Đến kiểm tra học kỳ, đề cương, văn mẫu lại lên ngôi

06/01/2021 - 18:30

PNO - Tôi cảm thấy khó chịu khi phải ngồi dò bài cho đứa con đang học lớp 3 học thuộc hai bài văn mẫu.

Sắp đến ngày kiểm tra học kỳ I, dù chỉ mới học lớp 3 nhưng con vẫn có “đề cương” ôn tập. Mỗi tối, tôi tiếp tục "sự nghiệp" ngồi vào bàn học cùng con.

Nhiệm vụ trong những ngày cận kề kiểm tra là dò bài cho con. Toán thì cùng con giải một số bài cô cho sẵn, tiếng Việt thì cùng con học thuộc những bài tả cảnh.

Học văn mẫu là hoạt động không thể thiếu trươc mỗi kỳ kiểm tra học kỳ
Học văn mẫu là việc không thể thiếu trước kiểm tra học kỳ

Con cứ ra rả lặp đi lặp lại: "Nghỉ hè em được ba mẹ đưa về quê chơi, nhờ vậy mà em biết được nhiều thứ ở nông thôn. Cảnh vật ở nông thôn rất đẹp, hai bên đường có hàng cây che bóng mát. Xa xa em thấy có những cánh đồng lúa chín, ở đó các cô chú nông dân vừa gặt lúa vừa chuyện trò vui vẻ… Em thấy người dân ở nông thôn rât siêng năng và tốt bụng…".

Hay nhẩm đi nhẩm lại bài văn kể về cảnh đẹp đất nước như: “Em thích nhất là cảnh biển ở Phan Thiết. Bao trùm lên cả bức tranh là màu xanh của bầu trời, núi non, cây cối và nước biển. Nổi bật lên màu xanh ấy là màu trắng tinh của cồn cát, màu vàng ngà của bãi cát ven bờ…”.

Tôi biết con học và thuộc làu làu nhưng chẳng hiểu gì. Những đoạn văn cô soạn rất chỉn chu, tả rất hay. Nhưng đó là thứ cảm nhận, là ngôn từ của người lớn, không phải của học trò. Trẻ nhỏ học thuộc, đến ngày kiểm tra chép lại, đúng thì đạt điểm cao, sai một vài từ sẽ bị trừ điểm.

Dù có đạt điểm tuyệt đối thì chúng cũng chẳng nhận ra giá trị của cảnh đẹp bởi chúng có tả đâu. Chúng chỉ chép lại những gì giáo viên tả mà thôi. 

Những ngày này, trên đường đi làm, tôi thường bắt gặp cảnh học sinh ngồi sau lưng cha mẹ cầm sách vở tra bài. Tối về, phần đông trẻ đang đi học đều phải tạt qua lớp học thêm nào đó để giải thêm mớ bài tập đã học, "gạo" thêm nhiều bài đã thuộc… Học như thợ, lặp lại nhiều lần để ghi nhớ, thay vì sáng tạo, để đạt điểm cao.

Tôi không hiểu vì sao thầy cô giáo phải làm như vậy, dạy học trò thi cử theo hướng "an toàn" học vẹt đạt điểm cao? Phần lớn học sinh đều đạt điểm 8, 9, 10 nhưng thi xong là quên, thứ đọng lại là những con điểm thật cao chẳng có gì ngoài giá trị... thành tích.

Quan sát các môn học của con, tôi thấy hầu như môn nào cũng có đề cương, môn nào cũng có phần học vẹt, thậm chí đến học tiếng Anh cũng học vẹt. Sự phổ biến này cực kỳ nguy hiểm vì nó thui chột động lực học và sáng tạo của trẻ.

Lối học vẹt chỉ khiến cho học sinh ngày càng yếu, càng mất bản lĩnh sáng tạo, mất tự tin vào bản thân có thể làm tốt hơn những đề cương, văn mẫu có sẵn. Thế mà, bao nhiêu năm nay, những bài văn dài dằng dặc vẫn có đất dụng võ. Mỗi kỳ thi về, học sinh phải "gồng mình" học thuộc để lấy điểm cao.

Còn thầy cô chấp nhận chấm điểm cho những bài làm mẫu điểm cao từ năm này qua năm khác cũng chỉ là một thợ dạy dễ dãi.

Học trò không có khả năng phản ứng trước cái sai này nhưng phụ huynh thì sao? Bản thân phụ huynh cũng chẳng mấy người dám không cho con học thuộc, chịu điểm thấp. Khó chịu nhưng chấp nhận là thái độ của phần lớn phụ huynh trước sự trái khoáy này.

Tôi cho rằng dạy học sinh chép văn mẫu, ra đề cương ôn thi để đạt điểm cao là sự giả dối. Từ trong học tập, chúng ta đã dạy các em cách đối phó, “lách”, chấp nhận điểm số không thuộc về năng lực của mình thì con đường bước ra đời không trung thực sẽ rất gần.

Điểm cao để làm gì khi học sinh phải học mụ cả người, nặng kiến thức sách vở mà thiếu kiến thức thực tế, lúng túng khi ứng xử một việc gì đó? “Bao giờ mới hết đề cương, văn mẫu?” là câu hỏi đau đáu vẫn chờ người bứt phá, đó sẽ là ai, giáo viên, phụ huynh hay học sinh?

Phúc Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI