Đến trại heo, mới tin thịt sạch

02/04/2018 - 11:00

PNO - Để nông sản có sức cạnh tranh trong thời buổi hội nhập, sản phẩm phải an toàn, ngon, số lượng lớn, chất lượng đồng đều và có chiến lược thị trường tốt.

Thế nhưng, do mối liên kết lỏng lẻo của các khâu (quy hoạch, nuôi trồng, kinh doanh), nông sản Việt hiện vẫn “chập chờn” về số lượng, chất lượng, thị trường. Hiện, hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ đang rất “khó sống” do giá cả quá eo sèo, buộc phải nhường sân chơi cho những doanh nghiệp lớn của nước ngoài.

Trong khi đó, một chủ trang trại lại vẫn bán được thịt heo với giá cao nhờ nuôi heo bằng chế phẩm vi sinh. Thực tế xuất khẩu trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long lại cho thấy: khi doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của thị trường các nước, chủ động đặt hàng thì nông dân sẽ cung ứng được nguồn nông sản đáp ứng đúng các yêu cầu xuất khẩu, từ đó cùng doanh nghiệp hưởng lợi từ nông sản…

Trong một thị trường thịt heo hỗn loạn với nhan nhản thịt heo bệnh, heo chết, heo chứa chất kháng sinh, chất tăng trọng… thì thịt heo được chăn nuôi và kháng bệnh bằng chế phẩm vi sinh tại nông trại của thạc sĩ Triệu Hồng Vân, ở thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, đã thật sự đáp ứng được niềm mong mỏi của người tiêu dùng.

Den trai heo, moi tin thit sach
 

Nông trại chăn nuôi heo bằng chế phẩm vi sinh của chị Vân nằm cách TP.HCM hơn 150km. Những con heo khỏe mạnh đang được nuôi trong khu đất trống của một vườn cao su rộng 5ha.

Mỗi tháng, chị Vân xuất chuồng 40-50 con heo thịt, phân phối cho khoảng 10 đại lý thực phẩm hữu cơ tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây. Tuy giá thịt heo của chị cao gấp 1,5 lần so với thịt heo thường, nhưng khách hàng vẫn ưa chuộng và tiêu thụ nhanh. 

Hầu hết mọi người khi đến thăm nông trại của chị Vân đều bất ngờ vì nơi đây rất sạch sẽ, không có mùi hôi.

Chị chia sẻ: “Các giống heo được nuôi bằng loại thức ăn hỗn hợp gồm cám bắp, cám gạo, rau, cá và đậu nành. Sản phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, có tác dụng tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, phòng bệnh đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng, tăng chất lượng thịt. Các chủng vi sinh vật có lợi sẽ chuyển hóa thức ăn và cung cấp đầy đủ các a-xít amin giúp vật nuôi hấp thu triệt để thức ăn và cung cấp đầy đủ các protein và vitamin cần thiết cho sự sinh trưởng, giúp giảm đáng kể mùi hôi và ruồi muỗi chuồng trại”. 

Chị Triệu Hồng Vân từng là cử nhân ngành hóa sinh, được giao nhiệm vụ quản lý các nhóm lao động sang học tập tại Nhật Bản - nơi có nhiều ứng dụng vi sinh vào chăn nuôi và trồng trọt, chị đã mày mò tự học và nghiên cứu để tìm kiếm chủng vi sinh phù hợp với môi trường, khí hậu Việt Nam.

Tuy nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm vi sinh Thiên Nông của chị đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận, nhưng việc thuyết phục người tiêu dùng không dễ dàng. Chị chia sẻ: “Sản phẩm thịt heo hữu cơ, thịt heo sạch tự phong trên thịt trường không hiếm nên niềm tin của người tiêu dùng cũng đã mai một đi nhiều. Vì vậy, người mua sản phẩm của tôi thường tự trải nghiệm để có lòng tin, chứ không bằng bất cứ chiến dịch truyền thông, quảng cáo nào”. 

Sau bốn năm kiên trì với công việc của mình, sản phẩm thịt heo vi sinh của chị Vân đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy lượng khách hàng ngày càng tăng, nhưng chị chưa vội mở rộng quy mô chuồng trại, nhằm giữ chất lượng thịt ổn định. Mặt khác, chế phẩm vi sinh do chị nghiên cứu cũng được sử dụng ngày càng rộng rãi cho trồng trọt, chăn nuôi. 

“Tôi rất vui mừng khi nghe rằng, có những người nông dân không còn phun thuốc bảo vệ thực vật độc hại cho cây trồng nữa. Con số hơn 110.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm là hoàn toàn có thật. Một con số khủng khiếp! Ngoài ra, hiện có khoảng 2,2 triệu ha đất nông nghiệp bị hủy hoại do phân bón vô cơ làm đất bạc màu, tăng độ chua, mặn... Phần lớn nông dân đều biết tác hại khôn lường của phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng họ buộc phải sử dụng khi chưa biết đến chế phẩm vi sinh” - chị Vân chia sẻ. Sau một vài phút trầm ngâm, chị nói: “Tuy nhiên, khó trách người nông dân chỉ trồng trọt theo thói quen, không chịu tiếp thu những sáng kiến kỹ thuật mới. Vì cuộc sống của cả gia đình họ phụ thuộc vào một mảnh vườn, nên họ hiếm khi “mạo hiểm” với chính miếng ăn của cả nhà. Chỉ khi họ nhận thấy chế phẩm vi sinh có tác dụng tốt trên những khu vườn khác, họ mới dám sử dụng cho cây trồng của mình”.

Đến nay, chế phẩm vi sinh của Thiên Nông đã được sử dụng trên 10.000ha đất trồng trọt ở nhiều vùng, miền khác nhau và trên nhiều loại cây trồng. “Tôi có vẻ là người kinh doanh lạc hậu, không chuộng các chiến dịch quảng bá rầm rộ, lại không có nhiều thời gian đi thuyết phục các hộ nông dân. Chỉ có những người chủ động tìm đến thì tôi hết lòng giúp đỡ. Nhưng tôi tin rằng, sản phẩm của mình sẽ ngày càng được sử dụng rộng rãi để thay thế các sản phẩm hóa học có hại đang được dùng bừa bãi trong trồng trọt, chăn nuôi. Tôi cũng có niềm tin vào nền nông nghiệp của nước ta khi nhận thấy ngày càng nhiều người trẻ tham gia. Họ giỏi giang, năng động và chịu tiếp thu cái mới. Tôi tin rằng chỉ hai, ba năm nữa thôi, nông nghiệp của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường thế giới” - chị Vân nói. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI