Đến Sài Gòn, đắm mình trong “hò xự xang xê cống”

21/05/2024 - 06:04

PNO - “Sún răng, ai cho làm nghệ sĩ”. Lời bông đùa của hàng xóm khiến cô bé 7-8 tuổi rụt rè với ước mơ lớn lên làm nghệ sĩ cải lương. Rồi một lần, khi biểu diễn bài lý Trăng soi ở UBND huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), cô bé bị quên lời, khóc thút thít. Có lẽ câu chuyện sẽ dừng tại đây nếu cô bé ấy - là tôi - không được đặt chân tới Sài Gòn…

Tác giả (giữa) cùng nhạc sĩ Nhứt Dũng, đạo diễn Kim Loan trong chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập Câu lạc bộ Tài tử - Cải lương của cung văn hóa Lao động TPHCM
Tác giả (giữa) cùng nhạc sĩ Nhứt Dũng, đạo diễn Kim Loan trong chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập Câu lạc bộ Tài tử - Cải lương của cung văn hóa Lao động TPHCM

Tiếng ca chữa lành

Đầu năm 2004, khi đang là cộng tác viên của Báo Phụ nữ TPHCM, trong một lần tác nghiệp tại cung văn hóa Lao động TPHCM (quận 1, TPHCM), tôi sững người trước dòng thông báo “chiêu sinh lớp tài tử cải lương”. Do sợ phô dây, trật nhịp nên học qua mấy buổi, tôi mới dám ca khi cô Kim Loan gọi đích danh. Dứt bài Ngựa ô Nam, cô nhìn tôi, ánh mắt chan chứa niềm thương, nhắc: “Mai mốt phải bỏ nhịp đầu câu 2 nhen em”.

Câu lạc bộ (CLB) Tài tử - Cải lương của cung văn hóa Lao động TPHCM được thành lập cuối năm 2003, chủ nhiệm là thạc sĩ, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, phó chủ nhiệm là nhà giáo, đạo diễn Kim Loan. Thầy Dũng, cô Loan cùng là giảng viên Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM và là bạn đời của nhau. Trở thành một trong những hội viên đầu tiên của CLB, tôi đỡ nhút nhát, thụ động hơn. Việc học ca bổ trợ rất nhiều cho nghề báo, giúp tôi xả stress, tìm được sự cân bằng tâm trí. Lời ca chân thành, đậm nghĩa đậm tình và sự hóa thân vào nhân vật bồi đắp tâm hồn, cho mình thấu cảm với người khác nhiều hơn. Giao lưu đờn ca, tôi mở rộng mối quan hệ và một số bạn diễn đã trở thành nhân vật trong những bài viết phù hợp.

Càng theo học, hiểu được sự sâu sắc, thú vị và tính bác học của thang âm, điệu thức, tôi càng biết ơn những bậc tiền nhân, càng tự hào về đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo chân thầy cô đi biểu diễn, giao lưu ở các khu công nghiệp, trường học, nhà dưỡng lão… của TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác, tôi mở rộng góc nhìn xã hội, về những con người còn nghèo về vật chất nhưng âm nhạc đã lấp đầy cuộc sống của họ.

Những năm gần đây, thuật ngữ “âm nhạc trị liệu” mới được biết đến nhưng từ 20 năm trước, tôi đã cảm nhận được tiếng đờn, lời ca xoa dịu, vá lành tâm hồn như thế nào. Đó là khi tôi bước qua những nghịch cảnh của đời mình. Bao lần khóc cho số phận nhưng câu ca từ đáy lòng đã nâng tôi dậy, lau dòng nước mắt.

Trên chuyến phà Rạch Miễu vào năm 2009, tôi và mẹ đưa ba lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cấp cứu do ba bị xuất huyết não, bệnh viện tỉnh đã “chê”. Bởi hoang mang, lo sợ hay vì muốn đứng vững và truyền sinh lực cho ba, trong tiếng phà ù ù, trong những cơn gió lạnh trời khuya thổi tạt, tôi cứ lầm rầm ca Đoản khúc Lam Giang, Phi vân điệp khúc… Mảnh đất Sài Gòn đã 2 lần cứu sống ba tôi cho đến khi ông mất ở tuổi 86. Sau đó, khi mẹ tôi bị đột quỵ, không thể nói được, chị em tôi hằng ngày vẫn tập ca bài tân cổ Dòng sông quê em cho mẹ nghe.

Chuyền tay đốm lửa đam mê

CLB trong cung văn hóa rợp bóng bồ câu nơi một góc công viên Tao Đàn là mái ấm thứ hai của tôi và nhiều bạn mộ điệu tài tử cải lương. Học viên, hội viên đủ ngành nghề, từ bác sĩ, nhân viên ngân hàng, kế toán, nhà báo đến tài xế, bảo vệ, bán phở… Có anh phi tới lớp bằng xe cấp cứu bệnh viện bởi xong việc, sẵn đường tạt vào chút để không bị trễ học, mất bài.

Tác giả (trái) cùng đồng nghiệp tái hiện hình ảnh cô giao liên qua tiết mục Dệt chặng đường xuân  trong cuộc thi “Âm vang vọng cổ” năm 2022
Tác giả (trái) cùng đồng nghiệp tái hiện hình ảnh cô giao liên qua tiết mục Dệt chặng đường xuân trong cuộc thi “Âm vang vọng cổ” năm 2022

CLB cũng là nơi xe duyên cho nhiều cặp hội viên tâm đầu ý hợp. Đặc biệt, họa sĩ, soạn giả Đặng Ái Việt - vợ của cố Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc - ban đầu chỉ là học viên lớp tài tử cải lương nhưng yêu đức, mến tài thầy cô Nhứt Dũng - Kim Loan nên mạnh dạn rủ “mần sui” và sự nối kết này đã sinh trái ngọt.

Học viên là những người sinh sống ở TPHCM và các tỉnh lân cận nhưng quê quán từ khắp vùng miền trên đất nước: Cà Mau, Vĩnh Long, Hà Nội, Bình Định, Đồng Nai… Không ít anh chị định cư nước ngoài, vừa về nước liền vào cung văn hóa ôm cô giáo, nói: “Ở xứ người, nghe câu vọng cổ, nhớ quê nhà, nhớ cô quá xá, thèm được cô la như hồi còn đi học”. Cô Kim Loan nổi tiếng khó tính, nghiêm túc, ngay cả đào tạo phong trào quần chúng cũng chú trọng chất lượng nên các thế hệ học trò đều nể sợ.

Tuy nhiên, những học trò gắn bó lâu năm sẽ hiểu bên trong vẻ oai nghiêm, khó gần của cô là một trái tim ấm áp. Nhớ 2 lần tôi vượt cạn trong Bệnh viện Từ Dũ, cô đến tận giường thăm, cho tiền và còn dặn dò đủ thứ. Sực nhớ chưa mua mấy miếng tã dán, cô lội mấy tầng lầu xuống căn tin mua rồi trở lên đưa tận tay tôi, chỉ dạy cặn kẽ cách dùng. “Cô ơi, em chỉ là một học trò nhỏ, không chuyên, hơi giọng chẳng là gì so với quá nhiều học trò thành danh của cô như anh Lê Tứ, chị Hà Như, các anh Minh Đức, Hải Long, các chị Thy Trang, Thy Nhung, Lê Hồng Thắm… Sao cô dành cho em tình thương và sự ân cần đến vậy” - tôi thầm nhủ khi tiễn cô ra về.

Khi cô bị tai biến mà nhiều tháng trời tôi mới hay, tôi đã tự trách mắng mình. Ngay ngày giỗ Tổ năm 2020, cô bị tai biến lần nữa, để lại di chứng trên cơ thể, trên bước đi, trong giọng ca… Tưởng cô sẽ an hưởng những tháng năm tuổi xế, nào ngờ người đưa đò tận tụy này vẫn lặng lẽ ngược xuôi trên dòng sông nghệ thuật. Một góc cung văn hóa lại rộn vang 3 Nam, 6 Bắc, 7 bài (lễ), 4 oán… Vẫn là cô rút ruột rút gan dạy trò ca “hò xự xang xê cống” sao cho thật chuẩn, luyến láy mượt mà, đưa cảm xúc vào ca diễn cũng như chuẩn bị tỉ mỉ về trang phục, đạo cụ trước khi lên sân khấu. Có lần hài lòng các tiết mục, cô tươi cười nói: “Cô ráng tập vật lý trị liệu để mai mốt còn vỗ tay cho tụi bây”.

Nếu không đến với Sài Gòn, nếu không hội ngộ với thầy cô, tôi có được những trải nghiệm hạnh phúc trên sân khấu như thế không? Tôi có cơ hội trau dồi qua những liên hoan đờn ca tài tử Hoa Sen Vàng, liên hoan văn hóa dân gian hay cùng 2 chị đồng nghiệp đại diện cho Đông Nam Bộ tham dự cuộc thi “Âm vang vọng cổ” các tỉnh phía Nam do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức năm 2022? Tôi còn có một kỷ niệm khó phai là được song ca vọng cổ giữa núi rừng Tây Bắc trong chuyến về nguồn của đoàn báo chí, xuất bản TPHCM cuối năm 2023.

Nếu ai hỏi tôi “có dám sống với đam mê”, tôi sẽ trả lời ngay rằng “có”. Sài Gòn là trường học bao la để ai mê thích ngành nghề gì đều dễ dàng tiếp cận, rèn luyện và kết nối cộng đồng. Sài Gòn đã cho tôi cuộc sống no ấm, thỏa lòng đam mê và cảm thấy hạnh phúc khi góp chút công sức lan tỏa nét đẹp cổ nhạc.

Trong tôi, Sài Gòn không chỉ có những cung đường tươi vui, nhộn nhịp, những công trình hiện đại vươn tầm thế giới mà còn có cả giai điệu ngũ cung ngọt ngào, sâu lắng từ những người truyền dạy rực lửa đam mê.

Tô Diệu Hiền

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI