Có lẽ khó có bộ phim điện ảnh nào thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ khi mới bấm máy như Cô Ba Sài Gòn (khởi chiếu ngày 10/11). Cái tên Ngô Thanh Vân cùng dàn diễn viên mỹ nữ hai thế hệ: Thủy Hương, Diễm My, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X; tựa phim gợi nhớ những hoài niệm xưa… đã khiến người xem háo hức.
|
Lan Ngọc chứng minh nội lực diễn xuất với vai Như Ý trong Cô Ba Sài Gòn
|
Sự háo hức ấy tăng thêm khi từng hình ảnh nhỏ giọt về phim được công bố: không khí đẫm chất Sài Gòn xưa trên poster với phông chữ, cách dùng từ rất Sài Gòn (“cuốn phim”, “minh tinh”, “tình cảm diễm lệ”), diễn viên mặc trang phục truyền thống cùng lối trang điểm, làm tóc “rặt” phụ nữ Nam bộ xưa; hình ảnh “đả nữ” Ngô Thanh Vân xuất hiện dịu dàng, tỉ mẩn may, đo áo dài trên nền nhạc Biển tình trong trailer.
Xã hội càng phát triển, con người càng phải biết nâng niu, kế thừa những giá trị truyền thống, bởi đó là cội nguồn, là gốc rễ của bản thân. |
Và phim đã không làm người xem thất vọng. Cô Ba Sài Gòn đẹp từ sự chăm chút về bối cảnh, trang phục, “chọn mặt gửi vàng” diễn viên và cả trên tinh thần tôn vinh giá trị của người phụ nữ Việt Nam, của chiếc áo dài - nét son trong văn hóa Việt.
Cô Ba Sài Gòn kể về Như Ý - người được mệnh danh là cô Ba Sài Gòn vì phong cách thanh lịch. Là con gái của chủ tiệm may áo dài Thanh Nữ nổi tiếng hồi thập niên 1970 ở Sài Gòn, nhưng Như Ý không biết và không thích may áo dài mà chỉ thích may âu phục. Chỉ đến khi biến cố xảy đến, cô mới nhận ra tầm quan trọng của chiếc áo dài, của việc giữ gìn truyền thống.
Phim Việt làm về ngành nghề không hiếm, nhưng đa số là phim truyền hình và cũng chưa khắc họa rõ nét đặc thù nghề nghiệp. Cô Ba Sài Gòn đã làm rất tốt phần truyền đạt kiến thức chuyên môn.
Teaser Cô Ba Sài Gòn:
Xem phim, có thể khán giả không nhớ nổi những thuật ngữ về thời trang hay khó nắm bắt hết sự tiến triển qua các thời đại của chiếc áo dài, nhưng chắc chắn biết được những điểm cơ bản để làm nên một chiếc áo dài đẹp, những công đoạn may áo dài và trên hết là được chiêm ngưỡng những bộ áo dài từ đơn sơ đến lộng lẫy, từ truyền thống đến cách tân. Mãn nhãn thị giác, chỉ chừng đó thôi đủ giúp Cô Ba Sài Gòn “ăn tiền”.
Trái với những hình dung ban đầu rằng phim sẽ nói về những nhân vật sống ở thập niên 1960-1970, bối cảnh đó chỉ chiếm 1/3 phim, còn lại là thời hiện đại với việc Như Ý "đi xuyên không" đến năm 2017. Tình tiết này vừa tạo tiếng cười cho phim khi một cô gái Sài Gòn xưa lạc lõng giữa đô thị hiện đại - hành xử, nói chuyện không giống ai; vừa nói lên ý nghĩa về sự chuyển giao thế hệ.
Sáng tạo bất ngờ nhất là nhân vật An Khánh - Như Ý khi về già ở thời điểm năm 2017. Như Ý nhận ra sai lầm thời trẻ của mình đã dẫn đến tình cảnh An Khánh phá sản, rượu chè bê tha nên quyết cùng An Khánh đứng lên gầy dựng lại nhà may Thanh Nữ.
Hành trình trưởng thành của Như Ý khiến khán giả phải suy ngẫm. Xung đột nguồn cội, tư duy giữa hai thế hệ như Như Ý và mẹ trong phim cũng là mâu thuẫn thường thấy ở giới trẻ thời nay. Người trẻ luôn thích tự do, muốn thoát khỏi truyền thống và coi đó là cách để khẳng định bản thân, nhưng “chỉ đến khi đánh mất điều gì đó, ta mới biết trân trọng nó” (lời thoại của nhân vật Như Ý).
Phim cũng đề cao nữ quyền khi xây dựng hình ảnh hai nhân vật nữ là đối trọng của nhau: Như Ý thẳng thắn bộc lộ suy nghĩ, mạnh dạn theo đuổi ước mơ; Helen sắc sảo, bản lĩnh trong công việc. Cả hai đều là hình mẫu của người phụ nữ hiện đại: xinh đẹp, tự tin, tự do. Câu chuyện của Cô Ba Sài Gòn, vì thế, mang hơi thở hiện đại, chuyển tải thông điệp hợp thời.
Góp phần vào thành công của phim còn có diễn xuất của các diễn viên, trong đó tỏa sáng nhất là nữ chính Lan Ngọc. Từng chuyển biến tâm trạng của Như Ý - từ một quý cô cao ngạo, hãnh tiến sang một người thất bại, bế tắc - được Lan Ngọc thể hiện khá ngọt.
Những cảnh “tay đôi” với nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân hay Ngô Thanh Vân trong đoạn Như Ý chỉ trích An Khánh hay đoạn Như Ý bị mẹ tát vì không chịu học may áo dài là những khoảnh khắc bùng nổ diễn xuất của Ngọc.
Vai An Khánh (Như Ý về già), nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân chứng tỏ không ai vượt nổi chị: khi cần hài, chị làm khán giả cười ngất; khi cần mua nước mắt, chị cũng nhanh khiến người xem rơi lệ.
Nếu có điều tiếc nuối ở Cô Ba Sài Gòn thì đó là diễn xuất còn gượng của ST 365 (vai Tuấn, con trai Thanh Loan), cách xử lý gút mắc giữa Như ý và Helen quá dễ dàng, lồng ghép sản phẩm quảng cáo dày đặc và lộ liễu.
Tuy vậy, những điều chưa hài lòng này dễ dàng được xí xóa trước “vẻ đẹp” và những cảm xúc mà Cô Ba Sài Gòn mang lại. Ngay từ những cảnh đầu phim, Cô Ba Sài Gòn đã gây thích thú khi đưa người xem vào không khí Sài Gòn thập niên 1960 với những hình ảnh tư liệu về phong cảnh, con người như: xe hơi “con cóc”, xích lô đạp, phụ nữ tóc bới cao, mặc áo dài chít ben…
Sự chăm chút thể hiện ở khâu thiết kế mỹ thuật với cách bài trí đạo cụ tỉ mỉ, số lượng trang phục đồ sộ hợp thời và cả ở từng cảnh quay cận phô diễn kỹ thuật cắt may áo dài.
Hương Nhu