ĐH Thi đua yêu nước lần thứ IX: Ấn tượng những gương mặt điển hình

07/12/2015 - 07:20

PNO - Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (diễn ra từ 6 - 7/12) là nơi hội tụ, biểu dương và tôn vinh các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu...

Chiều ngày 6/12, trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, các gương mặt điển hình của phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, quốc phòng... đã có cuộc giao lưu với 2.000 đại biểu tham dự đại hội.

Câu chuyện của ThS-BS Bùi Đình Lĩnh - người gắn bó cả một thời tuổi trẻ với huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) khiến cả hội trường rưng rưng. Tình nguyện ra đảo năm 1984, BS Bùi Đình Lĩnh đã cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh khó mà trước đó không ít người dân trên đảo phải bỏ mạng.

Đam mê công việc, ông cũng không biết từ khi nào, Phú Quý trở thành quê hương thứ hai của mình. Vì thế, năm 1989, BS Lĩnh đã từ chối quyết định về đất liền để tiếp tục ở lại mảnh đất này.

“Điều khiến tôi ân hận nhất tới nay là khi cha mẹ qua đời, tôi đều không về kịp”, ông Lĩnh xúc động. Con gái của ông Lĩnh không muốn nhắc lại quá khứ buồn bởi tuổi thơ là những chuỗi ngày vắng cha biền biệt.

Có lần, bố về, em hồn nhiên về khoe mẹ được... người lạ cho bánh. Hai bố con thường liên lạc qua thư nên như một thói quen, cứ 1g trưa, cô bé lại ra ban công để ngóng bác bưu tá. BS Bùi Đình Lĩnh thừa nhận, bản thân mình đã may mắn khi có được người vợ “trung hậu, đảm đang” và cô con gái biết thông cảm để ông vượt qua được những khó khăn trong hơn 30 năm sống xa nhà.

DH Thi dua yeu nuoc lan thu IX: An tuong nhung guong mat dien hinh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Cờ thi đua của chính phủ cho đơn vị xuất sắc trong phong trào Thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Cô giáo Nguyễn Thị Thông (nguyên hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Lộc 2, Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) để lại ấn tượng trong buổi giao lưu với phát ngôn: “Nghỉ hưu là kết thúc một công việc để thực hiện một công việc mới”.

Từ năm 2001, dù mang trong mình căn bệnh thận mạn tính và phải chăm người chị mù lòa, cô vẫn đi tới từng thôn để tổ chức lớp dạy miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, người lớn mù chữ để giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Lớp học của cô Thông là khoảnh sân nhỏ trước nhà. Không có bảng, cô gỡ cửa ra để viết. Học sinh thiếu dụng cụ học tập, cô trích lương hưu của mình để hỗ trợ. Năm 2007, cô Thông bị tai nạn nhưng vẫn không nghỉ dạy, bởi cô biết, chỉ cần “ngơi” ra, lớp học sẽ tan rã. “Nhìn thấy chị Xuân, một phụ nữ mù chữ trong thôn hét lên khi viết được chữ A, tôi càng thấu hiểu niềm vui sướng của người biết chữ đến nhường nào”, cô giáo Nguyễn Thị Thông chia sẻ.

Đại diện trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn mang theo mô hình của chiếc máy thu gom, chế biến rơm đã mang lại hiệu quả cao cho người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Từ thực tế của đồng ruộng, nơi sử dụng phương pháp thu hoạch lạc hậu và các máy móc hiện đại nhập về từ nước ngoài bộc lộ nhiều hạn chế, vị “kỹ sư nông dân” đã chế tạo chiếc máy thu gom rơm chính xác, đặc biệt có thể chạy ở mọi địa hình. Sử dụng công nghệ này, sản phẩm rơm của đồng bằng sông Cửu Long hiện đã xuất khẩu sang 31 thị trường nước ngoài và đã nhận được đơn hàng lên tới 220 tấn mỗi năm từ Nhật Bản.

Ngoài ra, trong chương trình giao lưu còn có các gương mặt như Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - điển hình trong lĩnh vực an ninh; ông Lê Văn Xê, chủ trang trại Phương Uyên (Bình Dương) - điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; ông Lê Đức Thịnh - Hiệp sĩ đại thánh giá, điển hình chức sắc tôn giáo và gia đình của nữ vận động viên Ánh Viên, điển hình trong lĩnh vực thể thao.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI