Đến spa làm đẹp, một phụ nữ bị hoại tử vùng mặt

15/03/2017 - 11:38

PNO - Ngày 15/3, bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị hoại tử nặng vùng mặt sau khi được tiêm chất làm đầy Filler.

Bệnh nhân L.N.T.M. (29 tuổi, cư ngụ tại TP.HCM) sau khi nghe lời quảng cáo của một spa làm đẹp đã chấp nhận phương án bơm chất làm đầy vào 2 bên má. Sau đó 3 tháng, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương với các triệu chứng viêm mủ da, hoại tử vùng mặt.

Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương nghi ngờ bệnh nhân nữ này đã bị bơm vào vùng má không phải chất làm đầy Filler mà là silicon lỏng. Chính vì thế, sau 3 tháng, thì vùng mặt của bệnh nhân đầy những vết mưng mủ, nhiễm trùng và không có cách nào lấy hết hóa chất đã bơm vào.

Bệnh nhân cho biết đã nghe lời quảng cáo rất êm tai từ một trung tâm chăm sóc da, tự nhận là một viện chăm sóc da. Khi bị tiêm chất làm đầy thì bệnh nhân cũng không biết là đây là chất làm đầy cũng như không hề biết gì về những tai biến có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ thẩm mỹ, những nơi chăm sóc da rất khó có thể được cấp phép làm các thủ thuật hay phẫu thuật về thẩm mỹ. Chỉ có các phòng khám chuyên khoa và bệnh viện thẩm mỹ với các bác sĩ được đào tạo bài bản thì mới có thể được cấp phép làm thủ thuật về thẩm mỹ.

Den spa lam dep, mot phu nu bi hoai tu vung mat
Những trường hợp tai biến sau khi tiêm filler

Một bệnh nhân thứ 2 là chị N.A.S. (49 tuổi, cũng ở TP.HCM), dù rất cẩn thận tìm đến một nơi được cấp phép làm thủ thuật thẩm mỹ nhưng cũng tai biến khi tiêm chất làm đầy vào mũi.

Bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, đau  nhức vùng mắt, mũi. Khi chuyển vào Bệnh viện Trưng Vương thì xuất hiện những vết hoại tử trên khuôn mặt. Người phụ nữ này đã vô cùng hoảng sợ.

Trong 3 ngày đầu tiên nhập viện, các vết hoại tử lan nhanh ra vùng mặt. Tuy nhiên, đến ngày thứ 4, khi những kháng sinh cực mạnh phát huy tác dụng thì các vết hoại tử lan chậm lại dần. Nguyên nhân của tai biến này có thể do tay nghề của bác sĩ thực hiện còn yếu nên đã nên họa cho bệnh nhân.  

Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh khuyến cáo chị em phụ nữ khi đến các cơ sở làm đẹp, trước đi quyết định thực hiện thủ thuật nào thì phải hỏi rõ tên thủ thuật đó là gì, phải xin vỏ chai thuốc, hộp thuốc để biết chính xác người ta sẽ tiêm chất gì vào cơ thể.

Bệnh nhân cũng phải xác minh rõ cơ sở có giấy phép hoạt động hay chưa, có được thực hiện các thủ thuật về thẩm mỹ hay chưa; người thực hiện thủ thuật có phải là bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề hay chưa.

Theo bác sĩ Khanh, tỷ lệ biến chứng do tiêm chất làm đầy Filler không phải là quá cao. Nhưng nếu rơi vào tay người không có tay nghề thì rất nguy hiểm cho người làm đẹp. Đa phần các trường hợp bị tai biến sau tiêm chất làm đầy là do ham rẻ nên đến những nơi chưa được cấp phép và được thực hiện bởi các “bác sĩ tay mơ”.

 Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI