Không cần phải bàn nhiều về giá trị của phố cổ Hội An trong văn hóa và du lịch Việt Nam. Du khách trong, ngoài nước một khi đã đặt chân đến nơi ấy, không khỏi ngưỡng mộ, trầm trồ với một không gian cổ kính, một bảo tàng sống.
Cái độc đáo của phố cổ Hội An không chỉ ở những ngôi nhà, công trình với những kiến trúc cổ kính mà còn với những hàng quán, tụ điểm đa dạng và nhiều “màu sắc” như những đèn lồng, những con tò he, những gánh chè…
|
Phố cổ Hội An |
Thời gian gần đây dư luận rộ lên những ý kiến, đa số là phản đối, về việc thu phí vào tham quan phố cổ Hội An. Tôi cũng đôi lần theo các tour du lịch đến Hội An, lần nào cũng có mua vé vào tham quan phố cổ. Và lần nào cũng được hướng dẫn viên thuyết minh những nét đặc trưng với nhiều ý nghĩa của mái ngói, của rường, của cột, của ngạch cửa, của hoành phi, câu đối…
Nếu không có thuyết minh chắc chắn tôi chỉ biết là nó khác lạ với những ngôi nhà xưa ở quê tôi mà thôi. Với một du khách như tôi, tiền vé tham quan đó cũng là hợp lý. Hợp lý không chỉ vì có người thuyết minh, mà hợp lý vì những công trình kiến trúc hàng trăm năm ấy cần có kinh phí để gìn giữ, bảo trì, trùng tu.
Đến phút chốc rồi đi, tôi không có dịp tìm hiểu chủ nhân những ngôi nhà cổ ấy có được hưởng phần nào từ tiền bán vé hay không. Nhưng tôi chắc chắn phần lợi nhuận từ các quầy hàng lưu niệm không thể chi trả để trùng tu các chi tiết tinh tế, đầy thẩm mỹ do bàn tay tài hoa của người thợ xưa thực hiện.
Thử đặt tình huống chủ nhân một ngôi nhà có khách đến tham quan không có được tiền thì làm sao có thể trùng tu, bảo trì, mà kinh phí thực hiện các việc đó chắc chắc tốn nhiều hơn xây mới. Không được trả tiền, họ chỉ có một trong các cách: xây mới để ở, bỏ mặc cho hoang tàn, hay tự thu phí tham quan. Chưa nói đến việc cần sử dụng mặt bằng hiện hữu để cất nhà nhiều tầng, hiện đại hơn, tiện nghi hơn, đủ cho gia đình nhiều thế hệ chung sống.
Du khách cũng từng đến tham những ngôi nhà cổ rải rác khắp nơi trên đất Việt Nam. Hầu như nơi nào cũng bán vé, thu tiền tham quan. Ngay cả một nơi gần như phế tích, là chốn hành đạo khi xưa của ông Đạo Dừa (Bến Tre) cũng có bán vé vào cửa. Đó cũng là điều cần làm để những người chịu trách nhiệm quản lý các nơi ấy có kinh phí để gìn giữ di tích cho xã hội.
Thật là vui nếu du khách đến Việt Nam được tham quan miễn phí tất cả các nơi. Thật là vui nếu ngân sách Nhà nước có nguồn thu từ dịch vụ du lịch đủ tiền để chi phí cho việc chăm sóc các di tích, đền đài, nhà cửa… danh lam thắng cảnh nói chung. Nhưng đó chỉ là ước mơ chưa thành hiện thực. Vì vậy, việc thu phí tham quan là cần thiết không chỉ ở phố cổ Hội An.
Vấn đề còn lại là cách thu thế nào? Cách sử dụng nguồn thu đó ra sao để có thể gìn giữ được những ngôi nhà, các ngành nghề… và cả không gian đã làm nên danh tiếng Hội An?
Nguyễn Thu Đăng