Dẹp 'loạn từ điển', cần ban hành quy chế cụ thể

22/02/2020 - 16:03

PNO - Để dẹp “loạn” sách từ điển như hiện nay, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đề xuất cần ban hành quy chế, chi tiết hóa quy định thẩm định, cấp phép các loại sách từ điển.

Mới đây, tác giả Hoàng Tuấn Công đã lên tiếng phản ánh tình trạng sử dụng tư liệu của người khác để biên soạn từ điển, nói về cuốn Từ điển Thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Dương Thị Dung – Đặng Thúy Hằng – Nguyễn Thảo Nguyên, do Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép xuất bản (Báo Phụ Nữ TPHCM đã phản ánh qua bài viết Ăn cắp tư liệu để biên soạn từ điển). 

PGS.TS Phạm Xuân Tình
PGS.TS Phạm Văn Tình

Câu chuyện đã lộ ra không ít lỗ hổng trong quy trình thẩm định, cấp phép xuất bản các loại sách từ điển. Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết, đã đến lúc cần “siết” lại quy chế cấp phép xuất bản loại sách đặc biệt này.

Theo một số chuyên gia, vì tính chất đặc biệt của dạng sách từ điển, 10 năm trở về trước, chỉ có 2 NXB chuyên trách xuất bản từ điển là NXB Khoa học Xã hội (chuyên xuất bản các loại từ điển thuộc ngành khoa học xã hội) và NXB Khoa học Kỹ thuật (chuyên xuất bản các loại từ điển thuộc ngành khoa học kỹ thuật và khoa học tự nhiên). Và cũng chỉ có các cơ quan có đầy đủ thẩm quyền chuyên môn mới được đứng ra tổ chức biên soạn từ điển. Cho nên vào thời đó, các bộ từ điển được xuất bản đều có hàng chữ in trên cùng bìa sách tên cơ quan chủ quản, sở hữu bản quyền về nội dung.

Tuy nhiên, sau này, tình hình có sự thay đổi, dẫn tới tình trạng “loạn” sách từ điển với sự vào cuộc của nhiều đơn vị làm sách khác nhau.

* Phóng viên: Thưa PGS.TS Phạm Văn Tình, ông đã bao giờ nghe nói tới tên của các tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên trong lĩnh vực từ điển học chưa?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Tôi không chỉ nghe mà còn biết rất rõ một vài tác giả trong số này. Chẳng hạn Thạc sĩ Dương Thị Dung, hiện đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Chị Dung là đồng tác giả của cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh (NXB Đại học Quốc gia HN). Nhưng tôi biết, tên Dương Thị Dung trong cuốn Từ điển Thành ngữ tục ngữ Việt Nam mà tác giả Hoàng Tuấn Công nhắc đến là một cái tên không liên quan tới Dương Thị Dung ở Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

* Trên thị trường đang bày bán rất nhiều sách từ điển. Không chỉ các đơn vị truyền thống về lĩnh vực này như Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển và Bách khoa thư… mà các công ty sách bên ngoài cũng “nhảy vào". Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng chất lượng sách từ điển hiện nay?

- Có thể nói là rất lộn xộn. Nhiều nhưng chất lượng không đồng đều. Có cuốn làm rất ẩu, chất lượng kém.

* So với các loại sách khác, sách từ điển có những đặc trưng gì? Nguyên tắc biên soạn có gì đặc biệt, thưa ông?

- Là loại sách công cụ tra cứu quan trọng (giải nghĩa từ ngữ, gồm từ điển tường giải, từ điển đối chiếu, từ điển tri thức...), từ điển đòi hỏi phải biên soạn nghiêm túc, đúng yêu cầu một cuốn cẩm nang từ ngữ, từ việc chuẩn bị ngữ liệu đến việc xử lý các bước theo tinh thần từ điển học.

Vì thế, làm từ điển đòi hỏi những yêu cầu về năng lực (tri thức ngôn ngữ, ngoại ngữ...), đặc biệt là phải được trang bị những tri thức về nguyên lí biên soạn từ điển (quan điểm về cấu trúc vĩ mô/vi mô, quan điểm về phân định từ loại, cách thức định nghĩa từ, cách thức chọn từ đối dịch tương đương, những hiểu biết Từ nguyên học...) và cả tri thức văn hóa học. Không phải ai giỏi tiếng Việt là biên soạn được từ điển giải nghĩa tiếng Việt. Không phải ai giỏi ngoại ngữ là biên soạn được từ điển đối chiếu hai hoặc nhiều thứ tiếng. Nghề nào cũng đòi hỏi tính chuyên môn. Nghề làm từ điển cũng thế.

Từ trái qua: Nội dung của tác giả Hoàng Tuấn Công và nội dung sau khi được biên soạn trong cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam
Từ trái qua: Nội dung của tác giả Hoàng Tuấn Công và nội dung sau khi được "biên soạn" trong cuốn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam"

* Theo ông, việc sai sót trong quá trình biên soạn từ điển gây ra một hậu quả như thế nào?

- Từ điển là công trình bao hàm những tri thức chuẩn mực, làm căn cứ "kim chỉ nam" cho người dùng. Nó có tính chính xác và giá trị bảo lưu cao. Do đó, không cần nói thì chúng ta cũng biết tác hại của nó là rất lớn. Không chỉ cho nhiều người mà có khi còn nhiều thế hệ.

* Rõ ràng, việc ai thích biên soạn từ điển thì biên soạn như hiện nay đã làm cho thị trường sách từ điển nhộn nhịp nhưng chưa được kiểm soát. Ông có đề xuất gì cụ thể đối với Cục Xuất bản, In và Phát hành – đơn vị quản lí nhà nước về lĩnh vực xuất bản không?

- Tôi biết gần đây Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có những động thái quản lý, siết chặt công việc xuất bản từ điển nói chung. Đó là tín hiệu tốt, nhưng chưa đủ. Có lẽ cần phải có một quy chế, chi tiết hóa quy định thẩm định, cấp phép các loại sách từ điển để đưa việc xuất bản dòng sách này vào quy củ. Tất nhiên cần có sự phối hợp của các cơ quan nghiên cứu chuyên môn (Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam...).

* Xin cảm ơn ông.

Đậu Dung (thực hiện)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI