Đeo khẩu trang giúp con người tạo ra miễn dịch tự nhiên với COVID-19?

13/09/2020 - 14:52

PNO - Bài bình luận, vừa đăng trên tạp chí Y học New England, đặt ra giả thuyết chưa được chứng minh nhưng nhiều hứa hẹn rằng đeo khẩu trang có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của vi rút và đảm bảo rằng một tỷ lệ lớn các ca nhiễm mới không có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng khẩu trang có thể mang lại cho mọi người khả năng miễn dịch với COVID-19 và khiến họ ít bị bệnh do coronavirus hơn.

Nếu giả thuyết này được chứng minh, việc đeo khẩu trang có thể trở thành một hình thức "biến thể " ( variolation *) của tiêm chủng tạo ra khả năng miễn dịch và làm chậm sự lây lan của coronavirus trên toàn cầu trong khi thế giới chờ đợi một loại vắc-xin được công nhận.

(*) Variolation được đúc kết dựa trên việc gây nhiễm một bệnh nhân bằng một vật liệu (vảy hoặc mủ) từ người nhiễm đậu mùa vào thế kỷ XVI. Những người khỏe mạnh sẽ tiếp xúc hoặc hít các vật nhiễm này. Ng‎ười ta hy vọng người mới nhiễm này, tình trạng bệnh sẽ đỡ nặng hơn những người đầu tiên. Sau khi hồi phục, có thể họ tự hình thành cơ chế miễn dịch với bệnh đậu mùa và không mắc bệnh nữa.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet vào tháng 8/2020 cho thấy tải lượng virus (viral load – số lượng virus trong một thể tích nhất định) trong chẩn đoán là một yếu tố xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh tật.

Khẩu trang có thể lọc bớt virus từ những giọt bắn, do đó có thể làm giảm liều lượng lây nhiễm cho người đeo khẩu trang. Trong khi đó một lượng virus thấp cũng có thể đủ để  kích hoạt phản ứng miễn dịch, tạo ra kháng thể tạm thời với coronavirus, đây là hiệu quả của một loại vắc-xin thông thường.

Trong khi cần có thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng để chứng minh giả thuyết này thì một thí nghiệm trên chuột đồng đã gợi ý về mối liên hệ giữa liều lượng virus và bệnh tật.

Đầu năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng những con chuột hamster được nhốt sau khu vực bảo vệ làm bằng khẩu trang y tế ít có khả năng bị nhiễm virus hơn. Và những con đã nhiễm virus ít bị bệnh hơn những loài động vật khác khi không được bảo vệ.

Một số quan sát được tìm ở người dường như cũng ủng hộ điều này. Ví dụ, trong đợt bùng phát coronavirus trên một con tàu du lịch Argentina bị cách ly, nơi hành khách được cung cấp khẩu trang y tế và nhân viên đeo khẩu trang N95, tỷ lệ nhiễm bệnh không có triệu chứng là 81%.  Trong khi tỷ lệ này ở các con tàu du lịch bị cách ly nhưng không có khẩu trang là 20%.

Đeo khẩu trang được kỳ vọng tạo ra miễn dịch tự nhiên của cơ thể
Đeo khẩu trang được kỳ vọng tạo ra kháng thể tự nhiên của cơ thể

Tuy nhiên, Tiến sĩ Monica Gandhi, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, một trong những tác giả của bài báo, nhấn mạnh rằng quan điểm trên vẫn còn những hạn chế và cho đến giờ phút này vẫn chỉ là giả thuyết.

“Để kiểm tra giả thuyết, chúng tôi cần thêm các nghiên cứu so sánh sức mạnh và độ bền của miễn dịch tế bào T đặc hiệu SARS-CoV-2 giữa những người bị nhiễm không có triệu chứng và những người bị nhiễm có triệu chứng, cũng như chứng minh sự chậm lại tự nhiên của SARS-CoV-2 lây lan ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm không triệu chứng cao, ” Monica Gandhi nói.

“Tuy nhiên, đúng là tỷ lệ nhiễm không có triệu chứng tăng lên do đeo khẩu trang ít nhất có thể làm tăng tỷ lệ dân số đạt được khả năng miễn dịch ngắn hạn đối với vi rút trong khi chúng ta đang chờ vắc-xin”.

Chia sẻ sự lạc quan thận trọng của Tiến sĩ Gandhi, Tiến sĩ Julian Tang, Phó giáo sư Danh dự Khoa học Hô hấp tại Đại học Leicester phát biểu: “Ý tưởng về 'biến thể' này - một thuật ngữ có nguồn gốc từ thời kỳ tiền vắc-xin đậu mùa - khá khả thi và có thể làm tăng thêm tác dụng bảo vệ của việc đeo khẩu trang. Nó kích thích mức độ thấp hệ thống miễn dịch của người sử dụng khi tiếp xúc với SARS-CoV-2 trong không khí, có thể tạo ra phản ứng miễn dịch nhưng không có bất kỳ dấu hiệu lây nhiễm và bệnh tật công khai nào. Tất nhiên, cần có nhiều nghiên cứu chính thức hơn để xác nhận hiệu ứng này và rất có thể có những thí nghiệm tự nhiên đang diễn ra trên khắp thế giới vào lúc này”.

Khánh Vân (theo The Telegraph)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI