Ở đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau), lớp học của thầy giáo, thiếu tá Trần Bình Phục nằm ở lưng chừng dốc. So với trong đất liền, lớp học của thầy Phục còn nhiều thiếu thốn. Thế nhưng, mười mấy năm qua, lớp học ấy vẫn là một điểm tựa để nhiều bà con vững lòng vươn khơi, bám biển.
Gieo ước mơ từ con chữ
Đi hết 375 bậc thang - một nửa đoạn đường lên trạm ra đa 615 - đoàn chúng tôi thấm mệt vì nhiều đoạn dốc cao dựng đứng. Khi 2 chân còn đang líu ríu vào nhau, chưa kịp định thần thì từ lớp học tình thương của thầy Phục vọng lại tiếng giảng bài. Nhìn qua cửa lớp, sự mệt nhọc của chúng tôi vơi đi khi thấy những ánh mắt trong veo, làn da bánh mật và mái tóc cháy nắng của học trò miền biển.
Quanh năm bươn chải lo cái ăn, cái mặc, nhiều phụ huynh ở Hòn Chuối dù rất muốn cũng khó thể cho con đến trường. Càng khó khăn hơn khi trên đảo hiện chưa có trường học. Lớp học tình thương của thầy Phục do Đồn Biên phòng Hòn Chuối và tổ dân quân tự quản lập ra để giúp hành trình đến với con chữ của lũ trẻ bớt đi khó nhọc. Cũng vì lẽ đó mà 12 học trò trong lớp của thầy Phục có nhiều em học trễ so với tuổi.
|
Thầy Trần Bình Phục hướng dẫn học sinh |
Bé Nguyễn Thảo Nguyên - 13 tuổi, học lớp Bốn - ngập ngừng nói về hoàn cảnh: “Nhà con nghèo lắm! Ban ngày con đi học, chiều về con đi câu cá mướn. Có hôm con với bạn câu được 20 con lận đó cô”. Thảo Nguyên là con út. Vì gia cảnh khó khăn nên em muốn đi làm để có thêm chút tiền. Giống như Thảo Nguyên, đa phần các em đều đi làm thuê để cải thiện cuộc sống hằng ngày của gia đình.
Thầy giáo Trần Bình Phục cho biết, mười mấy năm qua, dù còn nhiều thiếu thốn, lớp học tình thương của Đồn biên phòng Hòn Chuối đã bền bỉ mang con chữ đến với con em trên xã đảo. Thầy Phục hạnh phúc khi đề cập đến một học trò cũ hiện đang học đại học năm thứ ba ở Cần Thơ. Cuối năm vừa qua, em cho biết nằm trong nhóm những sinh viên có thành tích tốt nhất của trường. “Từng đưa em vào đất liền đi học, tôi thật sự rất vui khi nghe em báo cáo thành quả sau bao năm cố gắng” - thầy Phục xúc động.
Điều thầy Phục khiến mọi người cảm mến là dù trực tiếp đứng lớp, thầy luôn nhắc về những người đồng đội phía sau. Thầy tin với sự giúp sức của đơn vị và các đồng đội, nếu một ngày thầy không thể đứng lớp vẫn sẽ có nhiều “thầy giáo mang quân hàm xanh” khác tình nguyện làm thay nhiệm vụ của mình.
Rời Hòn Chuối, chúng tôi đến đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang). Tôi ngồi sau xe máy của chú Út Huệ để cùng đoàn lên trạm ra đa 600 thăm các chiến sĩ. Đường trơn và dốc cao, nhiều đoạn xe phải “bò” khá vất vả mới đến được đích. Cuộc chuyện trò với chú Út Huệ cho tôi biết mối quan hệ giữa bà con và các chiến sĩ, các lực lượng đóng quân trên xã đảo rất thắm thiết, nghĩa tình.
Chú Út Huệ kể, ở Nam Du, nhiều người gắn cả cuộc đời với nghề biển. Để bà con yên tâm vươn khơi, các lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ tuyên truyền cho ngư dân nắm được các ngư trường, hiểu luật để đánh bắt an toàn, hiệu quả. “Nhiều việc làm tuy mắt mình không thấy nhưng dạ mình an tâm vì biết phía sau còn có bộ đội hỗ trợ. Có việc gì ngoài khơi gọi về đều được giúp đỡ” - chú Út Huệ nói.
Thêm điểm tựa niềm tin
Gần 8 năm công tác tại các nhà giàn, thiếu tá Bùi Văn Thọ - nhân viên quân y của nhà giàn DK1/10 - cho biết, ngoài khám chữa bệnh cho quân nhân, anh từng nhiều lần cứu chữa, điều trị các trường hợp ngư dân bị thương hay đau ốm ngoài khơi tìm đến nhà giàn. Dân thường đến vào những hôm sóng lớn, lực lượng hải quân phải rất khó khăn để đưa người bệnh lên nhà giàn.
Nếu mắc các bệnh thông thường, nhà giàn cơ bản có thuốc để hỗ trợ. Nhưng cũng có trường hợp phải liên hệ các đơn vị từ xa ứng cứu. “Là chiến sĩ quân y, tôi tâm niệm, bằng tất cả kiến thức, trách nhiệm của mình, cố gắng điều trị, hỗ trợ ngư dân có sức khỏe tốt nhất để bà con yên tâm vươn khơi, bám biển” - thiếu tá Bùi Văn Thọ nói.
Tại nhà giàn DK1/10 và 7 đảo thuộc vùng biển Tây Nam mà đoàn đại biểu TPHCM đến thăm, nhiều điểm, năng lực y tế chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của quân và dân trên đảo, chưa thể điều trị những ca bệnh nặng. Ông Nguyễn Trọng Hồng - Phó bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang) - cho biết, trên xã đảo hiện có 2 bác sĩ, 6 nhân viên y tế.
|
Bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM - trao sổ tay hướng dẫn sơ cấp cứu cho lực lượng quân y |
Dù còn thiếu thốn nhiều mặt, lực lượng quân dân y đã rất nỗ lực để khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Hiện tại, do 5 ngày mới có 1 chuyến tàu ra xã đảo nên riêng với các ca bệnh vượt tuyến, lực lượng quân y phải nhờ biên phòng, cảnh sát biển mới có thể đáp ứng việc chạy chữa, cứu người.
Trong chuyến thăm quân dân tại vùng biển Tây Nam lần này, nhóm các đại biểu đang công tác trong ngành y tế của TPHCM đã có nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài tặng quà là các toa thuốc cơ bản, thuốc bôi ngoài da, thuốc xịt họng, xịt mũi, cẩm nang sơ cấp cứu cũng được gửi đến lực lượng quân dân y trên các điểm đảo.
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM - cho biết, khi trao đổi với lực lượng quân y trên các xã đảo và nhà giàn DK1/10, anh đều lưu ý: từ nay về sau, mọi người hoàn toàn có thể gọi đến đường dây nóng của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM để xin tư vấn từ xa. Bác sĩ Long nhận định, với các ca cấp cứu, thời gian đầu phát hiện bệnh cực kỳ quan trọng. Do đó, nếu cần, quân y các xã đảo có thể gọi để nghe tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM. Bác sĩ Nguyễn Duy Long hy vọng sự chung tay nhỏ bé này có thể giúp quân và dân vùng biển Tây Nam yên tâm hơn trong quá trình lao động, công tác.
Hành trình vươn khơi, bám biển của ngư dân là hành trình nhọc nhằn, nặng nỗi lo cơm, áo. Trên hành trình ấy, để vững tâm, người dân rất cần những điểm tựa. Điểm tựa đó có thể là lớp học của thầy giáo, thiếu tá Trần Bình Phục, là công tác cứu chữa 24/24 của lực lượng quân y, là tinh thần “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim” mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn ghi nhớ.
Diễm Mi
Kỳ cuối: Những chuyến hải trình yêu thương thầm lặng