PNO - PN - Mỗi năm (12 tháng) đều ký lại hợp đồng làm việc (HĐLV) với giáo viên (GV), để khi HĐ hết hạn, nếu còn cần GV đó thì ký tiếp, không cần nữa thì lấy cớ “HĐ hết hạn” để… sa thải. Đó là thứ...
edf40wrjww2tblPage:Content
Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật
Ngày 1/7/2011, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (ĐHCN) ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn 12 tháng, nhận cô Phan Thị Thu vào làm giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tại cơ sở của trường ở xã Tân Bình, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Khi HĐ trên hết hạn, tức vào ngày 1/7/2012, trường không đề cập đến chuyện tái ký hay chấm dứt HĐ, cô Thu vẫn tiếp tục làm việc và hưởng lương. Gần năm tháng sau, ngày 15/11/2012, trường lại ký với cô Thu bản HĐ thứ hai gọi là hợp đồng làm việc (HĐLV), cũng có giá trị 12 tháng (từ 1/9/2012 đến 31/8/2013).
Hết hạn HĐLV nói trên, trường cũng không đề cập gì đến chuyện ký lại, cô Thu tiếp tục làm việc và hưởng lương cho đến ngày 26/10/2013, tức 55 ngày sau, thì nhận được thông báo của trường về việc “không tiếp tục ký HĐ và thực hiện thủ tục chấm dứt HĐLV”, nghỉ việc ngay ngày hôm sau mà không đưa ra bất kỳ lý do gì.
Về kiểu ký kết HĐ trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - phân tích: thứ nhất, Trường ĐHCN đã ký kết HĐLĐ với cô Thu theo quy định của Luật Lao động, sau đó lại ký kết HĐLV với cô theo quy định của Luật Viên chức là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Thứ hai, trong cả hai trường hợp, HĐLĐ và HĐLV đều trở thành HĐ không xác định thời hạn theo quy định tại điều 22 của Bộ luật Lao động và điều 25 của Luật Viên chức, do HĐ đã hết hạn nhưng nhà trường vẫn cho phép cô Thu tiếp tục làm việc. Vì vậy, việc trường cho rằng HĐLV với cô Thu đã hết hạn “không tiếp tục ký HĐ và thực hiện thủ tục chấm dứt HĐLV” với cô Thu đã trở thành hành vi đơn phương chấm dứt HĐ trái pháp luật.
Đơn thư của giáo viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Hợp đồng 36 tháng = ba hợp đồng 12 tháng(!?)
Không chỉ cô Thu, tại cơ sở Thái Bình còn có sáu thầy cô giáo cùng chịu sự bất công đó. Tại cơ sở chính của Trường ĐHCN ở TP.HCM, gần 20 GV tại Khoa Giáo dục thường xuyên cũng đã và đang chịu nhiều thiệt thòi tương tự. Cụ thể, mỗi GV nói trên đã ký với trường từ ba đến bảy bản HĐLĐ, HĐLV nhưng tất cả đều là HĐ có thời hạn 12 tháng và có nguy cơ bị “không tiếp tục ký HĐ và thực hiện thủ tục chấm dứt HĐLV” bất cứ lúc nào khi HĐ hết hạn như trường hợp của cô Thu.
Luật nào cho phép trường ký với GV mỗi năm (12 tháng) một bản HĐ và ký liên tiếp nhiều năm? Theo lý giải của ông Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu phó và ông Trần Văn Thắng - Hiệu phó kiêm Chủ tịch Công đoàn trường: thứ nhất là do quá khứ để lại (ý chỉ do thời hiệu trưởng nhiệm kỳ trước đã làm như thế); thứ hai là Luật Viên chức cho phép. Hai ông viện dẫn khoản 1, điều 25, Luật Viên chức: “HĐLV xác định thời hạn là HĐ mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của HĐ trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng” và cho rằng nhà trường có quyền “vận dụng”, thay vì ký HĐLV có thời hạn 36 tháng thì “chẻ” làm ba HĐ có thời hạn 12 tháng, nhưng vẫn nằm trong giới hạn 36 tháng.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa, cho rằng, cách hiểu và “vận dụng” luật như vậy là không đúng. “Điều 25 và 28 của Luật Viên chức năm 2010 và Thông tư 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định: Căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời hạn cụ thể để ký HĐLV xác định thời hạn từ 12 tháng đến không quá 36 tháng (khoản 3, điều 11 - Thông tư 15).
Nếu người đã thực hiện xong HĐLV xác định thời hạn mà được ký tiếp thì ký HĐLV không xác định thời hạn (điều 12 - Thông tư 15). Như vậy, quy định trên được hiểu HĐLV chỉ được ký một lần có thời hạn làm việc ngắn nhất là 12 tháng và dài nhất là 36 tháng. Trước khi hết hạn HĐLV xác định thời hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị quyết định ký tiếp hoặc chấm dứt HĐLV đối với viên chức. Nếu đã hết hạn HĐLV xác định thời hạn mà viên chức vẫn tiếp tục làm việc thì chứng tỏ viên chức đó có năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ nên phải được ký HĐLV không xác định thời hạn theo đúng quy định nêu trên”- luật sư Lễ phân tích.
Thiếu tình người
Vào thời điểm bị Trường ĐHCN đơn phương chấm dứt HĐ trái pháp luật, cô Thu đang nuôi con nhỏ 17 tháng tuổi. Như vậy, chẳng những Trường ĐHCN vi phạm điều 25, 28 mà còn vi phạm cả vào điều cấm tại điểm c, điều 29, Luật Viên chức: “Không được đơn phương chấm dứt HĐLV với viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi”. Thấy mình bị chấm dứt HĐLV oan ức, cô Thu đã nhiều lần có văn bản kiến nghị trường xem xét cho cô tiếp tục làm việc, nhưng cô chẳng những không được nhà trường xem xét mà còn bị cho là “khiếu nại vượt cấp”, “vi phạm Luật Khiếu nại” vì “nội dung khiếu nại không liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp” (trích văn bản 74/ĐHCN-TCHC ngày 11/12/2013).
Một câu hỏi không thể không đặt ra: đâu là lý do thật khiến Trường ĐHCN chấm dứt HĐLV với cô Thu và các GV khác? Ông Nguyễn Thiên Tuế thật tình: “Do giai đoạn trước nhà trường phát triển quá “nóng” (ý nói tuyển sinh tăng ồ ạt nên phải tuyển nhiều GV- PV). Từ năm 2013, trường không được phép tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy tại các cơ sở ngoài trường, trong đó có cơ sở Thái Bình (các cơ sở còn lại ở Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An), quy mô sinh viên giảm đáng kể, không có nhu cầu sử dụng GV nữa, nên phải chấm dứt HĐLV với một số GV”.
Như vậy là bản chất vấn đề đã rõ: khi cần thì “tuyển”, khi không cần thì “thải”! Để dễ dàng thực hiện ý đồ đó, Trường ĐHCN đã tự đặt ra một luật riêng: mỗi năm (12 tháng) ký với GV một bản HĐLV, khi HĐ hết hạn, nếu còn cần GV thì ký tiếp, nếu không cần nữa thì lấy cớ HĐ hết hạn để… thải! Cô Phan Thị Thu trước đây từng là GV dạy tiếng Anh của một trường THPT tại Ninh Bình, vì nghĩ ĐHCN “chiêu hiền đãi sĩ” nên đã “dứt áo” ra đi.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.