Dệt nhuộm trong ngành thời trang đang bức tử những dòng sông

14/10/2020 - 08:30

PNO - Dệt nhuộm là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm trong ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Nhiều con sông ở châu Á cũng đang bị bức tử bởi những hóa chất độc hại xả ra từ các nhà máy mỗi ngày.

Bangladesh là công xưởng sản xuất quần áo lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2019, đất nước này đã xuất khẩu hơn 34 tỷ USD hàng dệt may đi khắp thế giới với những thị trường chính như Mỹ và châu Âu.

Thế nhưng, mặt trái của doanh thu khủng mà ngành công nghiệp này mang lại chính là những dòng sông chở nặng trong lòng một lượng lớn hóa chất độc hại đang ngày đêm xả ra từ các nhà máy dệt nhuộm.

Một con sông bị ô nhiễm nặng bởi hóa chất thải ra từ các cơ sở dệt nhuộm - Ảnh: STR/AFP/Getty Images
Một khúc sông bị ô nhiễm nặng bởi hóa chất thải ra từ các nhà máy dệt nhuộm - Ảnh: STR/AFP/Getty Images

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thời trang là ngành công nghiệp “đóng góp" đến 1/5 lượng nước thải công nghiệp gây ô nhiễm trên toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng ngày của con người khi nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt cũng bị ô nhiễm.

“Trẻ con ở quanh khu vực này mắc đủ thứ bệnh”, một người dân sống ở thủ đô Dhaka hơn 18 năm cho biết, và nói thêm rằng, vợ chồng anh đã phải gửi 2 đứa con của mình cho người quen ở nơi khác “bởi vì tôi không muốn chúng chết vì uống nước nhiễm độc ở đây”.

Ngành công nghiệp thời trang sử dụng 93 tỷ m³ nước mỗi năm, đủ để bơm đầy 37 triệu hồ bơi phục vụ Thế vận hội Olympic. Và nhuộm là quá trình gây ô nhiễm và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.

Để làm ra một chiếc quần jeans, người ta phải tốn khoảng 7.500 lít nước. Để có được màu xanh đặc trưng cho những chiếc quần thời trang này, chúng sẽ được nhúng trong bể ngập đầy hóa chất tổng hợp, rồi tiếp tục được xử lý bằng những loại hóa chất khác nhằm làm mềm vải. 

Công nhân đang ngâm tẩm hóa chất cho vải trong một nhà máy ở Bangaldesh - Ảnh: Mohammad Ponir Hossain/NurPhoto/Getty Images
Công nhân đang ngâm tẩm hóa chất cho vải trong một nhà máy ở Bangladesh - Ảnh: Mohammad Ponir Hossain/NurPhoto/Getty Images

Sau quá trình đó, hàng tấn thứ nước thải nặng màu và nặng mùi kia sẽ có chung điểm đến: sông hồ và kênh rạch bên ngoài.

Những hóa chất và kim loại nặng này chứa tới 72 loại chất độc, một khi thâm nhập vào cơ thể của con người sẽ làm tăng nguy cơ gây nên bệnh ung thư, bệnh da liễu, và hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác khiến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, và Việt Nam phải cân nhắc thận trọng trong việc sử dụng và nhập khẩu các hóa chất nhuộm độc hại vào thị trường của mình.

Trước tình trạng sử dụng tràn lan hóa chất độc hại trong nhuộm vải vào ngành công nghiệp thời trang, nhất là ở các nước thuộc khu vực châu Á - nơi hàng loạt nhà máy sản xuất hàng may mặc mọc lên liên tục nhờ lượng nhân công rẻ và dồi dào, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề này.

Chỉ sau một cơn mưa, nước thải chứa hóa chất độc hại chưa qua xử lý tràn ra bên ngoài từ những nhà máy dệt nhuộm - Ảnh:Allison Joyce/Getty Images
Chỉ sau một cơn mưa, nước thải chứa hóa chất độc hại chưa qua xử lý tràn ra bên ngoài từ các nhà máy dệt nhuộm - Ảnh: Allison Joyce/Getty Images

Lắp đặt thiết bị xử lý hóa chất tại nguồn trước khi thải ra môi trường, đánh thuế bảo vệ môi trường cao, tìm kiếm các giải pháp “xanh” nhằm thay thế hóa chất độc hại trong dệt nhuộm,... là những giải pháp đang được một số nước áp dụng nhằm cứu lấy những dòng sông đang chết dần vì bị ô nhiễm nặng ở châu Á.

Nguyễn Thuận (theo CNN, UN Environment)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI