Đẹp, buồn và sâu thẳm trong tranh của vua Hàm Nghi

02/05/2024 - 07:08

PNO - 10 bức tranh của vua Hàm Nghi vừa được đấu giá tại Pháp. Những bức họa cảnh thiên nhiên yên bình, xanh biếc được nhà vua vẽ từ xứ sở lưu đày cũng là những gam màu gửi gắm bao nỗi niềm cố quốc...

‘’Tôi an ủi trái tim mình’’

Bộ sưu tập 10 bức tranh của vua Hàm Nghi vừa được bán đấu giá tại Pháp, trong phiên Đông Dương - Chương 17 của nhà đấu giá Lynda Trouvé. Tác phẩm được định giá cao nhất là bức tranh Đồng cỏ, được vẽ năm 1909, lên đến 15.000 euro (khoảng hơn 400 triệu đồng). Các tác phẩm còn lại được đấu giá tương đương từ 40-135 triệu đồng. 1 năm trước, 19 bức tranh của vua Hàm Nghi cũng được tổ chức đấu giá tại Paris và nhận được sự quan tâm lớn của công chúng yêu nghệ thuật.

Vua Hàm Nghi vẽ tranh ở Algeria
Vua Hàm Nghi vẽ tranh ở Algeria

Một trong những bức tranh quý của vua Hàm Nghi cũng đã được đưa về Việt Nam (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế) là bức họa phong cảnh đồng quê, được nhà vua vẽ trong những năm tháng sống ở Algiers, thủ đô Algeria. Tranh của ông thoạt trông rất yên bình, với cảnh sắc thiên nhiên bao la, xanh biếc. Đồng cỏ, rừng cây, bờ biển, con đường mùa xuân, hoàng hôn nắng ấm… được họa vào tranh với những gam màu trầm, nhẹ nhàng. Tranh như cho người thưởng lãm cảm giác được hiện diện chân thực cùng phong cảnh, hình dung trong tâm cảm về dấu chân của vị vua biệt quốc. Ông đã ở đó, phía sau những bố cục thiên nhiên tuyệt sắc - như tên những bức họa: Đi dạo trên bờ Allier, Bên bìa rừng, Con đường vào xuân, Hoàng hôn trên vách đá ở Marseille, Mặt hồ khi chạng vạng, Phố cổ trong chiều muộn…

Cuộc đời lưu đày của vua Hàm Nghi không chỉ ở lại trong những ghi chép, tư liệu mà còn trong các sáng tác văn chương: Vua Hàm Nghi (truyện lịch sử, Phan Trần Chúc), Hoàng tử Lý Tông (truyện ký, nữ nhà văn - kịch tác gia người Nga T.L.Sepkina Kibernik), Hàm Nghi - vị hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Algeria, Amandine Dabat

Nữ văn sĩ người Pháp Judith Gautier đã viết về ông với những dòng thơ cảm động: “Nước tan, nát cả giống nòi/ Bình minh vấy máu, cuộc đời tang thương/ Rồng quằn quại giữa chiến trường/ Chàng tuổi trẻ đấng quân vương sáng ngời/ Lớn trong đau đớn nỗi người/ Mở ra cả một chân trời vô biên”… (bản dịch của nhà thơ Nguyễn Duy).

Đẹp, buồn và sâu thẳm là cảm giác của người viết khi nhìn ngắm những bức họa vua Hàm Nghi để lại cho hậu thế. Ông đã vẽ rất nhiều trong năm tháng lưu đày. Những bức tranh không có bóng dáng con người, nếu có cũng chỉ thấp thoáng một hình bóng mờ ảo và lẻ loi giữa mênh mông. Những bức họa rất đẹp nhưng cũng là những gam màu gửi gắm biết bao nỗi niềm cố quốc. Trong thư gửi cho ông Gondrecourt (tháng 1/1897), vua Hàm Nghi viết: “Trong những bức tranh có những thăng trầm, suy tư, nỗi buồn, niềm vui của tôi và hàng ngàn sắc thái. Tôi an ủi trái tim mình”.

Cây và con đường là 2 hình ảnh được khắc họa nhiều trong tranh của vua Hàm Nghi: cây sồi, cây ô liu, cổ thụ hoặc những cây đơn lẻ xuất hiện trong những bức họa Vô đề; những lối mòn trong rừng, bên bờ sông, ở vùng nông thôn trong chiều tà. Chừng như, luôn có nỗi buồn sâu sắc trong tranh, dẫu đó là những tác phẩm vẽ cây táo nở hoa hay mặt hồ tĩnh lặng.

Những bức tranh vừa được đấu giá của vua Hàm Nghi - Nguồn ảnh: Internet
Những bức tranh vừa được đấu giá của vua Hàm Nghi - Nguồn ảnh: Internet

Nhà vua - họa sĩ

Trong tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân (quyển hạ), nhà văn Trần Thùy Mai có viết về thời gian 3 năm vua Hàm Nghi ở rừng Hà Tĩnh, khi kinh đô thất thủ vào tay Pháp. Dù trong ghi chép sử liệu hay qua tác phẩm văn học, hình ảnh vị vua lưu vong khi chỉ mới 15 tuổi, hạ chiếu Cần Vương, khiến hậu thế đau lòng.

“Một chiều cuối đông, Tôn Thất Thuyết giao nhà vua trẻ lại cho 2 con trai hộ vệ, còn bản thân mình cải trang theo đường rừng ra Bắc, gặp lại Trần Xuân Soạn (…). Vua Hàm Nghi được hộ vệ bởi Tôn Thất Thiệp (16 tuổi) và Tôn Thất Đàm (20 tuổi). 3 chàng trai trẻ bị vây ráp gắt gao, từ Hà Tĩnh phải tìm đường về Quảng Bình, ẩn náu gần khe Tà Bảo trong vùng núi Tuyên Hóa” - trích Công chúa Đồng Xuân. Nhưng rồi nhà vua bị Trương Quang Ngọc - một lãnh binh ở địa phương - phản bội, chỉ điểm cho Pháp. Ông và cận vệ bị đột kích trong đêm. Cuối năm 1888, nhà vua bị đưa lên tàu, vượt đại dương đến thủ đô Algiers và sống ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1944.

Vị vua yêu nước Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) cũng là họa sĩ Tử Xuân tài hoa của xứ sở Algeria. Ông đã dành toàn bộ cuộc đời lưu đày của mình cho nghệ thuật. Tại Việt Nam và Pháp đều có những cuộc hội thảo, tọa đàm về vua Hàm Nghi với danh phận là họa sĩ Tử Xuân hay bút danh khác là Xuân Tử, đều có nghĩa là “con trai của mùa xuân”. Lúc sinh thời, vua Hàm Nghi đã 3 lần tổ chức triển lãm tranh tại Paris (giai đoạn 1904-1926) và được xem là họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam.

Tranh của Tử Xuân không chỉ là những tác phẩm của một tài năng hội họa, về mối giao cảm giữa thiên nhiên - con người mà còn có giá trị lịch sử và thân phận. Bức tranh đầu tiên ông vẽ là tự họa chân dung mình bằng chì than (1896) với trang phục của triều đình Nguyễn. Tác phẩm cũng là tiếng nói phản kháng của một tinh thần yêu nước dũng cảm trước thực dân xâm lược. Ông cất tiếng nói cho chính mình và cũng là tinh thần đại diện cho một dân tộc bất khuất và ái quốc. Nhà vua vẽ tranh từ trong năm tháng lưu đày để tìm kiếm sự khuây khỏa và gửi gắm lòng mình vào những gam màu và đã để lại di sản quý giá cho đời sau.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI