Di chỉ khảo cổ 3.000 năm tuổi bị xâm hại: Dân cầu cứu nhà khoa học, nhà khoa học kêu... trên Facebook

21/03/2019 - 06:00

PNO - Trong lúc chờ đánh giá, chờ bảo vệ, toàn bộ Vườn Chuối đã nằm trong diện tích đất được giao để xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và không ít lần bị xâm hại, đứng trước nguy cơ xóa sổ

Ngày 18/3, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản - kêu cứu trên Facebook cá nhân: “Khẩn cấp cứu di chỉ Vườn Chuối. Cần có quyết định khẩn cấp. Hãy cho khai quật khẩn cấp trước khi san ủi làm đường, trước khi mất hết di tích 3.000 năm tuổi”.

Được biết, kể từ khi được phát hiện vào năm 1969 đến nay, di chỉ khảo cổ có một không hai này của Hà Nội vẫn chưa được xếp hạng di tích, từng suýt bị xóa sổ mấy lần, dù nhiều nhà khoa học đã khẳng định giá trị của nó.

Di chi khao co 3.000 nam tuoi bi xam hai: Dan cau cuu nha khoa hoc, nha khoa hoc keu... tren Facebook
Người dân phản ảnh, đơn vị thi công san ủi một phần đất của di chỉ Vườn Chuối

Cái thở dài của nhà khoa học

Nói về di chỉ Vườn Chuối ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Văn Huy lại thở dài, vì đây không phải lần đầu di chỉ này “kêu cứu”: “Tôi cũng không biết nên nói sao, chỉ biết rằng việc bảo vệ đã bức thiết lắm rồi, chúng ta không được phép thờ ơ, bàng quan nữa. Đây là di chỉ khảo cổ học có niên đại và giá trị về văn hóa - lịch sử vô cùng quý hiếm, có thể nói độc nhất vô nhị của Hà Nội. Dù chưa được xếp hạng thì vẫn cần được quan tâm, bảo vệ, giữ gìn. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa phải thực hiện nhanh, nghiêm túc việc đánh giá. Nếu không làm sớm, khi sự đã rồi, muốn cứu cũng không còn cơ hội”.

Vườn Chuối rộng 19.000m2, được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện năm 1969, nằm trên cánh đồng thôn Lai Xá, cùng với Gò Chùa Gio, Gò Chiền Vậy, Gò Rền Rắn... tạo thành phức hợp di tích giai đoạn Tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Nhiều nhà khoa học đánh giá, đây là nơi cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt rất sớm của con người trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử.

Đến nay, Vườn Chuối đã trải qua 8 đợt khai quật, phát lộ nhiều hiện vật cũng như mộ táng và cũng không đếm xuể số tọa đàm, hội thảo, hội nghị được mở ra nhằm tìm giải pháp cho di chỉ người Việt cổ đầu tiên ở Hà Nội này. Gần đây nhất, tháng 7/2018, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối”. Thế nhưng, có vẻ, nửa thế kỷ vẫn chưa đủ thời gian để các cơ quan quản lý văn hóa đánh giá hết giá trị cũng như tính được phương án bảo tồn vùng lõi văn hóa đặc biệt này.

Trong lúc chờ đánh giá, chờ bảo vệ, toàn bộ Vườn Chuối đã nằm trong diện tích đất được giao để xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và không ít lần bị xâm hại, đứng trước nguy cơ xóa sổ; chưa kể tình trạng “chảy máu” hiện vật diễn ra suốt nhiều năm qua. Đầu năm nay, người dân tìm thấy một hiện vật bằng đồng, đúc rỗng, cỡ 5-7cm, có nhiều hoa văn trang trí xung quanh, bên cạnh hố đào trộm. Mấy ngày trước, đơn vị thi công vành đai 3,5 đã san ủi một phần đất được cho là đất di chỉ Vườn Chuối.

Di chi khao co 3.000 nam tuoi bi xam hai: Dan cau cuu nha khoa hoc, nha khoa hoc keu... tren Facebook
 

Trước sự im lặng từ cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Thắng - nguyên Trưởng thôn Lai Xá, chỉ còn biết cầu cứu PGS-TS Nguyễn Văn Huy. Ông nói: “Dân Lai Xá chỉ đề nghị các cơ quan chức năng cùng đơn vị thi công vành đai này xác định cụ thể ranh giới khu di chỉ rồi hãy tiếp tục thi công, để bảo tồn Vườn Chuối”. PGS-TS Huy thì lại chỉ biết kêu cứu trên Facebook, mong dư luận chung tay bảo vệ di chỉ được ví như “làng Việt cổ dưới lòng đất” này.

Đơn vị quản lý văn hóa nói “chưa vào”, dân nói “vào rồi” (?!)

Trả lời trên báo, ông Đỗ Doãn Văn - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội - cho biết, “con đường chưa làm tới đây và cũng chưa có kế hoạch cụ thể về làm đường qua di chỉ”. Nhưng ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Đó là các ông ấy nói thế. Các ông ở xa, không về kiểm tra thì làm sao biết được”. Ông Thắng nói thêm, mới đây, đơn vị thi công còn vận động, thúc ép người dân giải phóng nốt mặt bằng, di chuyển mộ chí để tiến hành thi công. Theo đó, con đường vành đai này sẽ đi từ khu đô thị An Khánh rồi cắt qua khu Kim Chung - Di Trạch, cắt ngang di chỉ. Điều đáng nói là, theo ông Thắng, lợi dụng việc làm đường, một số đơn vị tư nhân đã đổ phế thải vào Vườn Chuối.

Tạm chưa bàn chuyện đơn vị thi công đã xâm phạm di chỉ hay chưa. Câu hỏi là vì sao một di chỉ khảo cổ quan trọng như vậy mà từ ngày được phát hiện đến nay, đã nửa thế kỷ, vẫn chưa được đưa vào danh mục bảo vệ, bảo tồn. PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, “dù đã có văn bản chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội hồi đầu năm ngoái, các cơ quan quản lý văn hóa, cụ thể là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội… đã không quan tâm đầy đủ, thiếu nghiêm túc, không làm hết trách nhiệm trong việc quản lý văn hóa trên địa bàn”. “Nghe nói, các vị ấy cũng đang xây dựng đề án để tổ chức khai quật, nhưng tốc độ làm việc và giải quyết vấn đề như vậy là quá chậm. Cứ đủng đỉnh thế, làm sao mà giữ được di sản” - ông Huy nhận định.

Chiều 18/3, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã duyệt kế hoạch xin khai quật khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối. Nghĩa là sau 50 năm, với nhiều cuộc hội thảo tốn không ít bút mực của giới nghiên cứu và sức ép từ báo chí, dư luận, kế hoạch khai quật “làng Việt cổ dưới lòng đất” mới được… trình xin phép thực hiện một cách chính thức. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI