Đến trường đi em, mọi ước mơ đang lớn lên ở đó

08/04/2019 - 06:30

PNO - Không chỉ là niềm yêu thích của mọi đứa trẻ, là niềm tự hào của tất cả thầy cô và học sinh Trường tiểu học Bế Văn Đàn, sân bóng mini còn khiến người ta tin rằng đây sẽ là nơi ươm mầm mọi ước mơ thơ bé.

Ngôi trường tiểu học Bế Văn Đàn (xã Đắk R’Tíh, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nằm yên ả trên một ngọn đồi. Từ nơi này, có thể phóng tầm mắt thật xa đến những cánh rừng trải dài tít tắp, những nương chè xanh mướt, những bản làng khiêm nhường nép mình trong ánh hoàng hôn. Nhiều tháng nay, có dịp đi ngang ngôi trường vào giờ bọn trẻ ê a trên lớp, người ta lại thấy một phụ nữ người dân tộc đang tha thẩn trước cổng trường.

Đường tới trường quá xa…

Người phụ nữ với cánh tay co quắp sau tai nạn ngã vào một đám lửa đang cháy - tai nạn thật khó xảy ra với bất kỳ người bình thường nào, nhưng đã xảy ra với một người có tiền sử động kinh như chị. Như thường lệ, người phụ nữ ấy kiếm một vị trí thuận tiện nhất trước cổng trường để với ánh nhìn héo úa về dãy lớp Một - nơi có đứa con đang học. 

Den truong di em, moi uoc mo dang lon len o do
 

Chị ngồi đấy hàng giờ đồng hồ, cho đến khi tiếng trống giòn giã báo hiệu tan lớp, để được tận tay dắt con băng qua một chặng đường đất đỏ lầy lội về ngôi nhà lợp mái tạm cách đó non hai cây số. 

Hình ảnh này bắt đầu trở nên quen thuộc. Quen thuộc như chuyện người mẹ thỉnh thoảng lên cơn động kinh trước cổng trường của con, có khi không kiểm soát được việc xô cả cô giáo của con ngã sấp mặt khi lên cơn co giật, trong lúc các cô có mặt kịp thời ứng cứu. Quen thuộc đến nỗi người dân trong buôn xem chuyện chia sẻ miếng ăn mỗi ngày cho hai mẹ con như một nghĩa vụ của mình, để rồi không nguôi cám cảnh: với sức khỏe rất tệ của người mẹ và cuộc sống cậy nhờ vào tình làng nghĩa xóm của cả hai mẹ con, không biết rồi đây, hình ảnh người mẹ dắt con đến trường, ngồi chờ con hàng giờ trước cổng và cùng nhau bước đi liêu xiêu trên đoạn đường đất đỏ để trở về nhà sẽ kéo dài được đến bao giờ?

“Những đứa trẻ sẽ còn đến trường được tới lúc nào” là câu hỏi không nguôi ám ảnh các thầy cô Trường tiểu học Bế Văn Đàn từ nhiều thế hệ. Không chỉ đoạn đường đi học dài hàng chục cây số, khô cằn vào mùa nắng và lầy lội nhớp nháp vào mùa mưa ngăn cản những bước chân nhỏ bé; không chỉ khu nội trú chật chội xuống cấp chỉ cho phép lưu trú được nhiều nhất 10 học sinh vùng sâu, khiến một số em khác có nhà ở xa trường phải tự bỏ tiền ra thuê một chỗ trọ gần đó với giá 500.000 đồng/tháng mà còn là gánh nặng kinh tế gia đình làm oằn những đôi vai bé nhỏ, khiến bước chân đến với tri thức buộc phải chùn lại. 

Thầy Phạm Đình Hải - hiệu trưởng nhà trường - cho biết, các em bỏ học nhiều nhất là vào những mùa thu hoạch. Chẳng hạn như lúc này điều đang vào vụ, có hơn phân nửa học sinh phải nghỉ học để theo cha mẹ vào nương hái điều đem ra chợ bán. Cái chữ không mang lại lợi nhuận ngay lập tức, nhưng một mùa điều có thể khiến người ta sống được nhiều tháng. Suy nghĩ đó làm ước mơ con chữ cũng bị méo mó, héo hon... Thậm chí cách đây hơn 4 năm, có một học sinh gia đình khó khăn, mẹ phải sang Malaysia lao động, một ngày bố bận đưa đứa út đi khám bệnh, ở nhà, hai anh em rủ nhau đi mò cua kiếm thêm thu nhập và không may bị điện giật chết. Từ đó, con đường đến trường cùng với ước mơ con chữ của em cũng mãi mãi khép lại.

Sân cỏ xanh, ươm ước mơ xanh

Rồi một ngày nọ, tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn, khoảng sân nhỏ trước một dãy lớp học gập ghềnh đá sỏi bỗng dưng trở mình xanh mướt. Gần 400m2 được phủ cỏ nhân tạo xanh rì, cả trăm mét lưới bảo vệ được dựng lên lừng lững bao quanh bốn bề, hai khung thành đan lưới trắng tinh cũng được lắp gọn tại hai bên mép sân đối diện nhau. Một sân bóng mini đã xuất hiện đầy kiêu hãnh sau nhiều nỗ lực của các nhà hảo tâm và công sức của thầy trò trường này. 

Khi sân bóng còn chưa hoàn thành, ngày nào người dân buôn Bon Rờ-muông cũng chứng kiến bọn trẻ con với những đôi mắt sáng rỡ, những đôi chân hăm hở tập trung về sân bóng sau giờ tan học. Chúng nằm lăn lê bò toài trên cỏ, mê mẩn hít hà mùi nhựa mới. Chúng tự chia đội hình để đá bóng cùng nhau. Không có đồng phục thi đấu, chúng tự quy định một đội mặc áo và một đội cởi trần. Chúng bám trường nhiều hơn, lâu hơn, và đến trường với nhiều động lực hơn. Người ta tin sự háo hức, mê say, yêu thích này không chỉ hiện diện trong những ngày đầu mới mẻ mà sẽ còn kéo dài rất lâu sau đó. Không chỉ là niềm yêu thích của mọi đứa trẻ, không chỉ là niềm tự hào của tất cả thầy cô và học sinh Trường tiểu học Bế Văn Đàn, sân bóng mini còn khiến người ta tin rằng đây sẽ là nơi ươm mầm mọi ước mơ thơ bé, dung dưỡng và nuôi chúng lớn lên bất kể tháng năm. 

Và hy vọng, câu hỏi “những đứa trẻ vùng này sẽ còn được đến trường tới lúc nào” sẽ không còn quá khó để có câu trả lời... 

 Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI