PNO - Sau một ngày thỏa sức mua sắm, tham quan các bảo tàng, di tích đặc sắc tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan, bạn hãy để tâm hồn lắng đọng và thư giãn với khoảnh khắc ngắm chiều tàn ở những điểm đến thơ mộng.
Từ Việt Nam sang Đài Loan mọi người thường chọn các chuyến bay lúc sáng sớm để tranh thủ thời gian. Tôi cũng đi theo hành trình tương tự để đến phi trường Đài Bắc vào khoảng 6g sáng. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, tôi đón tàu vào thành phố, tìm chỗ gửi hành lý rồi bắt đầu hành trình khám phá Đài Bắc, bắt đầu từ tòa nhà Taipei 101 từng một thời là tòa nhà cao nhất thế giới.
Ngắm toàn cảnh Đài Bắc từ Tượng Sơn.
Hơn 3g chiều, tôi xuống ga MRT (tàu điện ngầm) đón tàu đi về ga Tamsui (Đạm Thủy). Đây là ga cuối cùng trên tuyến MRT màu đỏ Tamsui-Xinyi nên rất dễ đi. Từ trung tâm Đài Bắc đến Đạm Thủy mất khoảng 40 phút tàu chạy nên tôi tranh thủ chợp mắt để nạp năng lượng. Không hổ danh là một khu dân cư lâu đời ở Đài Bắc, Đạm Thủy gây ấn tượng mạnh với tôi ngay từ kiến trúc kiểu cổ của ga MRT với các bức tường gạch và ô cửa vòm.
Ở cửa ra của ga Tamsui, tôi sa ngay vào thiên đường ẩm thực với một con phố dài có đủ các món ăn đường phố. Thôi thì từ bạch tuộc nướng, xúc xích nướng đến bắp nướng với giá cực rẻ và hương vị thơm ngon như níu chân du khách phương xa. Bên cạnh đó, tôi cũng được thưởng thức món kẹo hồ lô hấp dẫn vốn từng thấy nhiều trong phim Hoa ngữ và cả món kem cuộn một thời làm mưa làm gió ở Sài Gòn. Sau này, ăn kem cuộn ở nhiều nơi, tôi mới thấy món kem ở Đạm Thủy và Cửu Phần là “đỉnh” nhất. Tất nhiên khi đã ghé thăm Đài Loan, dù là “tín đồ trà sữa” hay không, bạn cũng nên thử qua món đặc sản “made in Taiwan” này nhé! Tôi sẽ không mô tả mà muốn để bạn tự cảm nhận hương vị độc đáo của món thức uống đã trở nên quá quen thuộc với cả thế giới này ngay trên chính quê hương của nó.
Kem cuộn - một trong những món ăn thú vị bạn nên thử khi ghé thăm Đài Loan.
Trên tay lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống, tôi rẽ qua con hẻm nhỏ từ phố ẩm thực xuống phố đi bộ ven biển để tận hưởng cảnh mặt trời sà dần xuống mặt nước, tỏa ánh hoàng hôn rực rỡ mê hoặc lòng người. Đó đây những cặp tình nhân dắt tay nhau đi dạo, chụp cho nhau những tấm ảnh lung linh dưới ánh chiều lấp lánh. Cũng không hiếm các đôi vợ chồng già ngồi bên nhau trầm mặc ngắm hoàng hôn. Phía xa xa, bóng dáng những con tàu nổi bật trên nền trời càng làm cho hoàng hôn Đạm Thủy mang màu sắc yên bình đặc biệt.
Xem hoa đăng trên bầu trời hoàng hôn Thập Phần
Ngày thứ hai ở Đài Bắc, tôi bắt đầu hành trình đi một vòng bờ biển Bắc Đài Loan. Sau khi dành trọn buổi sáng để tham quan công viên Dã Liễu (Yehliu), nơi thiên nhiên đã ban tặng cho Đài Loan vô số kiệt tác nghệ thuật với những tảng đá đủ mọi hình hài, tôi lên núi để đến “ngôi làng trong truyền thuyết” Cửu Phần (Jiufen). Bên cạnh những ngôi nhà, con phố tuyệt đẹp đã làm nên cảm hứng cho bối cảnh của bộ phim hoạt hình đoạt giải Oscar Spirited Away (Vùng đất linh hồn) khiến mấy cô nàng mê sống ảo quanh tôi như phát cuồng.
Thả đèn ở Thập Phần.
Làng Thập Phần (Shifen), điểm dừng chân cuối ngày của tôi là một địa điểm thoạt nhìn có vẻ không có gì đặc sắc với một ngôi làng nhỏ nằm hai bên đường ray tàu lửa cùng trò chơi thả đèn trời. Tuy nhiên, phải đến đây vào lúc hoàng hôn bạn mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Dọc theo đường ray là hàng đoàn du khách xếp hàng chờ đến lượt thả đèn cầu may mắn để rồi hàng loạt ngọn đèn bay lên bầu trời đang tắt nắng trông như những ngôi sao lấp lánh. Trên đường ray, thỉnh thoảng một đoàn tàu chầm chậm băng qua, lớp vỏ thép nhiều màu lấp loáng trong ánh hoàng hôn. Bầu không khí khiến tôi có cảm giác như mình đang lạc về thế kỷ trước.
Góc phố Cửu Phần - nơi từng là bối cảnh phim "Vùng đất linh hồn".
Cả Đài Bắc trong tầm mắt
Một trong những điểm ngắm hoàng hôn tuyệt vời nhất tôi từng đến, hóa ra lại không hề xa trung tâm Đài Bắc. Cũng tương tự như Đạm Thủy, để đến Tượng Sơn (còn gọi là Núi Voi, Elephant Mountain hay Xiangshan) tôi chỉ việc đón tàu đi đến ga cuối cùng của tuyến đi Xiangshan. Ra khỏi cửa ga Xiangshan, băng qua một công viên khá đẹp, tôi đến ngay chân núi để bắt đầu hành trình chinh phục. Đường lên đỉnh Tượng Sơn có các bậc thang nên không khó để đi. Tuy nhiên, đường lên rất dốc nên dù đỉnh Tượng Sơn chỉ cao khoảng 183m nhưng quãng thời gian cần để lên đến nơi ngắm cảnh cũng mất cả giờ cùng không ít mồ hôi.
Đôi vợ chồng già đợi ngắm hoàng hôn ở Đạm Thủy.
Từ phía xa, dưới chân núi kéo dài đến tận đường chân trời là thành phố Đài Bắc đang dần lên đèn, rực rỡ trong ánh mặt trời le lói cuối ngày. Tòa nhà Taipei 101 như một điểm nhấn đặc biệt khiến cảnh quan thêm phần tráng lệ, nối thêm nét hiện đại vào một Đài Loan cổ kính tôi đã từng tiếp xúc vào hôm qua. Càng lên cao, đường càng trở nên dễ đi hơn và phần thưởng càng lớn hơn khi cảnh hoàng hôn Đài Bắc được gối thêm tiền cảnh là những tán cây rừng, các tảng đá lớn với nhiều du khách cùng ngồi ngắm mặt trời lặn. Tôi cũng chọn cho mình một chỗ trống và ngồi xuống, lặng lẽ nhìn ngày trôi qua, thầm ao ước khoảnh khắc bình yên này sẽ không bao giờ kết thúc.
Vì chuyến bay từ Việt Nam đi Đài Loan khá ngắn (chỉ trên dưới 4 giờ) nên chúng ta sẽ khó có giấc ngủ trọn vẹn. Vì vậy, bạn nên có kế hoạch ngủ sớm ở nhà trước khi ra sân bay để khi đến nơi vẫn đủ sức đi chơi. Bên cạnh đó, nếu đi tự túc, khi đến quá sớm bạn chưa thể vào khách sạn nhận phòng ngay mà phải đợi đến 2-3g chiều. Khi đó, bạn có thể chọn phương án gửi hành lý ở các ga MRT. Tại đây thường có các ngăn ký gửi hành lý theo giờ rất tiện lợi cho du khách.
Khi leo núi Tượng Sơn được một quãng đường bạn sẽ đến điểm dừng chân thứ nhất. Nếu không đủ thể lực, bạn có thể ngắm Đài Bắc ở vị trí này. Tuy nhiên, nếu cố gắng thêm chút nữa, bạn sẽ dễ dàng chinh phục điểm cao thứ hai, nơi tầm nhìn hùng vĩ và hoành tráng hơn rất nhiều. Trước khi leo núi, bạn cũng đừng quên mang theo nước uống vì hành trình leo núi sẽ khiến cơ thể mất nước rất nhiều.