Đến với học sinh Cill Cus trong ngày mưa bão

05/10/2022 - 13:30

PNO - 230 học sinh người dân tộc Cill, trường tiểu học Cill Cus, thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã có một ngày vui trọn vẹn dù ảnh hưởng cơn mưa bão.

Chúng tôi vượt qua gần 300 cây số để đến với các em Trường tiểu học Cill Cus trong ngày bão Noru đổ bộ vào miền Trung. Đường vào ngôi trường bình thường đã khó, nay lại càng khó. Trường vừa được xây mới khang trang tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. 230 học sinh đang học tập tại trường đều là đồng bào dân tộc Cill - một nhánh của đồng bào dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng. 

Các em đón khách bằng những tấm áo ấm cũ kỹ, nhưng gương mặt tươi rói nụ cười. “Đây là quà gì, ăn bằng cách nào vậy cô?” - một bé gái ngây ngô hỏi khi nhận hộp sữa chúng tôi trao tặng. “Đôi dép này nếu con mang không vừa thì con có cho chị của con được không?”, “Khi nào các cô quay lại tặng quà cho tụi con nữa?”… Bao nhiêu câu hỏi khiến chúng tôi tạm quên đi mưa gió đang hoành hành.  

Học sinh Trường tiểu học Cill Cus đón nhận chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” đến với trường
Học sinh Trường tiểu học Cill Cus đón nhận chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” đến với trường

Buổi truyền thông “Phòng, chống xâm hại trẻ em” diễn ra nơi sân trường chưa kịp ráo nước. 230 học sinh lạ lẫm nhưng hào hứng khi tiếp nhận những kiến thức, thông điệp cụ thể nhằm giúp các em hiểu và biết cách tự bảo vệ bản thân. Và chuyến đi càng có ý nghĩa khi chúng tôi biết rằng, trẻ ở vùng sâu vùng xa có nhiều nguy cơ nhưng lại ít điều kiện tiếp cận thông tin. Tiếc là, mọi hoạt động buộc phải diễn ra gọn hơn so với dự tính ban đầu để các em không bị ướt và lạnh.

Thầy Trần Quang Lâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cill Cus - cho biết, mặc dù trường được xây mới khang trang nhưng điều kiện hoạt động, sinh hoạt, dạy - học còn thiếu thốn do không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ. Sự thiếu thốn có thể nhìn thấy rõ trong niềm vui của thầy cô khi biết rằng, trong những món quà đoàn tặng có những cuộn giấy vệ sinh. “Đó là món quà rất thiết thực bởi trường đang rất cần, nhưng kinh phí không có để mua” - một cô giáo của trường tâm sự.

Không chỉ khó khăn về điều kiện vật chất mà nhận thức của những phụ huynh quanh năm phơi lưng trên nương rẫy đã khiến con đường đến trường của những đứa trẻ vùng cao bị đứt đoạn. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ chỉ lo làm rẫy, làm vườn, mong có cái ăn, cái mặc chứ chưa nghĩ xa hơn về tương lai con trẻ. “Phần lớn học sinh ở đây nói tiếng Việt chưa rành, do đó, trường phải dạy chương trình tăng cường tiếng Việt cho các em. Thầy cô giáo vừa phải dạy trên lớp, vừa đến tận nhà để “rủ” các em đến lớp vì các em thường hay bỏ học theo bố mẹ đi rẫy, đi rừng. Đã có được ngôi trường khang trang thế này, chúng tôi quyết tâm phải đưa các em đến lớp, không để các em mù chữ…” - thầy hiệu trưởng chia sẻ. 

Để thực hiện quyết tâm ấy, trong thời gian qua, các thầy cô giáo vừa làm người đứng lớp, vừa đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động đồng bào quan tâm hơn và tạo điều kiện cho con em đến lớp.

Để Trường tiểu học Cill Cus bớt đi phần nào khó khăn, Ban Tuyên giáo và chi bộ Ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN TP.HCM đã thực hiện chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” tại ngôi trường này. Ngoài hoạt động truyền thông, trao tặng 230 phần quà cho các em, đoàn còn hỗ trợ 40 phần quà cho các thầy cô - những người không ngại khó để ở lại, nâng đỡ các em trên hành trình tri thức, đồng thời trao tặng thêm một số vật dụng phục vụ sinh hoạt cho trường với mong muốn góp thêm một phần nhỏ để cùng với nhà trường tổ chức tốt hơn việc dạy và học, động viên tinh thần thầy trò vùng xa còn nhiều khó khăn, cùng hướng đến những điều tươi đẹp trong cuộc sống. 

Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI