Đi chợ giáng sinh

16/12/2019 - 07:07

PNO - Chợ có cây thông lừng lững, có đu quay cao ngất, sân băng cho trai thanh gái lịch vào chơi và dĩ nhiên không thể thiếu những dãy lều gỗ bán đủ thứ, đồ trang trí cây thông, hạt dẻ, hạnh nhân rang ngào với đường và quế...

Đã từ lâu, tôi chẳng còn hào hứng đi chợ Giáng sinh ở xứ này. Nhưng rồi năm nào cũng phải đi, không đi là lòng dạ không yên y như ngày còn ở nhà, tết nhất mà ngoảnh mặt làm ngơ không lên chợ hoa chỗ Hàng Lược vậy. Hoa trước tết đã bán đầu phố cuối phố nhưng mà cứ phải lên đúng chợ hoa xưa dăm ba bận thì mới yên lòng. 

1.
Ở cái xứ góc phố nào cũng có nhà thờ hay tu viện, Giáng sinh với người bản xứ thiêng liêng chẳng khác gì tết cổ truyền với người mình, người bản xứ trọng vọng Giáng sinh có lẽ còn hơn cả năm mới. Người ta tính từng giờ khắc trước đó cả tháng. 

Di cho giang sinh
Đi chợ Giáng sinh, bạn cứ men theo tiếng nhạc và bao nhiêu là sắc màu lóng lánh nơi họp chợ mà tìm tới

Nhà nào con Chúa cũng thửa Adventskranz - cái vòng tết từ lá thông, quả thông trang điểm bằng hoa hồi, chanh hay cam thái lát sấy khô, cắm bốn ngọn nến, mỗi ngọn nến tượng trưng cho thời gian tính theo tuần trước ngày Thiên chúa ra đời. 

Sáng sáng trẻ con ra mở lịch Advent, sung sướng với những món quà nho nhỏ từng ngày, nhiều khi chỉ là một mẩu chocolate be bé. Chiều chiều cả nhà quây quần thắp nến uống trà, ăn bánh ngọt, bánh quy tự làm. Và tối tối, mở ti vi thế nào cũng nghe nhắc còn bao nhiêu ngày nữa thì đến Giáng sinh. Muốn bình thản trước niềm hân hoan thường niên ở nơi mình đang sống cũng khó.

Thế nên là phải đi chợ. Phải ra weihnachtsmarkt (chợ Giáng sinh) ở Berlin (Đức). Chợ mở cả tháng cùng dịp Advent. Chợ to thì cây thông lừng lững, có cả đu quay cao ngất, sân băng cho trai thanh gái lịch vào chơi và dĩ nhiên không thể thiếu những dãy lều gỗ bán đủ thứ, đồ trang trí cây thông, hạt dẻ, hạnh nhân rang ngào với đường và quế...

Di cho giang sinh
 

Không thể thiếu trong chợ Giáng sinh những quầy bán rượu vang nóng thơm đến mức chỉ mới gần tới chợ máu đã như sôi lên rồi. Tôi không biết uống rượu mà vẫn bị kích động trước hương thơm đặc biệt này, ám ảnh chẳng khác gì mùi phở nóng trong những đêm mùa đông Hà Nội cũ.

Trong sâu xa, tôi không thật sự cảm nhận được những vui thú hân hoan, những bùi ngùi êm ái của dân bản địa vào mùa vọng khi đi chợ Giáng sinh, dù đã ở đây hơn hai mươi năm rồi.

Di cho giang sinh
Những món quà lưu niệm ở chợ Giáng Sinh luôn đầy hấp dẫn đối với trẻ con

Một cây thông thơm mùi nhựa mới, những gói quà chuẩn bị từ trước đó hai ba tuần, bữa cơm đêm Noel, thế là đủ để bận bịu và hứng thú với nỗi kinh ngạc là sao ở Việt Nam giờ bà con mình thích cái mùa này thế, nóng thiu thịt mà còn thuê người đóng bộ lụa cùng lông làm từ bông nhân tạo trắng trắng đỏ đỏ để thành ông già tuyết đi làm dịch vụ tặng quà cho trẻ con.  

2.
Ở đây, mùa Giáng sinh khắp nơi đều mở chợ. Không thể đi hết được nhưng người ta vẫn thèm đi. Có những chợ Giáng sinh nổi tiếng ở Đức, trong đời cũng nên đến ít nhất một lần như chợ ở Nürnberg, Nuremberg...

Di cho giang sinh
Lạc bước vào đây, du khách luôn bị lôi cuốn đến độ... quên lối về

Nhà không phải là có đạo, đi chợ Giáng sinh nơi này không cốt phải mang theo tình yêu Thiên chúa mà cốt là tận hưởng. Cái lạnh tê người có cảm giác như tan dần khi ta men theo tiếng nhạc và bao nhiêu là sắc màu lóng lánh nơi họp chợ mà tìm tới. Hoặc đơn giản hơn nữa, hãy ngẩng nhìn trời: ở gần như mọi weihnachtsmarkt người ta đều dựng một bánh xe quay khổng lồ trang hoàng vô cùng rực rỡ.

Tôi sợ độ cao nên chưa bao giờ dám trèo lên đó nhưng con tôi lại hào hứng lắm vì cái lạnh thít người giữa bầu trời chi chít sao đêm, vì cảm giác bình an khi nhìn xuống trần thế lấp lánh ánh sáng không phải của trời mà là của người. 

Di cho giang sinh
Ở châu Âu mùa Giáng sinh, nơi nơi đều mở chợ

Mà thật ra thì weihnachtsmarkt có gì đâu. Chỉ là dãy lều dựng bằng gỗ thông hay vải trắng, mỗi lều là một quán bán hàng quây lấy chỗ dựng cây thông to kềnh. Quán bán đồ trang trí cây thông, cửa, phòng ốc... nhân dịp noel, sản xuất từ gỗ, vải, thủy tinh. Quán bán toàn kẹo bánh làm thủ công.

Người thích cây kẹo bông trắng trắng hồng hồng, người thích quả táo đỏ nhúng vào caramel rồi cắm vào cái que để vừa đi vừa mút, tận hưởng hương vị ngọt ngào của tuổi thơ. Tôi nhìn hình thù quá khổ của mình rồi cũng chẳng thèm ngần ngại nữa, ghé vào mua mấy bồ đài hạt hạnh nhân, hạt dẻ các loại rang tẩm đường với quế, giòn tan, ngòn ngọt, thơm, bùi.

Di cho giang sinh
Chợ Giáng sinh là điểm hẹn yêu thích của người châu Âu vào dịp cuối năm

Đi chán, đói, thì làm một đĩa xúp nấm vừa béo vừa thơm hay chiếc xúc xích nướng lửa than kẹp trong cái bánh mì nho nhỏ. Đứng ăn trong ánh sáng ấm áp hắt ra từ muôn vàn bóng đèn màu giăng mắc nơi lều quán, trên cây thông cao dựng giữa chợ và từ những đôi mắt của bao nhiêu người đi chợ như mình; hít không khí tươi sạch, lạnh buốt cùng mùi Glühwein, rượu vang nóng đặc biệt dùng trong dịp này, quả khó có gì thú vị bằng.

Tôi thì một giọt rượu cũng đủ làm lảo đảo quên đường về nên bao năm ở xứ này chưa một lần dám thử rượu vang nóng. Ai cũng tiếc hộ. Chả sao, không dám liều chiều miệng thì mũi thỏa thuê với mùi thơm, rất quen và rất lạ.

Di cho giang sinh
 

Quen, vì Glühwein thơm như nước quả lên men pha cùng bột quế, thứ hương liệu tuần nào tôi cũng dùng để thả vào nồi nước phở. Lạ, vì mùi thơm ấy như được cô đặc rồi lại làm tan chảy, chỉ thật sự lên đến tận cùng hương trong khí lạnh đầu đông nơi này. Thẩm mùi hương rượu nóng mà có cảm giác như không khí đang rung lên những giọt âm thanh trong veo của băng giá, của chuông nhà thờ xa gần trên từng góc phố.

Con tôi đi khắp chợ Giáng sinh họp ngay trước cung hòa nhạc, ở khoảng giữa hai nhà thờ lớn trên đại lộ đẹp nhất của Berlin, nhí nhách ăn hết một bồ đài hạt hạnh nhân vừa thơm vừa ngọt vừa bùi rồi giật giật tay mẹ bảo đi. Đi đâu? Đi chợ khác!

3.
Chỉ mới vài năm trước, ngay trung tâm Berlin, nơi hằng năm chợ Giáng sinh được mở, nơi tôi lang thang tới tận nửa buổi chiều lùng sục quà cho con và chỉ mấy tiếng sau đã xảy ra thảm họa. Một kẻ khủng bố lao nguyên một chiếc xe tải vào chợ, nghiến nát mười mấy cuộc đời.

Di cho giang sinh
 

Vụ thảm sát xảy ra ngay sát nhà thờ Tưởng niệm mà người Việt thường gọi là nhà thờ Cụt đầu - một di tích lịch sử của người Đức. Nơi ấy bảy mươi năm trước bom của quân đội đồng minh đổ xuống, ngôi nhà thờ lớn chỉ còn lại một góc nhỏ, tháp chuông bị phạt cụt và người Đức giữ nguyên trạng để nhìn vào mà nhớ giá của chiến tranh.

Nhưng chợ giáng sinh không vỡ.

Chợ vẫn họp, được quây lại bằng hai lớp tường bê tông đúc cao tới nửa thân người, để phòng tránh những kẻ ác với niềm tin điên khùng của chúng. 

Chợ vẫn đông và thơm, rực rỡ khi đêm xuống. 

Ban đêm, ngôi sao Bethlehem trên ngọn cây thông cao vút dựng giữa chợ càng lấp lánh.

Di cho giang sinh
Thế giới cổ tích lung linh trong các phiên chợ mùa Noel

Chỉ có điều cửa chợ không mở tự do như trước. Ngày xưa, thường chỉ có dăm ba cảnh sát đứng quanh một hai chiếc xe, cốt giữ trật tự. Giờ, nhiều cảnh sát đặc nhiệm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu song gương mặt vô cùng tươi tắn, canh từ cửa chợ canh vào. Họ không làm ta sợ mà yên tâm. 

Và giữa chợ là một trái tim tạo thành từ vô vàn ngọn nến, soi sáng gương mặt trong mười mấy tấm ảnh của những người đã chết trong vụ khủng bố, cùng những lời thương tiếc, nguyện cầu.

Cái ác không làm ai ở đất này sợ mà chỉ làm người ta bàng hoàng.

Ăn hết gói hạnh nhân, con tôi phăm phăm kéo cha mẹ đi tiếp. Bọn trẻ con lúc nào cũng bị những cái lấp lánh làm cho mê đắm. Thôi thì đây cũng là những khoảnh khắc ký ức đẹp sẽ theo chúng suốt quãng đời sau này.

Ra khỏi cổng chợ, dừng chân hỏi đường một nhân viên giữ trật tự, tôi bắt gặp gần đó một cặp vợ chồng đang đứng xem chỉ dẫn ở chỗ dừng xe bus. Người vợ mặc trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo, che mặt kín mít, chỗ dành cho đôi mắt chỉ là một khoảng nhỏ vải rút sợi, bí hiểm như những đồi cát sa mạc có thể di chuyển vì cuồng phong.

Họ cũng là di dân như tôi. Họ có thích đi chợ Giáng sinh như người bản địa bao đời? Và họ, trong phục trang rất truyền thống ấy, liệu có được đón nhận thật sự nơi vô cùng cởi mở này? Câu hỏi bất chợt cuộn lên không có lời giải đáp. 

Bài và ảnh: Lê Minh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI