Đi bộ 50km khám phá Sài Gòn

13/11/2023 - 18:38

PNO - Nếu được đi bộ 50 km vòng quanh Sài Gòn thì bạn đi đâu? Hào Sĩ Phường, Thương xá Đồng Khánh, Hội quán Nhị Phủ, và đâu nữa?

Một phần ba hành trình cuốc bộ của tôi diễn ra dưới mưa lớn, chân đi cà nhắc, nhưng cuối cùng tôi vẫn đạt mục tiêu và được thưởng thức một lon bia siêu lạnh vào cuối ngày.

Mặt trời lúc 6h sáng
Mặt trời lúc 6h sáng

Tôi không sinh ra ở Sài Gòn nhưng đã dành hơn 20 năm thanh xuân tại đây. Dù có khá nhiều nơi để gọi là quê, nhưng mỗi lần đi đâu, tận khi chạm ngõ Sài Gòn hay đáp xuống Tân Sơn Nhất, tôi mới có cảm giác được về nhà.

Hôm Chủ Nhật cuối cùng của tháng 10/2023, tôi quyết định thực hiện một chuyến đi bộ 50 km để tham gia một cuộc chạy bộ trực tuyến với ý nghĩa thiện nguyện. Thay vì chạy bộ trên máy hay đi lòng vòng trong nhà như thời COVID-19, lần này tôi quyết định đi một vòng Sài Gòn, qua những địa điểm nổi bật của thành phố.

Đặt chân lên Sài Gòn từ thời sinh viên, đến nay tôi vẫn yêu những hàng cây xanh mát, những hàng quán vỉa hè, vẻ hối hả của xe cộ vào thời điểm sáng sớm hay lúc tan tầm. Việc tản bộ một vòng thành phố giúp tôi quan sát được tốt nhất những thứ tôi yêu thương.

Từ nhà tôi ở Tân Phú muốn ra Quận 1 phải qua Đầm Sen. Sáng sớm nện giày trên đường Hoà Bình, vừa tản bộ vừa hít mùi sườn nướng thơm phức, nghe tiếng chim hót líu lo gần vòng xoay với Lạc Long Quân, xen với tiếng động cơ xe hối hả qua lại.

Từ đây tôi đi bộ ra hướng Ba Tháng Hai, ngắm hàng cây ở Nguyễn Tri Phương, rồi đi Nguyễn Đình Chiểu và ghé Hồ Con Rùa. Sáng đó định ăn món bánh cuốn rất “cuốn” trong hẻm sát Hồ Con Rùa nhưng quán nghỉ, thế là cuốc bộ trở lại đường Cao Thắng ăn bánh mì Hoà Mã.

Hàng cây dầu đường Nguyễn Tri Phương trong nắng sớm
Hàng cây dầu đường Nguyễn Tri Phương trong nắng sớm
 e e
Bánh mì chảo, một món "rất Sài Gòn"
cà phê vợt Cheo Leo - nghe nói ra đời từ năm 1938, một trong những quán lâu đời nhất Sài Gòn
Tôi mua ly cà phê vợt Cheo Leo - một nhãn cà phê lâu đời ở Sài Gòn

Sau khi làm một suất bánh mì dĩa, tôi dạo qua cà phê vợt Cheo Leo - nghe nói ra đời từ năm 1938, một trong những quán lâu đời nhất Sài Gòn. Tôi gọi một ly như thường lệ để nhấm nháp trên đường.

Lúc này chiếc đồng hồ Apple Watch Ultra 2 đã chỉ tới km thứ 13 rồi. Từ đây, tôi đi ra Thương xá Đồng Khánh (hay được gọi bằng một cái tên rất Hong Kong: chợ vải Soái Kình Lâm). 

Thương xá Đồng Khánh đã trước mắt tôi
Thương xá Đồng Khánh đã trước mắt tôi

Thương xá Đồng Khánh vào sáng sớm nhộn nhịp, nhưng tôi thích nơi này vào chiều tà hơn. Vào buổi chiều, nơi này vắng vẻ, yên tĩnh, rất hợp ngồi nhâm nhi ly cà phê nhìn nắng chiếu xiên vào bức tường đã cũ của khu chợ.

Từ đây tôi vòng lại về Quận 1. Trên đường về, tôi ghé Hội quán Nhị Phủ, một khu di tích cấp quốc gia được người Hoa gốc Phúc Kiến lập ra từ đầu thế kỷ 18. Đây vốn là nơi gặp gỡ, cúng bái, giữ gìn tập tục của người Phúc Kiến khi sang định cư tại Chợ Lớn, đã được xây dựng gần 300 năm, qua 3 lần trung tu lớn.

 asasas
Hội quán Nhị Phủ ở Chợ Lớn
Hào Sĩ Phường - con hẻm hơn trăm năm đã là một phần của Sài Gòn
Hào Sĩ Phường - con hẻm hơn trăm năm tuổi đã là một phần của Sài Gòn

Tôi tiếp tục đi về Đại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm TPHCM (nay là Đại học Sài Gòn). Hồi còn sinh viên ĐH Sư phạm, tôi vẫn hay đi từ trường, băng qua Cao đẳng Sư phạm cổ kính, mát mẻ, để ra hướng Nguyễn Biểu đi về nhà trọ. Toà nhà Đại học Sài Gòn xây dựng năm 1908, là trường trung học đầu tiên của người Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Đây có thể xem là ngôi trường đại học đẹp và cổ kính nhất tại TP.HCM.

Tới đây, tôi đã đi được 21km. Trời nắng hơn, hành trình khó khăn hơn.

Để tránh cái nóng, tôi đi về hướng Quận 1. Những lần đi bộ đường dài trước đây, giữa trưa nắng tôi hay xoay vòng những con đường quanh Dinh Thống Nhất, đường Nguyễn Du, Sương Nguyệt Anh… đều là những nơi có các hàng cổ thụ cao to toả bóng mát.

Con đường quanh Dinh Thống Nhất rất mát mẻ
Con đường quanh Dinh Thống Nhất rất mát mẻ

Sau khi dừng ăn trưa chớp nhoáng với món bún Thái ở 7 Eleven Nguyễn Du, tôi tiếp tục hành trình chinh phục 50km. Lúc này cơ thể bắt đầu biểu tình, do đó tôi chọn đi theo một cung đường nhất định, không đi theo cảm hứng nữa. 

Trước đây, khi cùng nhóm anh chị em chạy 30km vào giữa đêm, chúng tôi đã vẽ một quãng đường 10 km từ Dinh Thống Nhất ra Sở thú, về phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Lần này, do cơ thể khá mệt, tôi quyết định cứ đi theo lộ trình này vì chỉ việc cắm cúi đi mãi sẽ hoàn thành. Thời điểm này, chỉ mong cơ thể đủ dẻo dai đi tiếp, không có hứng thưởng thức cà phê hay cảnh đẹp như sáng sớm.

Trời đổ mưa lớn vào quãng 2 giờ chiều. Ai từng tham gia các hoạt động sức bền ngoài trời sẽ cực kỳ thích những cơn mưa ban trưa, giúp làm dịu cơ thể, đỡ mất sức. Tôi đi bộ dưới mưa lớn, sau đó mưa tạnh dần nhưng vẫn kéo dài những giọt lâm râm cho đến cuối hành trình, tầm hơn 5 giờ chiều.

Cơn mưa ban trưa giúp làm dịu cơ thể tôi
Cơn mưa ban trưa giúp làm dịu cơ thể tôi

Đi bộ trong mưa, giẫm chân lên những vùng nước đọng, nhìn những chiếc lá me bám sát trên đường Đồng Khởi, ngắm người hối hả ngược xuôi, luôn mang lại cho tôi cảm giác đang được sống.

Khi đi hơn 40km, đầu gối trái bắt đầu đau nhẹ. Kể từ đó, đôi chân cà nhắc, khập khiễng đi qua các con đường trung tâm, đón nhận ánh nhìn từ rất nhiều người đi đường. Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, cảm giác đau giảm xuống do được đi trên nền gạch bằng phẳng. Khi vòng về Nhà thờ Đức Bà, thi thoảng tôi lại nghiến răng vì phải nhấc chân qua những bậc thềm, vốn chả ai nhận ra nếu đi bằng đôi chân khoẻ mạnh.

Dù vậy, đến cuối cùng tôi vẫn hoàn thành đi bộ 50 km vào khoảng hơn 5 giờ chiều.

Để ngắm được Sài Gòn trọn vẹn nhất, tôi thường đi bộ hoặc đạp xe. Khi di chuyển với tốc độ chậm như vậy, tôi thường quan sát được kỹ càng từng hàng cây, từng góc phố, thậm chí sẽ cảm nhận được rõ ràng từng con dốc, chiếc cầu. Khi đi bộ, tôi còn nhìn rõ từng viên gạch, từng hoạ tiết trên vỉa hè những con đường lâu đời ở trung tâm.

Đi bộ, tôi được ngắm rõ từng viên đá lát đường
Đi bộ, tôi được ngắm rõ từng viên đá lát đường

Sau chuyến đi của tôi, một số anh em bạn bè mong ngóng được tham gia cùng tôi trong những hành trình tương tự. Có lẽ chúng tôi sẽ thực hiện một vài chuyến như vậy nữa, để được khám phá Sài Gòn theo cách khác, và yêu thành phố nhiều hơn.

Bài và ảnh: Hải Đăng

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI