷ USD từ Rocket Internet (Đức). Thỏa thuận khủng này đã giúp Alibaba tiếp cận trực tiếp tới hơn 600 triệu người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, với thương vụ Redmart, Alibaba tiếp tục thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.

Không chỉ Alibaba, Amazon (Mỹ) - đối thủ lớn nhất của tập đoàn này đang lên kế hoạch sớm tiến vào thị trường đông dân này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI