Dự án hoàn thành quá thấp
Theo báo cáo của UBND TPHCM, giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM hoàn thành 19 dự án nhà ở xã hội trên tổng số 64 dự án dự kiến triển khai; tương ứng với việc phát triển tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1,78 triệu m2 sàn.
Giai đoạn 2021 - 2025, đến quý 1/2022 hoàn thành 1 dự án trên tổng số 47 dự án dự kiến triển khai; tương ứng với việc phát triển tăng thêm 32.668 m2 sàn nhà ở xã hội, đạt 1,3% so với chỉ tiêu dự kiến phát triển tăng thêm 2,5 triệu m2 sàn.
Qua đó, cho thấy số lượng dự án hoàn thành và diện tích sàn nhà ở xã hội phát triển tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 đạt khá thấp so với chỉ tiêu đề ra.
|
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã có buổi giám sát trực tiếp dự án nhà ở xã hội Nguyên Sơn tại huyện Bình Chánh vào tháng 9/2023. |
Theo Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng hướng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 220.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 4.500 căn hộ.
Kết quả đến nay, TPHCM hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với diện tích đất 18.459,6 m2 diện tích sàn xây dựng 59.893 m2, quy mô 623 căn hộ. Có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258 m2.
Cũng theo UBND TPHCM, hiện nay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, tuy nhiên TPHCM sẽ phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội còn rất nhiều vướng mắc khó khăn như quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, xác định nghĩa vụ tài chính, thủ tục xây dựng, cấp giấy chứng nhận…
|
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại buổi giám sát. |
Hiện UBND TPHCM đã phân nhóm các vấn đề, các đầu mối để tổng hợp, tháo gỡ trong quá trình triển khai. Thời gian tới TPHCM sẽ tăng tốc giải quyết, trung bình là 2 tuần họp 1 lần về chuyên đề nhà ở xã hội, trong đó sẽ bàn các việc cũ là tháo gỡ các vướng mắc, việc mới là tiếp tục triển khai.
Trong 6 tháng qua, TPHCM cũng dồn sức điều chỉnh quy hoạch. Sản phẩm đầu tiên là 2 dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên và Bình Tân đã điều chỉnh và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Khẩn trương áp dụng Nghị quyết 98 để thực hiện nhà ở xã hội
Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng nhân TPHCM cho biết, đoàn giám sát đã tổ chức khảo sát thực tế đối với 25 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 2 dự án đoàn giám sát thực hiện khảo sát trực tiếp tại huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, 23 dự án giao Ban Đô thị mời khảo sát tại trụ sở HĐND UBNDTP để ghi nhận khó khăn vướng mắc.
Đồng thời đoàn giám sát trực tiếp đối với 8 Sở ngành (Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch – Kiến trúc, Quỹ phát triển nhà ở, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TPHCM) và 5 Ban quản lý khu đô thị, UBND huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức.
Qua quá trình giám sát, đoàn giám sát ghi nhận nhiều khó khăn của các Sở, ngành và địa phương cũng như của chủ đầu tư trong công tác triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Các vướng mắc chủ yếu là thủ tục đầu tư xây dựng, pháp lý về đất đai, giao thuê đất, miễn tiền sử dụng đất; chính sách hỗ trợ về vốn; công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; bàn giao quỹ đất và thực hiện nghĩa vụ 20% nhà ở xã hội… Trình tự thủ tục xét duyệt mua bán nhà ở xã hội; thẩm định giá bán; cấp giấy chứng nhận…
Qua giám sát, HĐND TPHCM nhận thấy khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ) trong giai đoạn 2021 – 2025 là rất thấp, khó khả thi.
Trên cơ sở đánh giá những khó khăn, vướng mắc; phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, và đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan, cũng như khẩn trương triển khai thực hiện các quy định về dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; đề nghị UBND TPHCM có đánh giá toàn diện, đúng thực chất và dự báo khả năng thực hiện đến cuối năm 2025.
Từ đó đề ra phương hướng và các giải pháp cụ thể để tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và nỗ lực phấn đấu để thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội ở mức cao nhất có thể.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát để Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét tại kỳ họp thường lệ tháng 12/2023. Kết quả giám sát này cũng là cơ sở để TPHCM chuẩn bị báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức giám sát về thị trường bất động sản và các dự án nhà ở xã hội vào quý 1/2024.
Bích Trần