Đến trường để vui học, không phải gánh áp lực đến nhảy lầu

13/04/2018 - 06:00

PNO - Con tôi không phải là con bạn. Nếu tôi ép con giỏi giang bằng con bạn, hẳn tôi đang từng ngày ép chết con.

Một học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM vừa nhảy lầu tự sát. Tôi ước đây là tin cuối cùng về việc các em nhỏ chết vì áp lực học hành, điểm số.

Cuốn sách Em phải đến Harvard học kinh tế (Lưu Vệ Hoa) được bán hàng triệu bản, thành sách gối đầu giường của nhiều cha mẹ Trung Quốc. Ai cũng biết, Harvard là trường đại học hàng đầu thế giới, nơi đào tạo ra rất nhiều tổng thống, nguyên thủ và những người nổi tiếng giỏi giang, giàu có.

Tại Việt Nam, Em phải đến Harvard học kinh tế tái bản hàng chục lần, là câu cửa miệng của nhiều cha mẹ khi mách nhau tìm sách huấn luyện con thành tài. Sách khơi gợi trong mỗi bà mẹ giấc mơ học hành đỗ đạt của con cái, kèm theo đó, là vạch ra lộ trình chạm tới giấc mơ: đứa con đến Harvard, đứa con tới thành công.

Den truong de vui hoc, khong phai ganh ap luc den nhay lau

Gần đây, học sinh Việt được các trường quốc tế chiêu sinh ngày càng nhiều. Nên có vẻ như giấc mơ Harvard không còn quá xa xôi. Một bà mẹ Harvard trở thành hot facebooker. Sách cô ấy in ra bán chạy, trang cá nhân của cô có lượng cha mẹ follow nhiều vô kể.

Nhưng tôi đã không còn theo dõi bà mẹ ấy. Sách của bà mẹ ấy viết tôi đọc rồi. Sách viết dễ hiểu, kiến thức bà mẹ đưa rất khoa học, rất đúng tâm lý trẻ. Cô ấy đã nỗ lực không ngừng để đào tạo con những kỹ năng từ rất nhỏ đề sống và học tập không ngừng trong vui thú.

Nhưng, mỗi đứa trẻ là một khác biệt. Nếu con bạn say mê học hành, vui thú học đàn, luyện tiếng Anh không mệt mỏi trong tiếng cười, bạn cứ cùng bé tiến thêm trên con đường tri thức.

Còn tôi, tôi chọn không. Vì con tôi không phải là con bạn. Nếu tôi ép con giỏi giang bằng con bạn, hẳn tôi đang từng ngày ép chết con.

Cháu trai tôi vừa nhận giấy báo vào ngành y Đại học Stanford (Mỹ). Học bổng tự cháu kiếm được. Từ nhỏ cháu đã ham học vô cùng, không được học hành, nạp kiến thức là cháu có cảm giác mình thừa thãi vô dụng. Không giữ được vị trí đầu lớp là cháu bứt rứt, khó chịu. Khi đạt mục tiêu trong học tập, cháu thấy hạnh phúc.

Nhưng em cháu khắc hẳn. Thằng bé không có khả năng tập trung, chỉ thích ngọ nguậy chạy nhảy, và phá đồ đạc. Cùng học một tuyến trường lớp, cùng một môi trường cha mẹ, nhưng khả năng tiếp thu kiến thức của chúng rất khác nhau. Chị tôi càng ép đứa thứ hai giỏi giang như anh nó, thì nó càng học kém, chống đối như "ngựa chứng".

Tôi biết một cậu bé lớp Sáu luôn ở "top 3" trong lớp. Cứ tới kỳ thi là cậu lo mất ăn mất ngủ. Hôm qua, mẹ cậu nhắn tin cho tôi: 12/4 mới thi môn đầu, mà em thấy nó đã xanh rớt. Còn gầy hơn cả hồi thi kỳ I. Mà kỳ I, tôi được biết cậu bé sụt mất 1,5kg vì áp lực thi cử.

Tôi nhiều lần hỏi mẹ cháu: "Sao em không nói con? Như con chị, bao nhiêu điểm cũng được. Mẹ cho phép thi rớt thì thi lại, nên cứ đúng 10g thì đi ngủ, dù bài xong hay chưa". Mẹ bé giãy nảy: "Em đâu có ép học giỏi, mà chính cháu hay nhìn ba nó mà muốn như ổng". À tôi đã nhớ, ba cậu bé là tấm gương từng được báo chí ca ngợi. Anh ấy từ quê nghèo ra thành phố học không ngừng nghỉ để trở thành một tiến sĩ y khoa có tiếng.

Den truong de vui hoc, khong phai ganh ap luc den nhay lau

Hóa ra, áp lực "thằng anh, con em", áp lực "ông bố giỏi giang" đang đè nặng vai những đứa trẻ. "Hoc dốt thì mai này đi bán vé số nhé", không ít cha mẹ đang dọa con như thế.

Học dốt thì sao nhỉ? Một cô bán vé số vui vẻ, yêu đời, vừa lòng với đĩa cơm tấm 20 ngàn đồng mỗi bữa có hay hơn một cô đi xe hơi, ăn nhà hàng sang chảnh mà lúc nào cũng lo lắng, cau có không? Một anh chạy xe ôm Grab tốt bụng và lạc quan có hay hơn một anh chủ doanh nghiệp đầu lúc nào cũng như nổ tung vì mưu mô để đối phó trăm bề?

Tôi hay nói thế với hai đứa con. Tôi nói nhiều những lúc con buồn vì không được học sinh giỏi, những khi cô “hành” cháu chép một bài văn tới 6 lần cho giống hệt văn mẫu của cô, để có điểm thi tốt.

Con tôi cũng như bao đứa trẻ tuổi teen, rất thích ăn nhà hàng sang chảnh, rất hay ước mơ mẹ cha nhiều tiền bạc. Cháu thèm được leo lên xe hơi đời mới của cha mẹ chúng bạn. Có khi cháu hỏi tôi: "Nghề nào kiếm nhiều tiền hả mẹ? Học giỏi thì mới làm được nghề nhiều tiền hả mẹ".

Tôi nói với con, tất cả vật chất trên đời này đều do người ta vất vả làm ra. Ai có khả năng tốt hơn thì người ấy kiếm tiền dễ hơn người khác. Nhưng "thượng đế đã vì những con chim yếu ớt mà tạo ra những cành cây thấp", ai cũng có chỗ đứng của mình, giá trị của mình. Không việc gì phải "xoắn" nếu nhà mình nghèo hơn nhà bạn, mình học dở hơn bạn.

Tôi nói, các con cứ học hết sức, phấn đấu hết sức mình, vì học hành là trách nhiệm của con lúc này. Làm việc, đóng góp cho xã hội và kiếm tiền nuôi bản thân là nhiệm vụ của các con khi trưởng thành. Nhưng đừng để áp lực đó làm lu mờ lý trí. Cuộc sống còn nhiều điều hay, điều vui dành cho người không giàu, không giỏi, như mẹ đây này. Mẹ có khi nào buồn vì mẹ nghèo, mẹ học dở đâu!

Tôi nói, nếu con muốn đến Harvard để học thành tổng thống, nguyên thủ và kiếm được chỗ làm trả lương tốt, hơn nữa, con vui thích với việc học hành, vui thích với áp lực để phấn đấu, thì con cứ cố gắng. Nhưng, bất cứ khi nào mỏi mệt, phải nói ngay với mẹ. Mẹ sẽ bên con, giúp con.

Ít nhất là giúp con sống như mẹ đây. Không giàu, không giỏi nhưng luôn vui vẻ, hạnh phúc và trân trọng những mình có. Tới Harvard để cười, chứ không phải để nhăn nhó, khổ đau, hay có lúc nào đấy phải nhảy lầu vì áp lực, con nhé!

Vương Như Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI