Đền thờ Bác Hồ trong lòng dân

01/09/2022 - 07:12

PNO - Bên cạnh những công trình tưởng niệm Bác Hồ do chính quyền các địa phương xây dựng, ở khắp đất nước Việt Nam, còn có rất nhiều đền thờ, nhà tưởng niệm Bác Hồ do người dân tự góp công, góp của xây nên. Những nơi này trở thành địa chỉ để người dân địa phương, các cơ quan, đoàn thể đến dâng hương tưởng niệm Người.

Lập đền thờ Bác khi đất nước còn chia cắt

Ông Lê Văn Lâm - nguyên Phó Giám đốc Nông trường Minh Hải, hiện đang nghỉ hưu ở TPHCM - kể, khi vào tiếp quản tỉnh Bạc Liêu ngay sau ngày 30/4/1975, ông vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi biết ở miền Nam, có rất nhiều đền thờ Bác Hồ.

Một trong số đó là đền thờ Bác ở xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Từ đầu năm 1970, người dân đã ủng hộ tiền bạc, công sức để Đảng ủy xã Châu Thới xây dựng đền thờ Bác Hồ. Ban đầu, đền thờ có mái bằng lá, vách bằng gỗ nhưng sau hai lần bị địch đốt phá, đền được xây kiên cố bằng xi măng, cốt sắt. Lúc xây xong, người dân đã cùng du kích, bộ đội bảo vệ đền thờ cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Khi ông Lâm đến nhận nhiệm vụ ở Ban Vật giá Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu, người dân địa phương đã dẫn gia đình ông - gồm vợ chồng, bốn người con - đến đền thờ thắp hương cho Bác. 

Mấy năm sau, khi ông Lâm về Nông trường Minh Hải nhận công tác, người dân địa phương lại đưa ông đến nhà thờ Bác ở mũi Cà Mau để thắp nhang. Nhà thờ này cũng được xây dựng trong kháng chiến chống Mỹ và được quân dân Cà Mau ra sức bảo vệ trước những đợt càn quét của địch.

Theo ông Lê Văn Lâm, ở tỉnh Cà Mau, ông đã đến dâng hương khoảng 20 đền thờ, phủ thờ, nhà thờ Bác Hồ do dân lập, nhiều nhất là ở hai huyện Cái Nước và Năm Căn. Hầu hết đền thờ Bác Hồ trong tỉnh được dựng lên khoảng những năm 1969-1970, khi người dân nghe tin Bác qua đời. Một số đền thờ nay đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. 

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM
Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở P.Bình Thuận, Q.7, TPHCM

Trong những chuyến công tác ở các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Phước, Tây Ninh, Long An… chúng tôi cũng được nghe nhắc đến đền thờ Bác Hồ. Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình lập bàn thờ Bác và thắp nhang tưởng niệm Bác mỗi dịp 2/9. Ông Cao Cự Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An, H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước - cho hay, di ảnh Bác được gia tộc Cao Cự thờ trong nhà thờ họ hơn nửa thế kỷ qua. 

Nhà thờ Bác ở thành phố mang tên Bác

Khi chúng tôi ghé thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở số 458/25 Huỳnh Tấn Phát, khu phố 2, P.Bình Thuận, Q.7, những cây sứ đại đang rộ bông trắng tinh trong khuôn viên. Bà Trần Thị Hường - 63 tuổi, quê H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - vừa gom lá khô trên sân, vừa cho hay, bà đã làm công việc quét dọn ở đây hơn mười năm qua: “Ngày nào, cô cũng dậy từ 5g sáng. Quét dọn nhà cửa, lo cơm nước xong là cô đạp xe sang đây. Nhà mình sạch sao thì nhà Bác cũng phải sạch y chang vậy, cô mới chịu”. 

Lễ kết nạp Đoàn ở đền thờ Bác Hồ tại TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Lễ kết nạp Đoàn ở đền thờ Bác Hồ tại TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Những dịp lễ, bà Hường không chỉ quét dọn, tưới cây trong khuôn viên hơn 1.300m2 mà còn lau chùi cửa sổ, quét mạng nhện các phòng trưng bày, chuẩn bị nhang đèn đầy đủ để đón khách. Khi chúng tôi đang chuyện trò thì một phụ nữ luống tuổi dựng chiếc xe đạp lỉnh kỉnh ve chai, cầm gói nhang đã chuẩn bị sẵn đi vào trong gian thờ Bác, chắp tay kính cẩn dâng hương. Sau khi khấn nguyện, bà cắm nén nhang, chỉnh lại cho ngay ngắn, vái ba vái rồi dắt chiếc xe đạp tiếp tục ngày mưu sinh. Bà Hường nói: “Không chỉ ngày rằm, mồng Một hay ngày lễ mà ngày thường, người dân cũng đến thắp hương Bác, nên lúc nào cũng phải có người canh để mở cửa”. 

Bà Thái Thị Tâm - Trưởng ban điều hành khu phố 2 - cho hay, toàn bộ khuôn viên này là ngôi nhà ba gian của ông Nguyễn Văn Rô (Bảy Rô) - là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, từng nhiều lần được gặp Bác Hồ. Yêu kính Bác nên lúc còn sống, ông Bảy Rô lập bàn thờ Bác và làm lễ giỗ Bác hằng năm tại nhà. Sau khi ông Bảy Rô mất, theo di nguyện của ông, năm 2003, gia đình ông đã tặng và bàn giao ngôi nhà này cho Trung tâm Văn hóa Q.7 quản lý. Năm 2016, Quận ủy, UBND Q.7 đã cho tôn tạo, sửa sang lại nhà thờ. Những ngày lễ lớn, các đoàn thể, cơ sở đến đây tổ chức lễ chào cờ, làm lễ báo công, tổ chức những buổi kết nạp đoàn viên, đảng viên.

Trước đây, ở ấp Hội Thạnh, xã Trung An, H.Củ Chi, hầu như nhà nào cũng thờ di ảnh Bác và thắp nhang, làm lễ giỗ Bác vào ngày 2/9 hằng năm.

Ông Nguyễn Đức Quang (người xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM)  tự tay thắp nhang mỗi khi có khách đến tưởng niệm Bác
Ông Nguyễn Đức Quang (người xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TPHCM) tự tay thắp nhang mỗi khi có khách đến tưởng niệm Bác

Ở khu dân cư Vạn Hưng Phú, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, cũng có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, do ông Nguyễn Đức Quang xây dựng từ năm 2012 theo lối kiến trúc xưa của Huế. Nơi đây trở thành một địa chỉ để người dân đến dâng hương. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Nguyễn Đức Quang cùng một số cán bộ quân đội, công an về hưu vừa tổ chức xong lễ giỗ Bác. Cỗ cúng có hoa quả, bánh chưng do người dân trong xã mang đến và một mâm cơm giản dị do các bác trong ban quản lý nhà tưởng niệm tự nấu nướng. Trong khói hương phảng phất, sau ba hồi trống, ba hồi chiêng chầu, mọi người im lặng nghe đọc bản di chúc của Bác Hồ. 

Theo ông Nguyễn Đức Quang, Bác mất ngày 21/7 âm lịch. Theo phong tục, nhà thờ Bác ở H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cúng tiên thường vào ngày 20/7. Ngày 21/7 âm lịch, ông và một số cán bộ hưu trí mới tổ chức giỗ Bác. Đến ngày 2/9 và những ngày lễ lớn, ông chỉ thắp hương và mở cửa để người dân đến tưởng niệm, thắp hương. 

Ông Quang kể, mười năm trước, khi ông về đây, vùng đất này còn hoang vắng, xung quanh toàn dừa nước, bờ sông sụt lở, bốn bề ngập nước mỗi khi thủy triều lên: “Tôi quyết định nâng nền rồi xây dựng nhà thờ, trước là để tưởng niệm Bác, sau là tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trên vùng đất này, trong đó có nhiều người chưa được công nhận liệt sĩ do chưa xác minh được lý lịch”. 

Học sinh thắp hương tại đền thờ Bác Hồ thiết thực ở xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu trước ngày khai giảng năm học mới
Học sinh thắp hương tại đền thờ Bác Hồ thiết thực ở xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu trước ngày khai giảng năm học mới

Có lần, một cặp vợ chồng chạy ghe chở hàng ngang qua khúc rạch Ngang này giữa đêm, nước rút nhanh quá nên chiếc thuyền mắc cạn rồi lật ngang. 5g sáng, ông Quang thức dậy, thấy người vợ ôm đứa con nhỏ ngồi khóc trên bờ, còn người chồng đang ráng sức gồng đỡ để hàng hóa trên thuyền không rơi xuống nước. Ông Quang đưa người phụ nữ và đứa bé vào bên trong ngồi nghỉ. Tình cờ biết được nơi đây thờ Bác Hồ, người phụ nữ liền thắp nén hương. Một lúc sau, người chồng lật lại được chiếc thuyền thăng bằng, họ vui mừng đi tiếp. Từ đó, mỗi lần đi ngang qua đây, đôi vợ chồng này đều ghé lại thắp nhang.

Ông cho biết, trong những năm qua, không chỉ người dân mà học sinh các trường học trong xã, trong huyện cũng thường xuyên đến Nhà tưởng niệm Bác Hồ để tổ chức những buổi sinh hoạt tập thể. “Ý nguyện của tôi là sẽ bàn giao công trình cho nhà văn hóa huyện quản lý, để sau này, khi tụi tôi mất đi, vẫn có người quét dọn, chăm sóc nhà thờ này” - ông Quang bày tỏ.

Theo ông Quang, cũng như bao nhiêu nhà thờ Bác Hồ trải dọc trên suốt dải đất hình chữ S này, nhà thờ Bác Hồ ở xã Phú Xuân cũng được xây nên từ lòng kính ngưỡng Bác, từ đạo lý uống nước nhớ nguồn: “Chúng tôi trưởng thành từ trong quân đội. Nếu không có Bác, không biết đời mình sẽ ra sao, nên mình làm được điều gì tốt đẹp thì ráng làm, để con cháu noi theo”. 

Diễm Chi - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI