Detox... mạng xã hội

30/08/2020 - 05:30

PNO - Nếu bạn sử dụng điện thoại thông minh, có lẽ bạn đã nhận được cảnh báo về thời gian sử dụng mạng xã hội tăng lên 15-20% so với tuần trước của chính mình.

Cuộc sống đầy những cơn nghiện 

Chúng ta rất vô tình trở thành bệnh nhân của những cơn nghiện đang bủa vây mình. Nghiện cầm điện thoại. Nghiện mở điện thoại ra rồi chẳng biết làm gì. Rồi mở Facebook lướt lên trượt xuống, hành động đó cứ năm phút lặp lại một lần. Theo một nghiên cứu, các tiện ích hiện đại của điện thoại thông minh có những tác động kích thích tới các trung tâm hưng phấn trong não bộ chúng ta theo một cơ chế không khác gì các chất gây nghiện. 

Nhưng mấy ai nghĩ rằng, hành vi không tách rời mạng xã hội của mình chính là bị nghiện? Chúng ta cứ lặp đi lặp lại hành động vào mạng xã hội xem gì đó vài phút mà hoàn toàn không có chủ đích. Đến nơi nào lạ là cuống cuồng tìm xin wifi. Cái cảm giác thiếu vắng đó chắc ai cũng có. Hẹn hò với bạn vừa ngồi xuống đã vội bật điện thoại lên. Đi ăn trưa với người yêu mà mỗi người một máy. Đôi khi những hình ảnh chúng ta nhìn thấy đâu đó rồi tự buồn cười, như cả gia đình ngồi với nhau mà mỗi người một điện thoại, vợ chồng con cái hẹn nhau đi ăn để có thời gian bên nhau, nhưng người lui cui chụp hình, người hí hoáy nhắn tin, người vội vàng “còm men” cái “tút” bạn vừa đăng. Chẳng hiểu tự bao giờ, mạng xã hội lại can thiệp và chi phối đời sống của chúng ta nhiều đến thế.

Các thiết bị công nghệ làm chất lượng sống của loài người suy giảm. Ảnh minh họa
Các thiết bị công nghệ làm chất lượng sống của loài người suy giảm. Ảnh minh họa

“Liệu chúng ta sẽ rời xa điện thoại được bao lâu?” có lẽ là câu hỏi ít ai nghĩ đến. Dù rằng, chính chúng ta đã không ít lần tự hỏi vì sao mình lại dành nhiều thời gian cho điện thoại thế này? Đã bao lần chúng ta đổ thừa vì công việc, như khi cô con gái thắc mắc: “Mẹ làm gì cầm điện thoại lâu vậy?”, thậm chí chúng ta còn có thể gắt ầm lên với con để rồi ân hận, nhưng đâu lại vào đấy. Những cơn nghiện cứ cuốn chúng ta vào những vòng xoáy, không lối thoát. 

Nhân dịch bệnh, thiết lập một liệu trình detox?

Khi câu chuyện dịch bệnh khiến bao lo toan lại ập về, người tích cực thì nhủ lòng không sao, người tiêu cực thì cuống cuồng lùng sục thông tin. Nói để thấy, nếu chúng ta tư duy tích cực, thì đã là một kiểu detox mạng xã hội hữu hiệu nhất rồi. Thậm chí có người còn nhân cơ hội dịch bệnh, thiết lập lại cho mình và gia đình một cuộc sống khác và một liệu trình “thải độc” mạng xã hội. 

Kim Oanh - người sáng lập của một nhà hàng chia sẻ liệu trình detox mạng xã hội của mình, chính là tuân thủ tuyệt đối những gì mình đề ra mà không được xao nhãng. Ngoại trừ khoảng thời gian dành cho công việc, cô hầu như không kè kè điện thoại bên mình. “Những ngày bắt đầu thực hiện kế hoạch đề ra, mới phát hiện hóa ra mình nghiện thật, cứ thấy như mình vừa làm rơi cái gì ở đâu, vội chạy đi tìm mãi. Nhiều hôm cầm điện thoại lên, Facebook nhắc bạn đã quá giờ dùng, có muốn tiếp tục không, phải đấu tranh lắm mới tắt đi ra. Cứ tưởng chỉ có chất gây nghiện mới làm chúng ta nghiện, nhưng đúng là có những cái vô hình khiến chúng ta khổ sở vô cùng” - cô cười nói.

Hoàng Tùng - CEO của một công ty team building kể: “Đợt dịch trước phải ở nhà, tôi thiết lập cho mình một nội dung bài bản để cai nghiện mạng xã hội, tránh sa đà vào những thông tin khiến mình lo lắng”. Theo anh, phải lập hẳn một thời gian biểu và cứ nhìn vào đó mà làm, mỗi ngày một ít. Đừng quá nóng vội sẽ thất bại. Những giờ vàng của Facebook như 11g trưa hay 8g tối, anh online học Anh văn và một khóa yoga. Khó khăn đấy nhưng không phải là không thực hiện được.
Làm sao để tránh tái nghiện?

Hình minh họa
Hình minh họa

Cũng như bất cứ một kiểu nghiện nào, khi có cơ hội tiếp xúc gần cũng đều nhanh chóng tái nghiện, mạng xã hội lại càng dễ dàng hơn, bởi chúng bủa vây ta hằng ngày. Nên sau khi đã thiết lập cho mình chế độ an toàn và một liệu trình detox mạng xã hội, muốn không tái nghiện chỉ có thể là quản lý hành động của mình, bằng cách… để mình nghiện theo kiểu văn minh nhất. Nói nghe ngược đời, nhưng đó có vẻ là giải pháp ổn thỏa. Trước hết là tuân thủ thời gian vào xem và thoát ra ngay khi được thông báo hết giờ. Ít tương tác với mạng xã hội, hạn chế bình luận, like, share. Chỉ đọc những câu chuyện vui vẻ, theo dõi những người tích cực, nghe nhạc, cùng hướng tới những điều an lành. 

Chị Kim Oanh chia sẻ: “Detox cơ thể đã không dễ dàng gì, detox mạng xã hội càng khó khăn gấp bội. Nhưng khi thực hiện được rồi, đầu mình nhẹ nhàng hơn, và quan trọng là làm việc gì cũng hiệu quả vì không bị xao nhãng bởi những chuyện linh tinh. Đời vui hẳn”. 

Vậy thì cùng detox thôi! 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI