Đèn tín hiệu giao thông gặp trục trặc, tài xế cần làm gì?

01/01/2025 - 10:24

PNO - Từ 1/1/2025, mức phạt ô tô vượt đèn đỏ lên tới 20 triệu đồng, nếu đèn tín hiệu giao thông gặp trục trặc thì tài xế cần làm gì?

Nghị định 168/2024 có hiệu lực kể từ hôm nay, 1/1/2025, quy định nâng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông. Trong đó, mức phạt ô tô vượt đèn đỏ là 18 - 20 triệu đồng, xe máy là 4 - 6 triệu đồng.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ việc tăng mức phạt, nhưng băn khoăn trong trường hợp đèn tín hiệu gặp trục trặc thì phải làm thế nào.

trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu… sẽ không bị xử phạt -Ảnh minh họa
Trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu… sẽ không bị xử phạt (Ảnh minh họa)

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết tại các nút giao thông hiện nay, đại đa số đều được trang bị hệ thống camera giám sát. Đồng thời, người dân khi gặp trường hợp bị lập biên bản xử phạt chưa thỏa đáng, họ có quyền khiếu nại theo quy định, thậm chí khởi kiện ra tòa án hành chính. Khi nhận được khiếu nại, lực lượng cảnh sát giao thông chắc chắn sẽ có sự đối chiếu, xem xét các yếu tố liên quan.

Trước việc xuất hiện thông tin sẽ “bỏ đếm giây đèn tín hiệu”, đại diện Cục CSGT khẳng định việc bỏ đếm giây đèn tín hiệu chỉ là đề xuất và thí điểm diện hẹp, ở một vài nút giao tại TPHCM. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định rõ đèn giao thông có 3 màu vàng, xanh, đỏ. Đồng thời, luật cũng quy định đèn tín hiệu vẫn có loại có đồng hồ đếm giây.

Đại diện Cục CSGT cũng khẳng định trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu… sẽ không bị xử phạt. Lý do bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.

Theo đó, tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hàng ngàn vụ tai nạn do đi ngược chiều, vượt đèn đỏ

Thống kê từ Bộ Công an cho thấy, năm 2024 toàn quốc xảy ra 21.532 vụ TNGT đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Trong đó, có 23 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, làm chết 76 người, bị thương 17 người.

Về nguyên nhân, 3.065 vụ do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định làm chết 1.423 người, bị thương 2.764 người; 360 vụ do người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), làm chết 122 người bị thương 301 người; 143 vụ do phương tiện giao thông đi ngược chiều làm chết 38 người, bị thương 141 người…

Theo Bộ Công an, việc tùy tiện khi tham gia giao thông, coi thường pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là quy tắc giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có.

Nhiều người khai nhận là ngại không muốn dừng xe, thấy các xe khác cũng vượt đèn đỏ, muốn đi về sớm… lâu dần thành thói quen vượt đèn đỏ, nhất là khi đường vắng và tại các nút giao thông không có lực lượng CSGT.

Bộ Công an khẳng định, việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm quy tắc giao thông và kèm theo là các hình thức xử lý nghiêm khắc như: tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe… tại Nghị định 168/2024 chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu để giảm thiểu vi phạm, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI