Nhiều học sinh khối 11, Trường THCS- THPT S.N.A (quận 10) cảm thấy “sốc” khi đọc đề kiểm tra ngữ văn cuối học kỳ 1. Ngữ liệu nêu ra trong đề là 72 câu thơ của thể loại truyện thơ dân gian, đầy trúc trắc, khó hiểu.
“Bài thơ với hầu hết những từ, cụm từ rất khó hiểu, mang âm hưởng dân gian, theo em là quá sức với hầu hết học sinh. Để đọc, nghiền ngẫm được đoạn trích với hơn 70 câu thơ và trả lời những câu hỏi nêu ra trong đề không phải dễ dàng…”- Ngọc Tuấn - học sinh lớp 11 của trường bày tỏ.
Tương tự, đề kiểm tra ngữ văn khối 10 cuối học kỳ 1, Trường THPT N.T.H (quận Tân Bình) dài 3 trang giấy, vấn đề đặt ra liên quan đến sử dụng internet, mạng xã hội - được đánh giá là gần gũi với học sinh song vẫn gây ra nhiều tranh cãi khi ngữ liệu thiên về những thuật ngữ chuyên ngành nặng nề.
|
Đề kiểm tra ngữ văn gây "sốc" với học sinh |
“Cũng là vấn đề đó nhưng nếu giáo viên sử dụng một văn bản nhẹ nhàng, gần gũi hơn thì sẽ phù hợp hơn với yêu cầu hướng tới của đề kiểm tra định kỳ”- cô Nguyễn Thị Phương Thảo - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Ten lơ man (quận 1) nhìn nhận.
Theo cô Thảo, học sinh “hoang mang” ngay từ khi đọc đề thông thường xuất phát từ nguyên do giáo viên chịu áp lực của đổi mới. Trên thực tế, dù đã bước sang năm thứ 2 Chương trình GDPT 2018 triển khai ở hai khối 10, 11 song để giáo viên vừa chắc tay trong đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa vững vàng trong đổi mới kiểm tra, đánh giá thì không hề dễ dàng…
“Khó khăn của giáo viên hiện nay là tìm kiếm ngữ liệu phù hợp đưa vào đề kiểm tra. Với chương trình mới, ngữ liệu sử dụng trong đề kiểm tra không được nằm trong sách giáo khoa mà bắt buộc giáo viên phải tìm kiếm, sưu tầm ngữ liệu bên ngoài. Ngữ liệu phải vừa mang tính mới mẻ, tạo sự hứng thú cho học sinh, vừa phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình. Trong khi đó, giáo viên chưa được tiếp cận nhiều với những phương pháp xây dựng ngữ liệu đề kiểm tra, cũng như chưa có một ngân hàng ngữ liệu để giáo viên tham khảo…” - cô Thảo nêu.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài - Giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) đánh giá, so với năm đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 (năm học 2022-2023), đến nay đa phần giáo viên đã bắt nhịp được với đổi mới, đồng bộ trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Dù vậy, trong đánh giá định kỳ, bên cạnh những đề kiểm tra thú vị, mới mẻ, tạo hứng thú cho học sinh thì vẫn còn nhiều đề kiểm tra nặng nề, áp lực, thậm chí là khó hiểu khi không gắn với năng lực học sinh mà đặt ra yêu cầu quá cao so với chương trình, khiến học sinh dễ dàng bị ngộp ngay từ khi đọc đề.
|
Theo nhiều giáo viên, áp lực đổi mới là một trong nguyên nhân dẫn đến những đề kiểm tra "sốc" |
“Sở dĩ có những đề kiểm tra như vậy là bởi ngay từ đầu trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã không bám sát năng lực học sinh, không nắm được yêu cầu cần đạt của chương trình. Yêu cầu đổi mới đặt ra trong kiểm tra đánh giá theo Chương trình mới có nghĩa là giáo viên phải nắm được yêu cầu cần đạt, đặt vấn đề theo hướng tiếp cận năng lực, để học sinh vận dụng được chính những kiến thức đã học để giải quyết, chứ không phải đổi mới theo kiểu “độc - lạ”- học sinh đọc đề xong không hiểu yêu cầu của đề là gì, vấn đề cần giải quyết là như thế nào… Đổi mới không chỉ chú trọng yếu tố mới, lạ mà quan trọng hơn cả vẫn là phải bám sát được với năng lực của học sinh, có tính phân hóa”- thạc sĩ Hoài phân tích.
Theo cô Hoàng Thị Khánh Huyền - Giáo viên ngữ văn, Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh), Chương trình GDPT 2018 mang đến nhiều thuận lợi để giáo viên được sáng tạo trong môn học và đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá. Việc đánh giá học sinh không còn tập trung vào bài kiểm tra như trước đây mà đánh giá cả quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Để làm được điều này, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới từ chính phương pháp giảng dạy, mở ra những cơ hội từ bài học để học sinh được trải nghiệm, sáng tạo, đồng thời việc kiểm tra đánh giá cũng phải gắn liền với chính quá trình mà học sinh được trải nghiệm, sáng tạo.
Không có tranh cãi, làm sao đổi mới?
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, việc đề kiểm tra của một số cơ sở giáo dục còn nhiều tranh cãi xuất phát từ sự tác động của suy nghĩ ra đề theo “nếp cũ” và việc chưa có nhiều kinh nghiệm của người ra đề dẫn đến việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực theo hướng dẫn của Bộ, của Sở còn nhiều lúng túng. Sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới khi thực hiện ban đầu, lúc nào cũng gặp những trở ngại, khó khăn, đây là điều tất yếu…
Theo ông, Sở GD-ĐT đã giao quyền chủ động cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, nhà trường được thể hiện sự đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng các bài tập vận dụng theo hướng phát triển năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn. Song, trong giai đoạn đầu thực hiện đổi mới sẽ không tránh khỏi những vấn đề gây tranh cãi, từ đó mới rút kinh nghiệm, điều chỉnh…
|
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, có tranh cãi mới có đổi mới |
“Sở GD-ĐT đã thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn từ rất sớm ở bậc THCS (năm học 2016-2017) thông qua đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10 và cũng đã chấp nhận tranh cãi, góp ý xây dựng. Đến nay, định hướng này có thể nói là đã thực hiện khá thành công. Vì vậy, đối với các đề kiểm tra còn gây tranh cãi ở một số đơn vị, chúng ta nên xem đó là quá trình phát triển tích cực, nếu sợ gây tranh cãi thì làm sao đổi mới…”- ông Nguyễn Bảo Quốc đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ông cho rằng để giáo viên vững tay trong đổi mới kiểm tra đánh giá thì lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần phải sâu sát, nắm bắt kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong quá trình biên soạn ra đề kiểm tra định kì để uốn nắn, điều chỉnh, bám sát đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 đã đề ra.
Q.Trung