ĐH Kinh tế Quốc dân tăng học phí "khủng": Ngành hot, dễ xin việc thì học phí phải cao

20/07/2016 - 16:02

PNO - Sáng nay (20/7), báo Phụ nữ TP HCM đã có buổi làm việc với PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân về vấn đề tăng học phí.

Thực hiện đúng quy định

Liên quan đến vấn đề học phí tại Đại học Kinh tế Quốc dân tăng ở mức "khủng" khiến nhiều sinh viên "dọa bỏ học", sáng 20/7, báo Phụ nữ TP HCM đã có buổi làm việc với PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân về thông tin này.

DH Kinh te Quoc dan tang hoc phi
PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân (phía bên phải).

Ông Chương cho biết, việc xây dựng lộ trình học phí của trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuân thủ theo đúng các văn bản pháp luật hiện hành.

"Thứ nhất, căn cứ vào quyết định 368 của CP ngày 17/3/2015 phê duyệt đề án thí điểm cơ chế tự chủ - đổi mới cơ chế hoạt động của của trường  ĐH Kinh tế Quốc dân, trong đó có lộ trình của các mức học phí.

Thứ hai, ngay sau đó, Nghị định 86 ngày 2/10/2015 quy định mức trần học phí đối với những cơ sở giáo dục đào tạo đại học tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư đối với các trường như Kinh tế Quốc dân. Tức là toàn bộ chi phí đầu tư và khoản chi thường xuyên Nhà trường phải tự lo liệu. Nguồn đó nhà trường phải lấy từ hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và các nguồn khác của nhà trường. Nghị định 86 cho phép mức trần học phí cao hơn rất nhiều so với mức nhà trường đã xây dựng và đang thực hiện", ông Chương cho biết.

Theo lãnh đạo trường ĐK Kinh tế Quốc dân, việc tăng học phí như hiện tại, nhà trường đã làm đúng những gì nhà trường cam kết và đúng với những văn bản pháp luật.

Khi xây dựng lộ trình học phí, trường Kinh tế Quốc dân đã thành lập tổ công tác và mức học phí này được xây dựng trên cơ sở cân đối chi phí đào tạo, lấy thu bù chi và có một phần tích lũy phát triển.

"Mặc dù cơ sở lộ trình được xây dựng như vậy nhưng chúng tôi luôn tâm niệm làm sao để có mức học phí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước, thu nhập của gia đình sinh viên cũng như đảm bảo các mục tiêu của Nhà trường" - Đại diện nhà trường nói.

Ngành "hot" dễ xin việc thì học phí phải cao

Lãnh đạo nhà trường cũng cho biết, học phí của ĐH Kinh tế Quốc dân cao nhưng chưa phải cao nhất so với những trường ĐH công lập khác, mặc dù đây là trường ĐH hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kinh tế.

Theo đó, nhà trường đã phân ra các nhóm ngành cụ thể để xem xét, tính toán mức thu học phí cho phù hợp. "Các nhóm ngành xã hội hóa thấp, ít người học mà nền kinh tế vẫn cần ví dụ như thống kê, toán kinh tế... thì mức học phí sẽ thấp hơn nhiều so với mức của những ngành chúng ta tạm gọi là những ngành "hot".

Với những nhóm ngành xã hội hóa cao như: Kế toán tổng hợp, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp... ra trường dễ xin việc, thu nhập tốt hơn thì các em sẽ phải trả mức học phí cao hơn.

Ở đây, tối đa là 17, 5 triệu/1 năm (đối với năm 2016-2017), trong khi mức học phí của chương trình đại trà kia chỉ 13,5 triệu/ năm (tính bình quân). Đây là theo nghị định 86", ông Chương nói.

DH Kinh te Quoc dan tang hoc phi
Quyết định 386 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Kinh tế quốc dân.

Về việc phản ứng của sinh viên trước mức học phí, ông Chương cho rằng có lẽ, các em đã chọn ngành cao nhất, mức học phí cao nhất để phản ứng với mức học phí của nhà trường.

"Chúng tôi muốn lắng nghe, chia sẻ, làm tốt hơn để học sinh, phụ huynh biết được toàn bộ quá trình đào tạo của nhà trường mất khoảng từng này tiền. Chia sẻ thật rằng, các phụ huynh khi đến đăng ký học cho con em mình thường không quan tâm mức học phí con phải đóng bao nhiêu, hết bao nhiêu đóng bấy nhiêu luôn... Rất hiếm những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn và với những trường này thì nhà trường cũng sẽ có hình thức hỗ trợ." - lãnh đạo nhà trường nói.

Hoàn cảnh khó khăn, cố gắng trong học tập sẽ được hỗ trợ

Cũng theo ông Chương, đến thời điểm hiện tại, ĐH Kinh tế Quốc dân đã xây dựng quỹ học bổng do các cựu sinh viên của trường tài trợ. Quỹ học bổng các doanh nghiệp đã lên tới 50 tỷ - thuộc một trong những quỹ học bổng lớn nhất các trường ĐH hiện nay. Những em sinh viên có lực học xuất sắc có thể được nhận 50 triệu/năm/sinh viên.

Về phía nhà trường, cũng có phần hỗ trợ tương ứng với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vẫn tuân thủ toàn bộ miễn giảm học phí.

Ngoài ra, năm nay trường này cũng có những chủ trương ngoài việc tăng quỹ học bổng lên, sẽ dành ra một số suất học bổng có tỉ lệ tương đối, đáng kể để hỗ trợ đối tượng thực sự khó khăn.

"Với những trường hợp thực sự khó khăn, có quyết tâm trong học tập chúng tôi sẽ có những suất học bổng hỗ trợ các em để ít nhất các em có thể bù vào học phí. Đồng thời là, tăng số lượng các suất học bổng này lên", Phó hiệu trưởng trường nhấn mạnh.

Ông Chương cũng cho hay, đầu tháng 8/2016, trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tổ chức buổi nói chuyện cùng sinh viên để các em hiểu rõ hơn về lộ trình học phí.

Nhà trường cũng muốn làm ngay nhưng chưa làm được.

Nhiều sinh viên đặt ra câu hỏi, dù phải bỏ ra mức học phí khá cao nhưng cơ sở vật chất chưa thực sự tốt, sinh viên phải đi học nhờ, ông Chương chia sẻ: 

"Hiện nay, tòa nhà trung tâm của trường ĐH Kinh tế Quốc dân được khởi công xây dựng từ năm 2015 với vốn đầu tư gần 1.400 tỷ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trong khi nhà trường chỉ được ứng 15% vốn (hơn 200 tỷ đồng), chưa kể những nội thất, trang thiết bị phòng học rơi vào khoảng 100 tỷ nữa... Chia sẻ với các em sinh viên là có những việc Nhà trường cũng muốn làm ngay nhưng chưa làm được.

Có khoảng 20-25% phòng học của nhà trường không có điều hòa. Nhà trường cũng muốn lắp điều hòa tuy nhiên trạm điện cũ không đủ công suất, muốn lắp điều hòa phải xây dựng trạm điện mới tốn khoảng 2 tỷ, trong khi hơn 1 năm nữa trạm điện tại tòa nhà thông tin hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu dùng điện của toàn trường. Nhận thấy đó là sự lãng phí nên Nhà trường chờ tòa nhà hoàn thành mới lắp điều hòa mới. Khi tòa nhà hoàn thành, tôi tin đó là môi trường học tập với đầy đủ tiện nghi bậc nhất.

Hiện tại, nhà trường cũng đang phải đi thuê phòng học ở Vũ Trọng Phụng, trong quá trình phát triển, chúng tôi đặt cố gắng hết sức đến 2018, các em sẽ được học tại trường thôi, và được học trong môi trường tốt nhất".

Lam Thanh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI