Đến Thiếu Lâm tự, ngẫm nhớ chuyện xưa

28/01/2024 - 14:18

PNO - Những ai yêu mến điện ảnh châu Á hẳn không xa lạ với bộ phim Thiếu Lâm tự vốn gắn liền với tên tuổi tài tử Lý Liên Kiệt. Thiếu Lâm tự - bối cảnh chính của bộ phim - từ đó càng được người ta biết đến, tìm đến nhiều hơn.

Hẳn nhiên không phải nhờ bộ phim mà Thiếu Lâm tự mới nổi tiếng. Ngôi chùa cổ này vốn đã là một trong những ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Quốc từ ngàn năm qua. Ngôi cổ tự nằm dưới chân núi Thiếu Thất thuộc dãy Tùng Sơn. Tùng Sơn - một trong ngũ đại danh sơn - núi thiêng của Trung Quốc - có 2 dãy: Đại Tùng Sơn và Tiểu Tùng Sơn. Thiếu Lâm Tự nằm ngay triền núi phía tây của Tiểu Tùng Sơn, gọi là núi Thiếu Thất, thuộc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Thăng trầm ngôi cổ tự của Bồ Đề Đạt Ma

Lối vào chánh điện chùa Thiếu Lâm
Lối vào chánh điện chùa Thiếu Lâm

Chùa được Hiếu Văn Đế triều đại Bắc Ngụy (495) xây dựng để rồi được biết đến nhiều hơn kể từ khi nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma đến đây năm 527 tu hành và truyền bá Phật giáo. Ông được xem là ông tổ sáng lập giáo phái Thiền Tông Trung Hoa, sau này phát triển khắp vùng Đông Nam Á, Triều Tiên và Nhật Bản. Bồ Đề Đạt Ma cũng là người sáng lập nên võ phái Thiếu Lâm.

Chùa Thiếu Lâm rộng hơn 60.000m2 với 11 công trình kiến trúc trải dài theo trục Bắc Nam như: Tam Môn, Đại Hùng Bảo Điện, Tàng Kinh Các, Tây phương thánh nhân, Lục Tổ Đường, điện La Hán, khu Linh tháp, học viện cho tu sinh... Các công trình kiến trúc của chùa còn lại đến nay hầu hết được trùng tu và xây dựng từ thời nhà Minh, nhà Thanh.

Vốn đã quen với việc các địa điểm tham quan nổi tiếng của Trung Quốc luôn đông khách nhưng tôi vẫn bất ngờ khi nhìn dòng người lũ lượt xếp hàng mua vé, xếp hàng vào cổng, xếp hàng chờ đi xe điện để di chuyển từ điểm này sang điểm khác trong khuôn viên ngôi chùa rộng mênh mông này. Quả thật, nếu muốn từ cổng đi bộ hết một vòng các nơi trong chùa, bạn sẽ mất một buổi. 

Cho đến nay, chưa có ngôi chùa nào to lớn và có lịch sử đặc biệt lâu đời còn sót lại từ thời phong kiến cổ đại ở phương Đông như chùa Thiếu Lâm. Ngôi chùa cũng chứng kiến bao thăng trầm biến thiên của thời cuộc. Chuyện hay được nhắc đến nhất là 13 côn tăng cứu Đường vương thời nhà Đường (618-907). Trong chùa có tấm bia năm 728 miêu tả chuyện các nhà sư chiến đấu giúp Lý Thế Dân chống lại đối thủ của ông là Vương Thế Sung. Vì giúp Lý Thế Dân lên ngôi vua, bình định thiên hạ, Thiếu Lâm tự được vua biết ơn, cho phép các nhà sư phát huy võ công, nên danh tiếng chùa ngày một lớn.

Đây là đề tài hấp dẫn của phim ảnh khi nói về Thiếu Lâm tự. Tuy nhiên, chùa từng bị hủy hoại và trùng tu, xây dựng lại khá nhiều lần. Lần nặng nhất là vào năm 1928, tướng Thạch Hữu Tam - thuộc hạ của Tưởng Giới Thạch - phóng hỏa đốt chùa, thiêu hủy nhiều văn thư vô giá trong thư viện chùa… Sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, chùa hoang tàn vắng lặng một thời gian dài trước khi trở thành địa điểm tham quan, dạy võ nổi tiếng đông khách viếng thăm như hiện nay. 

Chuyện lạ ở Thiếu Lâm tự 

Tượng Bồ Đề Đạt Ma trước điện Tây Phương thánh nhân
Tượng Bồ Đề Đạt Ma trước điện Tây Phương thánh nhân

Đưa tôi đến Thiếu Lâm tự, Aron - một hướng dẫn viên du lịch có những nghiên cứu khá sâu về Phật giáo - kể một câu chuyện như một huyền tích ở chùa này.

Chuyện kể rằng Bồ Đề Đạt Ma ẩn tu trong hang đá khuất sâu sau núi, thực hành thiền pháp "bích quán" - ngồi thiền quay mặt nhìn vào vách đá suốt 9 năm (cửu niên diện bích). Trong thời gian đó, luôn có người đưa cơm cho ông ròng rã nhiều năm trời. Người đó xin được nhận làm đệ tử. Nghe xong, Đạt Ma nói: Chừng nào tuyết đổ màu đỏ thì ta sẽ nhận ngươi làm đệ tử.

Người đó kiên nhẫn đợi mãi cho đến một ngày nhận ra trên đời làm gì có tuyết đỏ. Sau đó, ông tự chặt đứt cánh tay trái của mình để tỏ rõ sự thấu hiểu, tỏ lòng chí thành cầu đạo. Máu từ cánh tay chảy lan trên tuyết đến trước nơi Đạt Ma Sư Tổ đang ngồi. Đạt Ma nhìn thấy, nhớ lại lời hứa năm xưa, đã nhận đệ tử đầu tiên của mình như thế. Vì chỉ có một cánh tay, người này chỉ có thể lạy Phật bằng một tay. Người này là Huệ Khả, sau đó trở thành vị Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Quốc. Từ đó, ở phái Thiếu Lâm, người ta lạy Phật bằng một tay là vì thế. 

Lúc nhỏ khi xem phim thấy các vị sư Thiếu Lâm thường lạy chỉ một tay, tôi cũng lấy làm thắc mắc. Mãi đến giờ, đứng trong sân chùa Thiếu Lâm, được Aron giải thích về việc này, tôi lấy làm thú vị lắm.  

Ngôi cổ tự hơn 1.500 tuổi có quá nhiều huyền tích, huyền thoại và lịch sử quyện vào nhau. Thì ngay cả chuyện về Bồ Đề Đạt Ma cũng đã có nhiều giai thoại hư hư thực thực. Như chuyện ông đến Thiếu Lâm Tự, trên đường đi đã vượt sông Dương Tử trên một ngọn cỏ lau. Thiếu Lâm tự vẫn còn bức tượng sống động miêu tả tích này trong điện Tây Phương, nơi dành riêng để thờ Bồ Đề Đạt Ma.

Tàng kinh các và hàng cây bạch quả ngàn năm

Chú tiểu chùa Thiếu Lâm đang hướng dẫn một thế võ cho du khách nhỏ tuổi
Chú tiểu chùa Thiếu Lâm đang hướng dẫn một thế võ cho du khách nhỏ tuổi

Những ai từng xem qua truyện, phim về võ thuật, kiếm hiệp không thể không biết đến Tàng Kinh các - nơi lưu giữ các bộ kinh, sách quý giá về Phật pháp, võ thuật của Thiếu Lâm tự. Bên trong Tàng Kinh các, chính giữa hiện nay thờ tượng Phật nằm tạc theo phong cách Miến Điện. Xếp kín 2 vách tả hữu từ đất lên đụng xà ngang tòa nhà là những chiếc tủ to 2 tầng lưu giữ kinh sách, bí kíp võ công và các văn kiện vô giá khác.

Những chiếc tủ có vẻ ngoài rất bình thường. Thế nhưng xưa kia, nơi đây là trung tâm của tất cả pho sách bí truyền võ công thượng thừa, nơi chứa đựng bí kíp để luyện 72 tuyệt kỹ khí công. Suốt chừng ấy năm tồn tại, Tàng Kinh các là nơi luôn bị bao siêu trộm dòm ngó, đột nhập. 

Tôi đứng nhìn nắng xuyên qua cửa hắt sáng toàn bộ tòa nhà, tự nhiên bất giác mỉm cười nhớ đến Kim Dung. Không hiểu sao Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác trong Thiên Long Bát Bộ lại có thể ẩn náu được suốt 30 năm để lén lút ăn cắp bí kíp võ công thượng thừa mà chẳng ai hay.

Ấn tượng mạnh với tôi ở Thiếu Lâm tự, ngoài Tàng Kinh các là 2 hàng cây ngân hạnh rợp bóng mát trên lối đi từ Sơn môn đến Thiên Vương điện với nhiều bia ký cổ. Cây trẻ nhất cũng đã 500 năm tuổi. Cây già nhất đã 1.500 tuổi. Trên thân nhiều cây, nhất là cây ngân hạnh 1.500 tuổi, còn lưu nhiều dấu vết tập luyện của các võ tăng nơi này. Trên thân cây ngang tầm tay có khá nhiều lỗ tròn to có đường kính vừa y một ngón tay. Người đời sau đi qua, ai đó đã cố vươn qua hàng rào bảo vệ gốc cây, thảy vào một số đồng xu nằm vừa vặn trong đó, như nhắc nhớ rằng đây là sân tập võ từ ngàn xưa của chùa Thiếu Lâm và các lỗ tròn nhỏ trên thân cây là vết tích sự tập luyện kiên trì của các thế hệ Thiếu Lâm cao tăng luyện Trúc diệp thủ, Thiết tý công, Bao thụ công...

Những dấu vết trên các cây cổ thụ này được cho là của Nhất Chỉ Thiền, một loại nội công Thiếu Lâm. Người luyện thành thục loại nội công trên có khả năng phát huy toàn bộ sức mạnh tụ lại nơi một ngón tay. Một võ tăng ở chùa này từng được báo chí nhắc tới là Thích Lý Lượng cho biết, phải khổ luyện 10 năm trời, ngón tay ngắn đi 1cm mới luyện thành công.

Qua bao dâu bể, ngôi cổ tự từ hưng thịnh đến đổ nát điêu tàn, bốc cháy rồi được trùng tu mà hàng cổ thụ vẫn đứng đó, chứng kiến bao binh biến can qua, tỏa bóng ngàn đời như chứng nhân lặng lẽ với thời gian. Tôi bất giác nhớ đến thuở ban đầu của Bồ Đề Đạt Ma khi đến nơi này truyền giáo, mang theo thông điệp của sự thinh lặng. 

Bạn có thể mua tour tại nhiều đơn vị lữ hành ở Việt Nam. Nên chọn các đơn vị lữ hành uy tín hoặc chuyên tuyến tour Trung Quốc như Saigon tourist, Bayon travel… Tour có tham quan Thiếu Lâm tự thường kéo dài 6 ngày 5 đêm, du khách từ Việt Nam sẽ bay đến Quảng Châu (Trung Quốc) và tiếp tục nối chuyến tới Trịnh Châu. Giá tour trung bình khoảng gần 23 triệu đồng/người, đã bao gồm phí visa và vé vào cửa các điểm tham quan.

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ, Aron Bill

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI