Đến súng mà còn buông lỏng quản lý thì...

26/08/2019 - 07:38

PNO - Từ quản lý vũ khí đến quản lý tài chính, tài sản, từ công tác cán bộ đến công tác phát huy dân chủ cơ sở đều buông lỏng, dẫn dắt những vi phạm nối tiếp sai phạm...

Chiều 23/8, lại là một ngày thứ Sáu, danh sách cán bộ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm, xem xét kỷ luật tiếp tục được nối dài, trong đó, đặc biệt gây chú ý là hàng loạt tướng, tá của Công an tỉnh Đồng Nai: 1 giám đốc và 2 phó giám đốc công an đương nhiệm, 1 nguyên giám đốc và 3 nguyên phó giám đốc.

Den sung ma con buong long quan ly thi...
Hiện trường vụ án Trung úy CSGT Đồng Nai Nguyễn Tấn Phước dùng súng bắn chết người

Trước đó, tại kỳ họp thứ 37, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: “Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án; trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự”.

Quả thực, với chừng ấy sai phạm và hầu hết các sai phạm rất nghiêm trọng đều mang tính chất quan trọng, cốt lõi của một tổ chức, đơn vị thì thử hỏi, trong gần suốt hai nhiệm kỳ, nghĩa là 10 năm, lực lượng vũ trang nòng cốt của một địa phương, họ đã tồn tại, củng cố và thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như thế nào? Nếu lật lại hồ sơ lưu trữ, liệu có tìm thấy dòng “phê và tự phê”, tự kiểm điểm về những dấu hiệu vi phạm, biểu hiện vi phạm trong các cấp của tổ chức ấy, trong từng cá nhân lãnh đạo ấy?

Chắc chắn là không, hoặc nếu có thì cũng đã khép lại, ỉm đi, chìm xuống và... “không có căn cứ”.

Bởi nếu có thì đã không thể để xảy ra trường hợp trưởng Công an huyện Cẩm Mỹ từng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý vũ khí, để thượng sĩ Vũ Thanh Bảo nổ súng làm chết người, lại được thăng chức phó giám đốc công an tỉnh, đại tá Trần Thị Ngọc Thuận.

Bởi nếu có thì đã không ngang nhiên dung túng cho trường hợp trung úy Nguyễn Tấn Phước (Phòng Cảnh sát giao thông) dùng súng bắn chết người ở nhà trọ vào tháng 1/2018. Phước là tài xế riêng của ông Nguyễn Văn Khánh, Thiếu tướng - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (nhiệm kỳ 2010-2015). Chính ông Khánh là người đồng ý cấp súng cho Phước. Khi ông Khánh nghỉ hưu, cơ quan quản lý Phước cũng không thu hồi súng.

Hậu quả của việc buông lỏng trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo vũ khí không chỉ nhìn nhận đơn thuần là trách nhiệm công tác mà còn dẫn tới hậu họa là từng mạng người đổ gục, là hành vi vô pháp của lực lượng chấp pháp, là sự đe dọa trật tự, an toàn xã hội của chính những người thực thi chức trách bảo vệ kỷ cương, an toàn xã hội.

Tròn 60 năm trước, ngày 16/5/1959, tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình”. Trước đó, năm 1951, tại Trường Công an trung cấp, khóa II, Người chỉ rõ: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”.

Từ quản lý vũ khí đến quản lý tài chính, tài sản, từ công tác cán bộ đến công tác phát huy dân chủ cơ sở đều buông lỏng, dẫn dắt những vi phạm nối tiếp sai phạm, thì thử hỏi, trong guồng máy quản trị kỷ cương xã hội, nhân dân được bảo vệ từ đâu, do ai; hay chính mỗi người dân phải chủ động tự vệ.

Theo quy định, “Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật”. Còn thực tế, tại Công an tỉnh Đồng Nai, lại lập quỹ, sử dụng quỹ trái phép với một công ty của quân đội!

Trong cơn “ngáo đá” của đại úy công an Lê Thị Hiền tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đọc thấy ngay cả trong sự tức giận, phẫn nộ của mọi người, là thiện cảm, là đòi hỏi đương nhiên phẩm chất, tư cách, tác phong của một chiến sĩ công an nhân dân - mà Hiền không hề có, thậm chí Hiền phơi bày mọi sự báng bổ, xúc phạm, hoài nghi.

Trong cơn “mưa kỷ luật” của lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai, lòng tôi lại dậy lên nỗi hoang mang, ngờ vực, là họ, 6 điều Bác Hồ dạy, 10 điều kỷ luật, 5 lời thề danh dự, hẳn là họ thuộc làu, chỉ là… quên làm! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI