Dẹp bỏ tâm lý “không thích nhắc chuyện xui rủi”, để giúp trẻ có thể tự cứu mình

21/06/2016 - 15:12

PNO - Làm thế nào để giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ, thoát khỏi một số tình huống hiểm nghèo thường gặp. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi Đồng 1) sẽ đưa ra một số lời khuyên.

Việc cả nhà cùng diễn tập sơ cấp cứu hoặc ứng phó trước tai nạn là điều hiếm. Thậm chí, do tâm lý “không thích nhắc chuyện xui rủi”, các gia đình cảm thấy… an toàn hơn khi cứ vô tư tận hưởng cuộc sống bình an, vô sự. Nếu xem báo đài, thấy những trường hợp đáng tiếc xảy ra với người lớn, với trẻ thì chỉ nhìn ở góc độ hên xui, “trời kêu ai nấy dạ” chứ không tận dụng làm bài tập cho gia đình mình, nhất là hướng dẫn con trẻ về kỹ năng sống sót, rèn luyện thuần thục để biến kiến thức, kỹ năng thành thói quen ở trẻ.

Thử đặt trường hợp những bất trắc ập đến khi trẻ đang một mình, hoặc nếu trẻ đi cùng bạn, không có người lớn bên cạnh thì sao? Tư vấn của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi Đồng 1) giúp trẻ xử trí hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ, thoát khỏi một số tình huống hiểm nghèo thường gặp.

Dep bo tam ly “khong thich nhac chuyen xui rui”, de giup tre co the tu cuu minh
Trẻ học kỹ năng sinh tồn khi gặp tai nạn dưới nước

Chống trả "bà hỏa"

Ở nhà, đi siêu thị, đến rạp chiếu phim, đi hát karaoke… trẻ có thể bất ngờ đối mặt với tình huống cháy. Trẻ có thể giữ được bình tĩnh không? Trẻ sẽ có chọn lựa nào trong tích tắc? Quay vào phòng đóng cửa lại, chạy vào thang máy, lên sân thượng hay nhảy lầu? Trên thực tế, nhiều người chết vì ngạt hơn là vì ngọn lửa. Chính vì thế, trong đám cháy, các em nên bò sát nền nhà vì khí oxy nặng, sẽ nằm bên dưới, khí độc CO2 , CO nhẹ hơn, ở phía trên. Cần nhanh chóng lấy khăn hoặc vải mỏng nhúng nước, đắp lên mũi thở để lọc khí độc. Nhằm hạn chế sức nóng, lửa táp, các em nên bọc vải ướt quanh người.

Tìm chỗ thoáng, ban công để chống ngạt thở, đồng thời dễ hô hoán người khác đến ứng cứu. Có thể dùng vải, vật có màu sáng để vẫy, dùng bất cứ vật gì đánh khua, la lớn để được nghe thấy. Tuyệt đối không chui vào thang máy vì sẽ cúp điện khi cháy. Tìm dây thừng hoặc nếu không có thì xé quần áo, khăn, mền… cột lại thành dây thật chắc, thả ra ban công để leo xuống. Việc dập đám cháy hay cố sức khiêng người thân (ông, bà già yếu nằm liệt chẳng hạn) cần được cân nhắc vì có thể nguy hại đến tính mạng các em. Nhanh chóng tìm cách báo động, thoát ra khỏi đám cháy và hợp tác với lực lượng cứu hộ. Đối với vết bỏng, các em rửa bằng nước sạch và đi đến cơ sở y tế, tuyệt đối không “tự trị” bằng cách bôi kem đánh răng, nước mắm, lá cây… vì dễ nhiễm trùng.

Không để "bà thủy" nhấn chìm

Cha mẹ cần cho trẻ học bơi ở độ tuổi lên sáu, sớm hơn càng tốt. Nếu các em tham gia chuyến đi có một phần lộ trình trên thuyền du lịch, qua phà, đò phải mặc áo phao. Nhanh chóng chọn lấy phao hay bất cứ vật dụng gì trên thuyền có thể nổi trên mặt nước như thanh gỗ, miếng mút... trong trường hợp xấu - lật thuyền. Nếu các em không biết bơi, hoặc bơi yếu, không nên lao ra cứu bạn đang chấp chới giữa dòng nước. Trong hoảng loạn, bạn nhất định sẽ nhấn đầu mình mong tìm vị trí cao hơn để ngoi lên hít thở, vùng quẫy giành sự sống. Như thế, ngay cả khi các em biết bơi cũng có thể bị nhấn chìm và bị nước cuốn.

Để cứu bạn mà không tổn hại đến mình, các em có thể đứng trên bờ quăng ngay áo phao, cây gỗ, bẹ dừa, sợi dây… đồng thời hô to để kêu gọi người đến giúp đỡ. Để tránh trường hợp quăng dây, không gượng nổi nếu nạn nhân có trọng lượng lớn hơn lôi mình xuống sông, nên cột một đầu dây vào gốc cây, bệ đá trên bờ để cố định khi kéo. Đưa cánh tay, dùng cây sào dài cho bạn nắm để kéo lên, cũng phải lưu ý đến tương quan trọng lượng, có kỹ năng quyết định buông khi quá ngưỡng an toàn, tốt nhất là có người lớn đến giúp.

Kỹ thuật sơ cấp cứu, hô hấp nhân tạo để cung cấp oxy nuôi não và các cơ quan không quá khó, trẻ độ tuổi cấp II có thể làm nếu được hướng dẫn. Khi đã đưa bạn lên bờ, các em đặt bạn nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu bạn bất tỉnh, hãy quan sát lồng ngực để kiểm tra xem còn thở hay không. Nếu lồng ngực không cử động, các em tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 15/2 hoặc 30/2 (nên thực hiện sớm nhất có thể).

Sau hai phút, các em xem bạn có thở lại được chưa; đã phản ứng, biết nghe, biết đau chưa; môi đã hồng chưa. Trên đường chuyển bạn tới cơ sở y tế, cứ tiếp tục các động tác cấp cứu này. Trường hợp may mắn, bạn còn tự thở được, các em hãy đặt bạn nằm nghiêng một bên vì bạn có thể nôn ói. Sau đó, các em giúp bạn cởi bỏ quần áo ướt và đắp chăn hay khăn khô giữ ấm. Đặc biệt, dù sau sơ cứu, bạn trông có vẻ ổn nhưng vẫn phải đưa bạn đến cơ sở y tế để tránh nguy cơ khó thở thứ phát vài giờ sau đó.

Giải thoát khỏi "hung thần tí hon"

Ở tuổi hiếu động, thích khám phá thế giới, thích hòa mình vào thiên nhiên nên khi vào rừng hoặc về miền quê, các em nên cảnh giác và nhắc nhở các bạn về nguy cơ ong đốt, rắn cắn… Đi trên lá khô, nơi ẩm thấp, bụi rậm phải mang ủng, giày bít. Leo trèo cây, mải hái trái, coi chừng bị té ngã và còn bị tấn công bất ngờ vì những tán lá xanh có thể là “bản doanh” của rắn lục, ong vò vẽ. Khi nhìn thấy rắn, trẻ nên làm pho tượng đứng/ngồi im, không làm bất cứ động tác gì khiến rắn "hiểu nhầm" ta muốn gây hại nó. Các em hít thở sâu, nhìn trực diện con rắn, chỉ độ 10 giây, rắn sẽ lướt qua. Dùng bạt, áo mưa quấn quanh người hay nhảy xuống hồ nước trốn chạy lũ ong quần thảo trên đầu (lấy nón lá che trên đầu và chừa khe để thở).

Lỡ bị ong đốt, các em khều nhẹ chỗ vòi chích để lại trên vết thương, lấy nhíp gắp ra. Khi bị rắn cắn, các em không nên nặn vết thương vì sẽ làm chảy máu, nọc độc lan nhanh. Nên dùng xà bông, nước ấm rửa sạch, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau, sưng. Đưa bạn đến bệnh viện khi bạn than mệt, chân tay lạnh, nổi mề đay, nước tiểu đỏ và ít hay bị ong vò vẽ đốt 10 vết trở lên.

Khi bản thân hoặc bạn bè bị rắn cắn, hãy nằm yên, đừng quá lo sợ. Để hạn chế hấp thu nọc độc, nên đặt vết cắn thấp hơn tim. Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương nhưng không nên thắt garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi. Ngay cả khi xác định rắn lành cắn cũng cần theo dõi sát, ít nhất là trong sáu giờ đầu, báo cha mẹ đưa đến cơ sở y tế khám, chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.

Có kiến thức, kỹ năng nhưng nếu hoảng loạn, mất bình tĩnh các em cũng không xử trí kịp và lỡ vuột mất thời gian vàng để thoát thân hay sơ cứu cho mình, cho bạn. Các kỹ năng nên được các em rèn luyện thuần thục để có phản xạ tức thì, chuẩn xác. Ví dụ, thấy người bị điện giật, trẻ không chạy ào đến ôm, đỡ lên mà bước đầu tiên là chạy đến rút phích cắm, gạt cầu dao điện. Đảo lộn trật tự thao tác đều có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng.

Mải mê chơi đùa, trẻ không may gây vết thương chảy máu, nứt gãy chân tay thì không hốt hoảng, gào khóc hay chạy, bò lê tứ tung mà có thể nhẹ nhàng lấy mảnh vải sạch, nếu không có thì cởi áo, làm băng, dùng que, cây nẹp chặt vết thương, gọi điện thoại, nhờ người đưa đến cơ sở y tế. Hiểu phương pháp, mục đích của các bước sơ cấp cứu giúp các em nhanh trí, nhạy bén, tận dụng được cơ hội thoát thân. Điều cực kỳ quan trọng khi trẻ được hướng dẫn, thực hành kỹ năng sống là không những tự cứu khi gặp chuyện mà các em còn gia tăng ý thức cảnh giác, phòng tránh, giữ an toàn hay không vô ý tự “giăng bẫy” cho mình và người khác.

Tô Diệu Hiền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI