Đi chợ hàng rong

22/05/2017 - 08:00

PNO - Ẩm thực hè phố chưa bao giờ thôi hấp dẫn với người Sài Gòn cũng như khách phương xa ghé lại.

Đi loanh quanh phố, rồi sà vào một góc nào đó, nhâm nhi khi thì trái dừa, khi thì bột chiên, gỏi cuốn, tám đủ chuyện trên trời dưới đất vẫn là một thú vui.

Gần đây, những gánh hàng rong đã được quy về một mối, cùng sẻ chia không gian bán hàng cố định, nhưng nét bụi đời của đường phố Sài Gòn thì chẳng lẫn được vào đâu.

Di cho hang rong
Cô Nguyễn Thị Sáu bán bánh xèo ở phố hàng rong chợ Phạm Văn Hai.

Ẩm thực hè phố 

Chiều tối, khi thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc những gánh hàng rong “cập bến”. Những xe hủ tíu, bún bò, bánh xèo, cá viên chiên, chè, sinh tố… thơm lừng, nóng hổi xếp hàng chờ khách.

Còn thực khách thỏa thuê ngắm phố phường, mua sắm, vừa thưởng thức món ăn đường phố đến căng bụng mà không phải lăn tăn. Nếu ai đi qua khu vực chợ Phạm Văn Hai (P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM) đều sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh buôn bán hàng rong tại đây đều rất ngăn nắp và trật tự.

Đây là khu tập trung hàng rong hợp pháp do chính quyền Q.Tân Bình lập ra để tạo điều kiện cho người dân khó khăn mưu sinh bằng phương thức buôn bán lề đường.

Di cho hang rong

Thực khách yên tâm thưởng thức món ăn đường phố.

 


Thời điểm đông khách và nhộn nhịp nhất tại chợ hàng rong là từ 20g - 22g. Mùi thức ăn thơm nức vấn vương theo dòng người tấp nập.

Sau buổi chiều dạo chợ mua sắm, nhóm bạn Nguyệt Minh (sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) tấp vào hàng bánh xèo gọi món. Ngay lập tức, những ô rau sống tươi non, đĩa bánh xèo vàng ươm, giòn rụm bày ra trước mặt.

Tiếng nói cười của người bán, người mua hòa vào không khí sầm uất của hàng ăn đêm. 

Cô Nguyễn Thị Sáu, người  có thâm niên 20 năm bán bánh xèo ở chợ này tâm sự: “Được cho phép kinh doanh hàng rong, tiểu thương tụi tui mừng ghê lắm. Trước đây, hễ thấy đội trật tự là dọn hàng ù té chạy, đổ bể tùm lum. Tui mong sao nhiều nơi cũng cho phép giống vậy để người lao động yên tâm mưu sinh”.

Di cho hang rong
Những chợ phiên, hàng rong luôn tấp nập khách.


Nói là hàng rong nhưng lại vệ sinh, sạch sẽ. Ăn hàng rong mà có bảo vệ, người trông giữ xe. Từng gánh hàng được bố trí trong khu đất của chợ nhưng sát vỉa hè, để khách đi đường có thể dừng mua mang đi.

Mở xửng xôi đầy sắc màu thơm nức mũi, chị Nguyễn Thị Kim Ánh (31 tuổi) cười tươi rói: “Trước kia tôi bán xôi trên vỉa hè đường Hoàng Sa. Khi ấy vừa bán vừa hồi hộp. Hai tháng trước, nghe khu này có chỗ bán nên tôi xin vô. Thời gian đầu, không còn khách quen nên ế ẩm, nhưng tôi có chỗ cố định bán là vui lắm, từ từ sẽ ổn định”.

Được biết, mức phí mặt bằng áp dụng theo quy định của UBND TP nhưng những người bán ở đây được miễn các loại phí về điện, nước, vệ sinh… cũng như được đào tạo về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban quản lý chợ cũng cung cấp bạt, dù che chắn cho từng gian hàng.

Tới Q.6, từ vòng xoay Phú Lâm, theo tuyến đường Kinh Dương Vương ra bến xe miền Tây, người dân nơi đây quá quen thuộc với con đường nhỏ phía trên đặt tấm bảng đề dòng chữ “Khu phố ẩm thực”.

Đường 10 dẫn vào khu phố hai bên san sát những nhà hàng, quán nhậu với đủ món đặc sản từ hải sản, bò tơ, cơm gà, cháo vịt đến những món ăn bình dân như xôi, chè…

Anh Võ Văn Thành - chủ quán cơm tấm đêm Thành bộc bạch: “Trước đụng đâu bán đó, sau được vận động, tui xin về đây mới được vài tháng. Có nơi chốn ổn định, việc buôn bán cũng tốt hơn, thu nhập khá. Vui nhất là khách hàng hài lòng, ghé nhiều hơn. Thực ra, chúng tôi cũng không muốn lấn chiếm bán vỉa hè, lề đường đâu, nhưng vì không tìm được mặt bằng buôn bán hợp lý nên mới buộc phải thế”.

Lần đầu đến TP.HCM, vợ chồng chị Trần Thị Minh (quê An Giang) thích thú đi dạo nhiều nơi ở các quận trung tâm thành phố. Giữa trưa, anh chị ghé vào khu chợ phiên Sense Market ngầm dưới lòng đất tại công viên 23/9 để thưởng thức các món ăn từ dân dã đến hiện đại.

Chị Minh hào hứng: “Cũng là hàng rong nhưng không còn cảnh vừa ăn vừa lo… chạy. Ăn xong, đi vài bước là đến khu mua sắm, vui chơi. Đến khi nào mệt thì bước lên “mặt đất”, bắt xe buýt về nhà. Thật tiện lợi”.

Sẽ có nhiều chợ hàng rong hơn 

Nói về khu phố ẩm thực, đại diện KP.6, P.13 (Q.6) cho hay, khu này có lâu rồi, lúc đầu chỉ vài chục hộ kinh doanh ăn uống.

Cách nay hơn hai tháng UBND quận 6 quyết định thành lập Khu phố ẩm thực, hiện có đến hơn 200 hộ kinh doanh, đa phần người thuê mặt bằng. Cấp ủy khu phố và Đảng ủy phường vận động đảng viên, nhân dân tự giác, tự quản từng mét vuông lòng đường, vỉa hè và thống nhất giá thuê nhà với mức thấp nhất, bảo đảm vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, có nơi để xe, có bảo vệ giữ an ninh trật tự.

Những tiêu chí trên được từng hộ cam kết thực hiện, nhờ vậy khách đến mỗi ngày một đông và trở thành nét văn hóa đặc thù của một khu chợ văn minh, nghĩa tình…

Theo ông Lê Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, do có rất nhiều hộ gia đình phải dựa vào vỉa hè để kiếm sống nên việc bố trí nơi tập kết cho những người bán hàng rong phù hợp là rất cần thiết.

“Quận kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhưng vẫn tìm các phương án nhằm tạo điều kiện cho người dân kinh doanh phù hợp. Những người bán rong đều có hoàn cảnh khó khăn nên chính quyền cố gắng giúp họ ổn định cuộc sống, không phải dựa vào vỉa hè” - ông Bình giải thích. Hiện, phương án bố trí người bán hàng rong có nơi kinh doanh ổn định đang tiếp tục được UBND quận Tân Bình nghiên cứu, khảo sát địa điểm mới và có thể triển khai ở khu vực chợ Tân Bình và Bàu Cát.

Ngoài Q.Tân Bình, nhiều quận huyện ở TP.HCM đang tìm cách bố trí, sắp xếp cho những người bán hàng rong. Q.10 đang khảo sát các tuyến đường như: Tô Hiến Thành, Bắc Hải, công viên Lê Thị Riêng và một số tuyến đường có vỉa hè rộng trên 6m để tổ chức thí điểm thành các khu phố ẩm thực, phố hàng rong có quy hoạch.

Q.8 cũng sẽ sắp xếp cho những người mua bán lấn chiếm lòng lề đường, mua bán hàng rong vào các chợ trên địa bàn. Q.2 dự kiến sẽ chọn một khu đất khoảng 10.000m2 gần cầu Rạch Chiếc để xây dựng chợ, bố trí người bán hàng rong vào buôn bán.

Trước đó, UBND Q.1 đề xuất ba khu vực thí điểm phố hàng rong gồm: đường Nguyễn Văn Chiêm, công viên Bách Tùng Diệp và đường Chu Mạnh Trinh.

Và thực khách - những kẻ trót mê không khí của những món ăn hè phố vẫn sẽ có chỗ đến nhâm nhi, trò chuyện, rồi rời đi trong nhàn tản thanh bình.

Phúc Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI