Dẻo thơm canh khoai mì cá khô

23/12/2023 - 18:42

PNO - Có món nào từ khoai mì mà tôi chưa từng nếm thử? Vậy mà khi nghe bạn nói đến món canh khoai mì nấu cá khô của người đồng bào, đúng thật là có chút bất ngờ và lạ lẫm.

 

Tô canh khoai dẻo nóng hổi, thơm mùi cá khô quả là món hút cơm trong mùa mưa lạnh
Tô canh khoai dẻo nóng hổi, thơm mùi cá khô quả là món hút cơm trong mùa mưa lạnh

A Sao - một người bạn khá thân - hỏi tôi thường hay lên vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế), về làm khách trong các bản làng, đã được nếm những món ngon nào của đồng bào Pa Cô? Tôi xòe tay đếm đếm. Bánh A Quát, bánh Azựh, cháo tà lục tà lào, cơm lam, cá suối, ếch suối, heo bản, rau rừng. Dường như những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng, tôi đều đã may mắn nếm qua. “Món canh khoai mì nấu cá khô thì sao?” - A Sao hỏi. À, món này thì đúng là tôi chưa được nếm thử.

Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo, khoai mì đúng là chẳng lạ lẫm gì. Hồi nhỏ, những bữa cơm độn khoai vẫn diễn ra hằng ngày cho đến khi tôi vào cấp II.

Mẹ tôi vẫn thường biến tấu đủ món ngon từ củ mì để làm rộn rã hơn cho bữa cơm nghèo. Khoai mì hấp, nấu chè, khoai bào ra làm bánh mặn, bánh ngọt… Có món nào từ khoai mì mà tôi chưa từng nếm thử?

Vậy mà khi nghe bạn nói đến món canh khoai mì nấu cá khô của người đồng bào, đúng thật là có chút bất ngờ và lạ lẫm. Người quê tôi chỉ nấu canh khoai như khoai từ, khoai tía, khoai lang. Riêng khoai môn, khoai tây thường dùng cho món hầm, canh khoai mì thì đúng là chưa ai nấu.

A Sao bảo, vậy để cô ấy trổ tài cho tôi mở mang tầm mắt.

Canh khoai mì của người đồng bào Pa Cô có 2 loại. Nếu nấu lỏng thì gọi là Tưr nục săn, nếu nấu đặc thì gọi là Pâr ụp săn. Tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi gia đình mà nấu lỏng hay đặc. A Sao hỏi tôi thích kiểu nào. Tôi chọn Tưr nục săn. Canh mà, lỏng lỏng mới chan cơm được.

Tôi theo chân A Sao lên rẫy mì sau nhà. Nắng vàng ươm chêch chếch phía trên đồi. Dõi mắt khắp các triền đồi xa xa, những rẫy mì xanh ngắt, bạt ngàn trong nắng.

A Sao nói, đó là khoai mì công nghiệp, đắng lắm, không ăn được, chỉ bán cho người dưới xuôi đưa vào các nhà máy. Khoai mì công nghiệp chỉ trồng 6 tháng là thu hoạch.

Khoai nấu canh phải là loại khoai mì nếp, cây có màu đỏ, vỏ củ khoai cũng đỏ. Khoai nếp bở, bùi và hoàn toàn không có vị đắng, nhưng vì cho năng suất thấp nên người dân ít trồng hẳn.

Nhà A Sao là một trong những gia đình nơi này còn giữ được giống khoai mì nếp thơm bùi. 

Nhổ bụi mì chi chít củ, bẻ cho vào gùi; trước lúc rời đi, A Sao nhón tay hái thêm một nắm kiệu rẫy. Cô nói, món canh khoai mì thường nêm lá ngò gai cắt nhỏ hoặc nêm lá kiệu rẫy. Mùi thơm của lá kiệu hoặc ngò gai khiến món canh thêm dậy mùi, bắt vị. 

Khoai nhổ về, A Sao lột bỏ vỏ rồi dùng muỗng cạo từng miếng thật mỏng. Cô nói dùng dao cắt lát, khi nấu lên sẽ không ngon, khoai với nước không thể hòa quyện vào nhau thành món canh sóng sánh.

Người đồng bào cũng không dùng bào để bào mịn củ khoai mà dùng muỗng cạo để từng miếng khoai được kéo dài, mỏng, khi thả vào nồi nước, chỉ cần nấu lên cho sôi, sợi khoai sẽ chuyển từ màu trắng đục sang trong vắt. Khoai chín đều sẽ mềm mịn. Đưa muỗng khuấy nhẹ một vòng, sợi khoai tan ra, nhuyễn mịn sóng sánh.

Món canh khoai mì được A Sao nấu với cá khô. Cá suối nướng lên cho thơm vàng, giòn rụm, sau đó gỡ bỏ xương, thịt cá xé ra từng miếng cho vừa ăn.

Bắc nồi nước sôi lên bếp, thả cá nướng vào, nêm tí muối. Ớt rừng rang lên, tiêu rừng thì đem nướng trên lửa than cho hạt tiêu phồng ra. Tiêu, ớt đem giã nhỏ rồi nêm vào nồi. Đợi nước sôi một chút, để thịt cá tiết ra vị ngọt thì thả khoai đã nạo vào. Dùng vá đè lớp khoai cho ngập trong nước.

Nấu canh khoai không nên khuấy nhiều, sẽ khiến bột khoai đọng dưới đáy nồi, dễ khét. Chỉ cần nồi canh sôi lục bục vài lần, khoai chuyển sang màu trong vắt là nồi canh đã chín. Nhấc nồi canh xuống, cho thêm nắm lá kiệu cắt nhỏ vào; nồi canh bốc lên từng làn khói trắng, mang theo mùi thơm dìu dịu.

Canh khoai của người đồng bào mang đậm hương vị núi rừng, đủ ngọt bùi, nồng cay. Múc muỗng canh nóng hổi, thổi vài cái cho bớt nóng rồi ăn. Nước canh sánh mịn, có vị thơm bùi của khoai, vị ngọt thơm của thịt cá nướng, hương kiệu quẩn quanh, vị cay cay nồng nàn của tiêu ớt đã tạo nên một bản hòa ca của đại ngàn.

Người đồng bào thường ăn canh khoai với cơm hoặc dùng để ăn no. Bữa cơm hôm ấy, tôi đã thưởng thức nồi canh khoai của A Sao đến no căng. Vị ngọt thơm lành của nồi canh khoai nơi vùng cao A Lưới vậy mà cứ vấn vương mãi theo bước chân tôi xuôi về phố thị. 

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI