Thư em gửi cho Hạnh Dung đã lâu, từ khi bạn em mới về nhà chồng. Em bức xúc sao bạn cứ phải chui đầu vào cái thòng lọng đó. Hạnh Dung chẳng thể trả lời được câu hỏi này, bởi đó là chuyện của bạn em.
|
Ảnh minh họa. |
Em lại mới gửi cho Hạnh Dung một thư nữa, về chuyện bạn em như đã biến mất. Cái người em gặp bây giờ chẳng phải là bạn em nữa, chỉ là một bà đi chợ. Hôn nhân biến đổi con người nhanh vậy sao?
Em hỏi, làm thế nào mà những người phụ nữ lại có thể ở yên trong cái khuôn chật hẹp của những nghĩa vụ và bổn phận. Họ thừa sức nhưng sao họ không đạp một cái cho nó vỡ tung mà thoát ra?
Một cô nàng vốn xinh đẹp, điệu đà, từng dám bỏ nửa tháng lương cho một thỏi son, dù biết nửa tháng lương còn lại chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mà vẫn cười nhẹ hều, bất chấp.
Làm thế nào mà chỉ mới lấy chồng hơn năm, nàng đã biến thành một cô vợ hết giờ làm là chạy ngay về đi chợ, chắt bóp lo bữa ăn, lo từng cái áo, đôi vớ, thậm chí cả đồ lót xịn cho chồng; còn mình thì cam tâm khoác lên người bộ đồ bộ hàng chợ?
Chợt nhìn lại mình và những người đàn bà có gia đình khác, Hạnh Dung thấy đúng là bà nào cũng có… quán tính đi chợ. Ra chợ đi em. Rồi em sẽ hiểu niềm vui mua được món đồ rẻ hơn trong siêu thị! Nói nghe có vẻ quá tầm thường, nhưng ai đi chợ đôi lần mới hiểu được niềm vui đó.
Ra chợ, trả giá và mua đúng giá được một món gì đó, em sẽ thấy rất… sướng, thấy mình như trưởng thành, biết người biết ta, biết giá cuộc đời, không bị ai lừa nữa! Em sẽ nói ôi đàn bà là vậy đó, tẳn mẳn từng đồng, không để ai lừa mình một cắc, dồn tất cả cái thông thái từng ngày lại đó, cho một thằng nó lừa mình cả cuộc đời! Không sao, có giá mới bị lừa, ra chợ riết rồi cũng giúp mình biết giá của mình chứ em.
|
Ảnh minh họa. |
Phải ra chợ để thấy mình có tảo tần một chút thì đã nhằm nhò gì so với những người đàn bà lam lũ ở chợ. Cực khổ vậy mà có ai buông mối dây đàn bà của họ đâu. Em có để ý đôi găng tay hở ngón của chị bán rau?
Chẳng biết ngày trước nó màu gì, chỉ thấy nó đen bầm vì nhựa của hàng trăm loại rau củ. Chị ta chăm mang găng lắm, thi thoảng mới lột đôi găng ra, lật bàn tay âu yếm ngắm nhìn. Là vì bàn tay ấy vẫn còn đẹp, vẫn được gìn giữ mượt mà hết mức có thể.
Em thấy cái áo khoác dày trình trịch của chị bán thịt, trời nắng vậy mà mình chui vô cái áo đó chắc chết ngộp. Bao nhiêu vụn mỡ thịt, huyết heo… đã văng vào chiếc áo ấy. Cứ đi chợ vài lần, em sẽ thấy chị đổi áo, chứng tỏ không phải chị chỉ có một cái áo mặc mãi.
Một lần, đứng ở hàng bên cạnh, nghe được câu chuyện qua lại lúc rảnh rỗi, chị than quên áo có nửa buổi chợ mà cánh tay quầng đỏ quầng trắng, nắng gì mà nắng ghê, may mà có cái áo này mới đỡ đen da…
Đó, em thấy không, ai cũng gắng giữ lấy mình mà sống. Từng bài học thực tế ngấm vào mình theo mỗi buổi chợ. Ai ngửa mặt lên trời được mãi? Liệu khi mình rơi vào vị trí của chị bán thịt, mình có còn ý chí để giữ da, để thay chiếc áo bảo hộ mỗi ngày nữa không?
Đi chợ mà học lấy cái khôn. Bao nhiêu nặng nhẹ ở đời, bước chân ra chợ là thấy hết. Có người đi chợ cả buổi trời chỉ mua miếng cá, mớ rau, còn thì cầm lên đặt xuống mà những người đàn bà bán hàng vẫn vui vẻ.
Đúng là phải chiều khách, phải xởi lởi với người mua; nhưng cái sự niềm nở, xởi lởi trong phòng máy lạnh thơm tho mát mẻ có khi mình cũng chưa làm được, huống hồ là giữa chợ, tứ bề hầm hập mùi, người tới lui ồn ã. Cái xởi lởi, vui vẻ ấy phải bản lĩnh lắm mới có được: bản lĩnh thích nghi, bản lĩnh vượt qua hoàn cảnh, bản lĩnh kiềm chế cảm xúc...
Làm thế nào không than thân trách phận, không đố kỵ hẹp hòi, luôn nở được nụ cười tươi, luôn cất được lời chào hỏi khách quen, chịu khó đáp ứng mọi yêu cầu của khách? Nghĩa vụ cả! Nhưng khi đã vui vẻ hoàn thành được từng ấy nghĩa vụ với người dưng, thì một chút vui vẻ, xởi lởi với chồng con lẽ nào mình tiếc? Đi chợ để biết mình mua đắt mua hớ mua lầm là mình dở, cái dở đó chồng con mình phải chịu.
Đi chợ rồi em sẽ thấy, ra tiệm ăn trả mấy trăm ngàn đồng là mình phí phạm, mình dại, tốn gấp mấy lần tiền mà chẳng qua chỉ được cái chỗ ngồi tươm tất hơn ở nhà, có người bưng người dọn, có hoa lá trang trí màu mè trên đĩa chén mà thôi. Những thứ đó mình thừa sức làm được hết, nếu mình đi chợ!
Những nghĩa vụ đàn bà thực ra đã được tạo hóa chia từng thành gói, nho nhỏ, từng ngày. Mở gói này không ưng ý lắm, người ta nghĩ còn có cái khác, lúc khác. Đừng đem tất cả mà dồn thành một, khái quát lên, đóng thành cái khuôn bổn phận, cái xiềng nghĩa vụ, chỉ khổ mình thêm thôi. Cứ như người đi từng buổi chợ, mà học cách trả giá, cách mua đúng giá cuộc đời này…
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi theo địa chỉ:
hanhdungonline@baophunu.org.vn