'Dệt nên triều đại': Nối những bàn tay hoa

17/01/2018 - 14:15

PNO - Thời gian tới, Vietnam Centre sẽ mang 'Dệt nên triều đại' giới thiệu ở nhiều thành phố khác trên thế giới. Nhóm còn có kế hoạch tái hiện trang phục thời Lý, Trần, lễ Đăng Cơ của Hoàng đế, lễ tế Nam Giao…

Khát khao nguồn cội từ việc chứng kiến cộng đồng các quốc gia châu Á tổ chức những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, xen lẫn tò mò “không biết ngày xưa cha ông mình ăn vận, đi đứng ra sao”, trên đất Australia, ba người bạn: Tô Lê Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Phương Đông và Nguyễn Anh Vũ quyết định “cùng làm một cái gì đó” liên quan đến trang phục, lễ nghi truyền thống.

Tháng 3/2017, họ lập ra Vietnam Centre với dự án Dệt nên triều đại.

'Det nen trieu dai': Noi nhung ban tay hoa

Một số hình ảnh trang phục và lễ nghi trong dự án Dệt nên triều đại do Vietnam Centre tái hiện tại Hà Nội

Vượt qua định kiến “truyền thống”

Phạm vi tái hiện của Vietnam Centre chủ yếu là triều Lê và Nguyễn, bởi đây là hai triều đại còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử nhất.

Để thực hiện dự án, nhóm đã nỗ lực vượt mọi khó khăn về kinh phí, thời gian và nhân lực nghiên cứu trong một thời gian dài. Phần họa tiết, hoa văn của trang phục phỏng dựng trên những nghiên cứu như Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, các hiện vật như áo giao lĩnh của đại tư đồ Nguyễn Bá Khánh lưu trữ ở bảo tàng Hưng Yên; các tranh tượng tại các di tích đình chùa, bảo tàng và so sánh, đối chiếu với các nước cùng văn hóa. Phần nghi lễ được tái hiện dựa trên ghi chép về lễ sắc phong hoàng thái hậu trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Ngoài ra, Vietnam Centre còn nhận được những kiến giải, chứng cứ từ nhóm Đại Việt Cổ phong.

Ngay khi dự án được giới thiệu tại Hà Nội vào cuối năm 2017, bên cạnh không ít lời khen ngợi, Dệt nên triều đại cũng đã vấp phải nhiều ý kiến cho rằng trang phục mà Vietnam Centre tái hiện mang dáng dấp của trang phục truyền thống Hàn Quốc.

Từ góc độ của người trong cuộc, Vietnam Centre chia sẻ: “Từ lâu, chúng ta quen với suy nghĩ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt là áo dài, xa hơn thì chỉ có áo tứ thân, còn nam giới là áo dài khăn đóng. Định kiến ấy khiến cho việc phục dựng, phỏng dựng, tái hiện trang phục người Việt từng sử dụng qua các thời kỳ lịch sử luôn vấp phải những ý kiến nghi ngờ và chỉ trích. Khi thực hiện dự án, chúng tôi đã chuẩn bị trước tâm lý cho điều này nên không bất ngờ hay thất vọng. Chúng tôi tin rằng qua thời gian, bằng sự nỗ lực trong việc quảng bá văn hóa, định kiến ấy sẽ dần thay đổi. Chúng tôi khẳng định: trang phục người Việt từng sử dụng có nhiều hơn là áo dài, món ăn nổi tiếng từ Việt Nam có nhiều hơn là phở hay bánh mì, điều đáng tự hào khi nhắc tới dải đất hình chữ S này có nhiều thứ hơn là danh lam thắng cảnh”.

'Det nen trieu dai': Noi nhung ban tay hoa
Trang phục xưa được tái heiejn trong Dệt nên triều đại

Hành trình dài ước mơ

Ở góc độ chuyên môn, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức lý giải, triều đình Việt Nam thời Lý, Trần, Hồ, các vua đều xưng hoàng đế song song với triều đình Trung Quốc, tính chất lễ nghi đều ngang hàng. Do đó, vua Trung mặc áo vàng thì vua ta cũng mặc áo vàng.

Tuy nhiên, sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, văn hóa Đại Việt từ thời Trần, thời Hồ trước đó đã bị hủy hoại. Sau khi tái thiết đất nước, trang phục Lê sơ thời kỳ đầu rơi vào tình trạng ai còn giữ trang phục thời trước thì mặc, còn nhớ tục xưa thì duy trì. Nguyễn Trãi được giao trách nhiệm lập quy chế về lễ nhạc, nghi lễ, trang phục… Ông và thái giám Lương Đăng đã quyết định du nhập một phần áo mão, lễ nhạc của triều đình nhà Minh.

Trang phục Hàn Quốc - hanbok - chịu ảnh hưởng khoảng 70-80% trang phục nhà Minh. Các triều đại Triều Tiên kéo dài đến đầu thế kỷ XX nên giữ nguyên trang phục, nghi lễ. Nhưng ở Trung Quốc, trang phục nhà Minh chỉ kéo dài được mấy trăm năm, bị nhà Mãn Thanh xóa sổ. Việt Nam, trải qua nhiều biến động, cũng có những biến đổi trong trang phục.

Thời gian tới, Vietnam Centre sẽ mang Dệt nên triều đại giới thiệu ở nhiều thành phố khác trên thế giới. Nhóm còn có kế hoạch tái hiện trang phục thời Lý, Trần, lễ Đăng Cơ của Hoàng đế, lễ tế Nam Giao…

'Det nen trieu dai': Noi nhung ban tay hoa
 

“Công việc quảng bá văn hóa Việt Nam của Vietnam Centre không dừng ở dự án Dệt nên triều đại, ở việc tái hiện trang phục và lễ nghi cung đình. Chúng tôi còn muốn hướng tới văn hóa dân gian, làng xã, kết nối các nghệ nhân, nhà nghiên cứu trong nước tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi còn dự định tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho Việt kiều, người nước ngoài và tổ chức các tọa đàm, hội thảo về Việt Nam”.

Tất nhiên, để thực hiện được dự định này, Vietnam Centre cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ. Sự quan tâm đúng mức và có phương pháp của người trẻ với lịch sử là điều cần khích lệ và nên được tạo điều kiện phát triển. 

Tô Lê Ngọc Linh (thành viên dự án Dệt nên triều đại)

Khi nhìn vào một bộ trang phục, ta thấy đấy là một bộ trang phục. Nhưng với người có đam mê nghiên cứu, hay yêu thích lịch sử, văn hóa dân tộc; họ nhìn thấy giai đoạn lịch sử, thấy thói quen sinh hoạt của ông cha, thấy khí hậu, thời tiết của giai đoạn đó thế nào, phong tục tập quán ra sao…

Lê Phan 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI