ĐH Kinh tế Quốc dân tăng học phí "khủng": Nên như thế?

27/07/2016 - 06:06

PNO - Bên cạnh ý kiến phản đối mức thu học phí của đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều người cho rằng đây là định hướng hết sức đúng đắn.

ĐH Kinh tế Quốc dân tăng học phí "khủng" vấp phải dư luận dữ dội từ phía phụ huynh và sinh viên. Bên cạnh hàng loạt ý kiến cho rằng mức học phí đó của nhà trường là "quá cao", khó có thể được chấp nhận thì không ít người khẳng định mức học phí  như vậy là hoàn toàn hợp lý.

Học phí Đại học của Việt Nam so với thế giới... còn thấp

Nhìn nhận một cách khách quan về câu chuyện này, thầy Nguyễn Văn Đăng (Hiện đang là BSNT Bệnh viện Đại học Y, kiêm GV khoa Ung thư, ĐH Y Hà Nội) cho hay thầy tán thành với quyết định này của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Từng có cơ hội tiếp xúc với các trường ĐH ở nước ngoài và hiện đang học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc, thầy Đăng khẳng định: "Học phí ở Việt Nam là quá rẻ so với các nước khác trên thế giới. Không đâu rẻ như ở Việt Nam. Học phí ở các nước khác cũng thay đổi theo ngành học. Y và Luật thường là cao nhất. Các bạn có thể tham khảo trên các trang wed đều công bố mức học phí này.

Học phí họ cao nhưng đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục họ tốt, xứng đáng với học phí. Và khi ra trường, họ nhận được bằng cấp, công việc xứng đáng với công sức học tập và tiền của bỏ ra".

DH Kinh te Quoc dan tang hoc phi
Bên cạnh ý kiến phản đối mức thu học phí của đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều người cho rằng đây là định hướng hết sức đúng đắn.

Cũng theo thầy Đăng, việc tăng học phí sẽ khiến sinh viên ý thức hơn cho việc học. Bởi lẽ, học miễn phí hay phí thấp thì sinh viên thường không có động lực học tập, ỉ lại, chây lười. Nếu tăng học phí, sinh viên bắt buộc phải cố gắng học để không phải học lại, thi lại. Đồng thời, các bạn sinh viên phải vận dụng khả năng làm thêm, tìm kiếm việc làm, đó là kĩ năng cực kì cần thiết.

"Tôi đang ở Hàn Quốc, tất cả các bạn đều phải đi làm thêm để trang trải cho việc học. Tại sao không? Trong khi sinh viên Việt Nam, thời gian rảnh toàn chơi game, làm các việc vô bổ. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn... họ làm việc điên cuồng chứ không như ở Việt Nam. Làm thì ít mà luôn nói mình chăm chỉ, gào lên là phải rời công sở đúng giờ,...", thầy Đăng nói.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Đăng: "Việc tăng học phí sẽ là phù hợp hơn nếu làm tốt 3 việc: Thứ nhất, tăng có lộ trình, phù hợp với mức chi phí và có thông báo trước để gia đình, sinh viên có sự chuẩn bị kịp thời. Hai là, tăng học phí phải đi đôi tăng chất lượng giáo dục, đào tạo tương xứng. Ba là, tăng cường kỉ luật, thi cử nghiêm túc, cần được siết chặt, tránh tình trạng chỉ cần đỗ ĐH là yên tâm có thể tốt nghiệp ra trường được.

Bạn tốt nghiệp ĐH mà không xin được việc đó là lỗi của chính bản thân bạn, không phải do nhà trường và xã hội", thầy Đăng nhấn mạnh.

Đừng mang sự nghèo đói ra làm "sức ép" với học phí

Đồng quan điểm với thầy Đăng, anh Trần Văn Hùng (Cựu học sinh trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng đây là định hướng đúng đắn: "Đã đến lúc, chúng ta cần phải phân cấp dần đối tượng học, tăng dần chất lượng đào tạo. Nghèo mà học giỏi thì có thể tìm học bổng để theo học. Học kém mà muốn học đại học thì phải nộp nhiều tiền. Trình độ vừa phải, không đủ quyết tâm cao thì đừng vào trường mà hãy đi học nghề".

Cũng theo anh Hùng, "Dạy là việc của nhà trường nhưng có việc hay không phải là vấn đề của sinh viên chứ đâu có liên quan đến học phí đắt hay rẻ như một số tranh cãi. Bất cứ trường nào cũng có cử nhân thất nghiệp, bất cứ đâu cũng có người tài. Rất nhiều sinh viên không có điều kiện, không giàu có vẫn ra trường đi làm lương ngàn đô. Các bạn kém cỏi thì tự chịu đừng có cào bằng, đừng có kêu ca, đừng có so sánh".

Anh Vũ Xuân Phương (Phạm Văn Đồng, Hà Nội, hiện đang làm trưởng phòng đối ngoại của một công ty trên địa bàn Hà Nội) cho rằng về câu chuyện này, các phụ huynh, sinh viên... không nên mang sự nghèo khó ra để làm sức ép đối với học phí đại học.

"Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc tăng học phí của trường ĐH Kinh tế Quốc dân không sai. Nhìn nhận một cách khác quan, trường đang làm một cuộc cách mạng trong tư duy của bao người Việt.

Tăng học phí đồng nghĩa với việc sẽ đảm bảo chất lượng sinh viên kinh tế với đầu ra đáp ứng đầy đủ các yêu cầu làm việc thực tế thì giá trị hơn rất nhiều. Và theo cách trên với kiến thức tốt mà các bạn sinh viên nhận được, thì cơ hội tìm việc làm và thu nhập cao các em nhanh chóng thanh toán được các khoản nợ mà trong quá trình học các em có thể đã vay để đầu tư cho việc học tập", anh Dương nhấn mạnh.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI